Dòng sông tâm thức: Tịnh Độ (II)

Thứ tư, 13/10/2021, 10:57 GMT+7
Dòng sông tâm thức: Tịnh Độ (II)

Dòng sông tâm thức: Tịnh Độ (II)

Tu Tịnh Độ lại là tu tâm điều phục tâm an trụ tâm. Niệm Phật chỉ là một phương tiện đi đến định của tâm, Phật A Di Đà là một niệm có tha lực giúp đỡ ta đi đến Phật và ta nhập thành một.

Phép tu của Tịnh độ tông chủ yếu là niệm danh hiệu Phật A Di Đà và quán tưởng Cực lạc.


Làm thế nào để niệm Phật nhất tâm bất loạn - Pháp sư Tịnh Không
Niệm Phật nhất tâm bất loạn theo phương pháp của Ấn Quang Đại Sư qua lời giảng của Pháp Sư Tịnh Không. Đại sư Ấn Quang dạy rằng: Phương pháp hay nhất của việc dụng công niệm “A Di Đà Phật” là điều nhiếp 6 căn, tịnh niệm nối nhau:
1. Ngay lúc niệm “A Di Đà Phật” Tâm chuyên chú vào danh hiệu “A Di Đà Phật”, là nhiếp Ý căn.
2. Miệng phải niệm cho rõ ràng mạch lạc tức là nhiếp Thiệt căn.
3. Tai phải nghe đựơc rõ ràng mạch lạc tức là nhiếp Nhĩ căn.
4. Ba căn này nhiếp vào danh hiệu “A Di Đà Phật” thì Mắt quyết không thấy cảnh loạn khác là nhiếp Nhãn căn.
5. Mũi cũng không ngửi những mùi loạn khác là nhiếp Tỵ căn.
6. Thân phải cung kính là nhiếp Thân căn.
– 6 căn đã được nhiếp phục mà không tán loạn thì tâm không có vọng niệm. Chỉ có “A Di Đà Phật” là niệm mới là thanh tịnh niệm. Nếu thường luôn nhiếp cả 6 căn mà niệm, thì gọi là tịnh niệm nối nhau, nếu thường tịnh niệm nối nhau thì nhất tâm bất loạn, niệm “A Di Đà Phật” Tam-muội sẽ dần dần được!
– Niệm “A Di Đà Phật” phải thường tưởng sắp chết sắp đọa địa ngục thì không khẩn thiết cũng tự khẩn thiết, không tương ưng cũng tự tương ưng. Dùng tâm sợ khổ để niệm “A Di Đà Phật” tức là cách hay nhất để thoát khổ, cũng là cách hay nhất trong tùy duyên tiêu nghiệp!
– Lúc niệm “A Di Đà Phật” ắt phải chí thành, hoặc có khi trong tâm khởi lên niệm đau buồn, đây là tướng thiện căn phát hiện, nhưng dè dặt chớ để việc ấy thường xảy ra, nếu không thì sẽ đắm trước vào ma cảnh sầu bi, hễ có việc vừa ý thì không nên quá vui mừng nếu không thì sẽ đắm trước vào ma cảnh hoan hỷ!
– Lớn tiếng niệm “A Di Đà Phật” không được quá gắng sức, để phòng bị bệnh!
– Khi chưa được nhất tâm thì không được nhen nhóm ý muốn thấy “Phật A Di Đà”, nếu được nhất tâm thì Tâm và “Phật A Di Đà” hợp nhau, tâm hợp với đạo thì muốn thấy liền thấy ngay, không thấy cũng hoàn toàn không trở ngại.

Nếu gấp muốn thấy “Phật A Di Đà”, tâm niệm lăng xăng, ý niệm muốn thấy kết chặt trong tâm bèn trở thành bệnh lớn của tu hành, lâu ngày sinh nhiều oan gia, theo đó thao túng vọng tình tưởng hiện làm thân Phật, thỏa mãn trả báo oán xưa, tự tâm đã không có chánh kiến, toàn thể là phần khí của ma, một khi thấy thì sinh tâm vui mừng, từ đó ma nhập vào tâm phủ, dựa ma phát cuồng, dù có Đức Phật A Di Đà”, cũng chẳng biết làm sao. Chỉ nên nhất tâm, đâu cần phải mong thấy “Phật A Di Đà”, có phải không ?!
– Bệnh và ma đều do nghiệp đời trước mà ra, chỉ thường chí thành tha thiết niệm “A Di Đà Phật” thì bệnh tự thuyên giảm và ma tự xa lìa. Lại niệm “A Di Đà Phật” xong hồi hướng, vì tất cả oan gia đời trước mà hồi hướng, khiến cho họ thấm nhuần lợi ích việc niệm “A Di Đà Phật” mà được sinh về cõi lành!
– 1 câu (Nam-mô A Di Đà Phật hoặc A Di Đà Phật) miên miên mật mật thường thời nhớ niệm, hễ có các ý niệm tình cờ khởi lên như phẫn nộ, dâm dục, hiếu thắng, uất khí,… thì liền nghĩ rằng mình là người niệm “A Di Đà Phật”, đâu thể khởi lên những tâm niệm này ư! Niệm ấy khởi nên liền dứt, lâu ngày thì tất cả niệm làm lao tổn tâm, thần đều không do đâu mà khởi lên!
– Mỗi ngày công phu hồi hướng đều cho chúng sinh trong pháp giới. Nếu thời khóa công phu này vì chúng sinh nầy, thời khóa công phu kia vì chúng sinh kia thì cũng được. Nhưng phải có nguyện hồi hướng chung khắp mới hợp với ba thứ hồi hướng.
Ba thứ hồi hướng ấy là:
1. Hồi hướng chân như thật tế.
2. Hồi hướng quả Phật Bồ-đề, niệm niệm viên mãn.
3. Hồi hướng cho chúng sinh trong pháp giới đồng sinh Cõi Cực Lạc!

Tu tịnh độ mà không dám nhứt tâm thệ nguyện cầu vãng sanh Tây phương Cực lạc thì khó mà thành công.

Pháp môn Tịnh Độ
Tịnh độ tông hay Tịnh thổ tông (zh. jìngtǔ-zōng 淨土宗, ja. jōdo-shū), có khi được gọi là Liên tông (zh. 蓮宗), là một pháp môn quyền khai của Phật giáo,trường phái này được lưu hành rộng rãi tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam do Cao tăng Trung Quốc Huệ Viễn (zh. 慧遠, 334-416) sáng lập và được Pháp Nhiên (法然, ja. hōnen) phát triển tại Nhật. Mục đích của Tịnh độ tông là tu học nhằm được tái sinh tại Tây phương Cực lạc (sa. sukhāvatī) Tịnh độ của Phật A Di Đà.
Đặc tính của tông này là lòng tin nhiệt thành nơi Phật A Di Đà và sức mạnh cứu độ của vị Phật này, là vị đã thệ nguyện cứu độ mọi chúng sinh quán tưởng đến mình. Vì thế chủ trương tông phái này có khi được gọi là "tín tâm", thậm chí có người cho là "dễ dàng", vì chỉ trông cậy nơi một lực từ bên ngoài (tha lực) là Phật A Di Đà.
Phép tu của Tịnh độ tông chủ yếu là niệm danh hiệu Phật A Di Đà và quán tưởng Cực lạc. Ba bộ kinh quan trọng của Tịnh Độ tông là: Vô lượng thọ kinh (sa. sukhāvatī-vyūha), A Di Đà kinh (sa. amitābha-sūtra) và Quán Vô Lượng Thọ kinh (sa. amitāyurdhyāna-sūtra).
Ngày nay Tịnh độ tông là tông phái Phật giáo phổ biến nhất tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Tịnh Độ ngày nay là thế gian tịnh độ là cõi tại đây hiện tại. Tịnh Độ tông không chỉ có niệm Phật mà thôi mà vẫn tu tập theo Đại Thừa tức là đã định rồi phải quán chiếu tiếp theo. Quán kinh Hoa nghiêm Lăng nghiêm mà đạt vô sanh pháp nhẫn. Như vậy những ai tu Tịnh Độ cần biết thiền trong Tịnh độ là thiền quán sau khi niệm Phật nhất tâm bất loạn là đã đạt định rồi. Phải học kinh khác như Hoa nghiêm Lăng nghiêm, hai kinh này dạy ta về tâm và thức cùng các tánh nghe tánh thấy tánh giác cũng như vạn pháp do tâm mà biến hiện. Tu Tịnh Độ lại là tu tâm điều phục tâm an trụ tâm. Niệm Phật chỉ là một phương tiện đi đến định của tâm, Phật A di đà là một niệm có tha lực giúp đỡ ta đi đến Phật và ta nhập thành một. Khi đó ta quán chiếu gì cũng dể đạt tánh giác. Có quán chiếu là có tuệ giác. Vậy ta giác cái gì? Đầu tiên ta quán chiếu về cõi Tịnh Độ, hiện hữu hay không hiện hữu. Có tại đây và lúc này không hay đời sau khi chết mới về cõi Tịnh Độ? Quán chiếu tâm ta và tâm Phật Di Đà là một. Tức tâm tức Phật là vậy. Tịnh Độ tông là Tín Nguyện Hạnh. Tín là tin tưởng cảnh giới tây phương và tin vững vàng. Nguyện lực là chúng sinh có nguyện về Phật A di Đà rước về cõi tịnh độ. Hạnh trì là tu tập thực hiện hành động của chúng sanh theo Phật A Di Đà. Niệm Phật tăng pháp giới là niệm về cảnh giới Tịnh Độ. Nam mô A di Đà Phật. Pháp môn Tịnh độ lấy Tín, Nguyện, Hạnh làm tông như cái đảnh có ba chân, thiếu một tất không đứng vững.
* Tín là căn bản của người tu. Nếu còn nghi thì hoa không nở.
Thứ nhứt: Phải tin chắc chắn rằng, vì lòng từ bi, Đức Phât Thích Ca dạy cho chúng ta những lời trong kinh đều chân thật. Lo cho mình không tu niệm, lo chi Phật Di Đà, Thích Ca nói gạt. Rất đỗi phàm tục những người ngay thẳng còn không nói dối đặt chuyện gạt ai, huống chi luật Phật cấm vọng ngữ, lẽ nào ngài gạt đời làm chi.
Thứ hai: Phải tin chắn chắn rằng: Ngoài thế giới chúng ta vẫn sống đây, chắc chắn có thế giới Cực lạc, có nhiều điều vui do Đức Phật A Di Đà làm giáo chủ.
Thứ ba: Phải tin chắc chắn rằng; ta là phàm phu nhiều nghiệp chướng, không thể chỉ nương cậy vào sức mình để thoát sanh tử ngay trong một kiếp này, phải nhờ Phật giúp.
Thứ tư: phải tin chắc chắn rằng: Đức Phật A Di Đà có lời thệ nguyện rộng lớn, nếu chúng sanh nào niệm danh hiệu Ngài, cầu nguyện về nước Ngài, khi chết chắc chắn sẽ được Ngài tiếp dẫn vãng sanh Cực lạc.

Niệm Phật quí tại tâm, nhưng cũng không nên bỏ sự đọc tụng ra tiếng và lạy trước bàn Phật vì thân, miệng, ý giúp đỡ lẫn nhau.

* Nguyện nghĩa là thệ nguyện. Tu tịnh độ mà không dám nhứt tâm thệ nguyện cầu vãng sanh Tây phương Cực lạc thì khó mà thành công. Nếu thệ nguyện một lòng một dạ không dời đổi chí nguyện vãng sanh của mình mới bền vững. Lòng thệ nguyện phải cho bền chặt. Dù ai nói pháp nào hay, dù ai nói sẽ cho mình thành đạo tại thế, hoặc chứng Niết Bàn hiện tiền, mình cũng không tin, không bỏ chí nguyện vãng sanh của mình. Người có thệ nguyện là người có lập trường vững chắc, là người kiên tâm Bồ Đề, là người dám thệ rằng dù nghèo giàu sang hèn, bệnh hoạn, tật nguyền chi chi cũng không thay đổi chí hướng theo Phật Di Đà về nước Cực lạc.Sức thệ nguyện càng lớn càng thâm thì đạo tâm mới kiên cố. Nguyện lìa cõi trần này sanh về Cực lạc như tù nhân mong ra khỏi ngục, như người đi xa nhớ quê hương. Nếu chưa được vãng sanh Tịnh độ, dù cho kiếp sau làm vua ở cõi trời cũng không thích vì còn phải luân hồi, chỉ muốn lâm chung được Phật rước về Tây Phương mà thôi. được như thế thì nguyện của ta mới cảm đến Phật và thệ nguyện của Phật mới có thể nhiếp thọ ta. Đức A Di Đà tuy thệ nguyện độ sanh nhưng nếu chúng sanh không cần ngài tiếp dẫn, ngài cũng không biết làm sao. Muốn sanh Tây phương phải tin sâu, nguyện thiết. Thiếu hai điều này, dù có niệm Phật đến đâu cũng không thể cảm ứng với Phật; chỉ được phước báu ở cõi người hoặc cõi ngườI và gieo nhân giải thoát về sau mà thôi. Nếu tín nguyện đãy đủ thì muôn ngườI vãng sanh không sót một. Bình sanh không tín nguyện, lúc lâm chung khó được nhờ sức Phật tiếp dẫn. Lúc lâm chung nghiệp lành dữ đều hiện, nếu không tín nguyện, nghiệp lực lôi cuốn mất sự tự chủ. Nếu chỉ nương cậy sức mình, dù nghiệp còn mảy tơ cũng không thoát khỏi sanh tử. niệm Phật đến nhứt tâm mà không tín nguyện, trong vô số người may mới có một vài người được vãng sanh. Dùng lòng tín nguyện chơn thiết thì không luận nghiệp nặng hay nhẹ, đều được nhờ từ lực vãng sanh. Ví dụ một hột cát nhỏ để vào nước liền chìm, trái lại tảng đá dù nặng ngàn cân được chở trên thuyền to cũng có thể đem đi nơi khác. Kinh Hoa Nghiêm nói: Người ấy khi gần lâm chung, trong sát na tối hậu, tất cả các căn đều bại hoại, tất cả các thân thuộc đều xa vời, tất cả các uy thế đều tan rã, chỉ còn nguyện nương là hằng còn theo dõi hướng dẫn trước mắt, trong một khoảnh khắc liền được vãng sanh thế giới Cực lạc. Xem đó đủ biết sự phát nguyện vãng sanh Cực lạc là một điều tối cần thiết cho người tu pháp môn Tịnh độ. Người tu phép này, hàng ngày hôm sớm phát nguyện vãng sanh về Cực lạc, không quên mỗi tháng có một giờ trong một ngày, đọc bài phát nguyện trước đây lạy đúng hướng có Phật Di Đà cùng chư Phật mười phương chứng minh.
* Hạnh là ta phải chí thành khẩn thiết niệm câu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT mỗi thời khắc đừng để tạm quên. Ngoài thời khóa tụng, bất cứ lúc nào đi đứng nằm ngồi đều niệm thầm, nhất là nằm chưa ngủ, niệm thầm hoài cho tới ngủ quên. Thức giấc cũng niệm chuyền như vậy, lâu ngày thời thấy sự linh nghiệm của Phật Di Đà. Bất cần ngày chay hay ngày mặn, ở trần, nằm nghiêng, nên niệm thầm, tiêu rồi bước ra cũng niệm luôn. Muốn sắm chuỗi lần cũng tốt, niệm không cũng tốt. Bậc hạ phải có chuỗi lần mà buộc lòng, lâu ngày quen niệm tự nhiên như kinh không chữ, miệng niệm tai ghi nhớ rõ ràng lần lần vọng niệm tiêu dứt. Nếu làn sóng vọng tưởng nổi trào quá mạnh, nên dùng phép thập niệm ký số như sau: Niệm Phật phải ghi nhớ rõ ràng từ một đến mười câu không dư không thiếu, rồi trở lại một, cứ thế mãi trong vòng mười câu thôi không được hai chục hoặc hơn. Cách này không nên dùng chuỗi, dùng tâm ghi nhớ. Nếu niệm một hơi từ một đến mười thấy khó thì phân làm hai (từ 1 đến 5 rồi từ 6 đến 10) hoặc làm ba ( từ một đến ba, từ bốn đến sáu rồi từ bảy đến mười). Lựa cách nào hợp với mình, không nên thay đổi. (Phép này của ông Ấn Quang Pháp Sư dạy, và áp dụng có kết quả.)

Lấy Tín Nguyện Hạnh làm cơ bản và niệm Phật đến độ Nhất tâm bất loạn Phật và ta là một.


Niệm Phật quí tại tâm, nhưng cũng không nên bỏ sự đọc tụng ra tiếng và lạy trước bàn Phật vì thân, miệng, ý giúp đỡ lẫn nhau. Dù tâm có ghi nhớ, song nếu thân không lễ kính, miệng chẳng trì tụng thì cũng khó được lợi ích. Người đời khi khiêng đồ vật nặng còn phải nhờ tiếng giúp sức. Với hạng phàm phu, tâm hay bị xao lãng, nếu không nhờ sức thân lễ, miệng tụng, khó được nhứt tâm. Kinh Đại Tập nói: Niệm lớn thấy Phật lớn, niệm nhỏ thấy Phật nhỏ. Phật Di Đà dạy niệm cho khỏi vọng ra ý ác, tu luyện tâm thanh tịnh, lâu ngày phát ra ý thiện, theo công quá cách thời công hạnh mới nhiều. Chớ lầm Phật Di Đà cần cầu mị mà buộc tôn sùng Ngài đâu. Phật rước những người không tà niệm ý ác mà thôi. Thờ tượng Phật Di Đà trong lòng tin tưởng như thật chơn dung đó, đừng tưởng hình giả, tuy hình vẽ mà lòng mình tưởng như có ngài hiện xuống nhập vô đó, thời thiên nhãn Ngài chiếu xuống cũng thấy. Như thiệt lòng thành và cung kính thời cảm động (như động mối dây thép này, thời đầu kia động) vì tâm mình thường niệm đã hiệp với tâm Phật rồi. Nếu thuộc chú vãng sanh, gặp ai sát sanh, thời niệm Di Đà mười câu với mười câu dài (NAM MÔ TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC.. .PHẬT) rồi niệm ba biến vãng sanh mà cứu độ nó. Gặp con chi mới chết, đương chết cũng niệm vậy. Nói chi tới lúc đưa đạo hữu lâm chung, thời niệm hoài cho đến chung cuộc.
Trong khi niệm Phật, bất cứ làm công đức gì nhỏ hay lớn, như bố thí một đồng hay cứu mạng một con kiến, hoặc xỏ dùm một lổ kim. Sau khi làm xong, tưởng tượng Phật Di Đà trước mặt đọc thầm "Tôi làm công đức này nguyện sanh về thế giới Cực lạc của ngài".
Kết Luận
Tịnh Độ là pháp môn tu hành đông đảo người theo nhất,  tha độ làm chính giúp hành giả tu vãng sanh về cõi Tịnh Độ. Niệm Phật là nhớ về Phật A Di Đà nơi tây phương người có 48 lời đại nguyện. Trong đó người có nguyện ai niệm danh hiệu ngài thì sẽ được rước về cõi tây phương của ngài để nghe lời Phật giảng. Lấy Tín Nguyện Hạnh làm cơ bản và niệm Phật đến độ Nhất tâm bất loạn Phật và ta là một. Sau khi đạt được định do tâm chỉ còn một niệm, thì quán chiếu theo Hoa nghiêm kinh và Lăng nghiêm kinh. Pháp môn Tịnh Độ chú ý nhất là thực hành, mỗi ngày lạy Phật và tụng niệm 108 lần một thời ngày 3 thời. Thực hành nhiều nhất là thể hiện lòng từ bi làm Bồ tát giới. Lấy tu phước rồi tu công đức tức là làm phước ba la mật không còn phân biệt chủ thể và đối tượng. Người tu Tịnh độ rất áp dụng quy tắc Phật pháp tăng và giới luật rất nghiêm túc. Chú trọng hình tướng tôn thờ và lấy cầu nguyện lấy tha độ làm cốt lõi. Ngược lại với thiền tông lấy tâm làm chủ yếu và tự độ làm cốt lõi. Thiền tông và Tịnh độ trái ngược nhau nhưng vẫn có phép tu Thiền Tịnh song tu hòa hợp hai cách thức tu tập này. Thiền lấy tuệ giác làm chủ yếu và Tịnh lấy từ bi tha độ làm chủ yếu. Vừa tự độ vừa tha độ làm cho phép tu hoàn hảo, vừa từ bi vừa tuệ giác là đôi cánh chim đại bàng đạo Phật cất bay xa.Ngày nay Tịnh Độ tu tập đã phát triển cõi thế gian Tịnh độ. Bên cạnh đó vừa tự độ vừa tha độ không còn đơn thuần tha độ cầu vãng sanh cõi tịnh độ Phật A Di Đà rước. Mỗi bước chân thiền hành bắt đầu từ chân trái: nam, chân phải: mô, chân trái: A, chân phải: di, chân trái: đà, chân phải: Phật.Vừa đi vừa gõ tiếng khánh hay mỏ. Chỉ gõ khi chân phải bước mà thôi. Nam Mô A Di Đà Phật!


Cư sĩ Phổ Tấn


Người viết : admin