H. Cái Bè: Lịch Sử Chùa Phước Ân

Thứ ba, 17/04/2018, 13:36 GMT+7
H. Cái Bè: Lịch Sử Chùa Phước Ân

H. Cái Bè: Lịch Sử Chùa Phước Ân

CHÙA PHƯỚC ÂN
Ấp An Lợi, Xã Đông Hòa Hiệp, Huyện Cái Bè

Nằm khép mình hiền hòa bên dòng kênh nhỏ, thuộc một trong những chi nhánh của sông Tiền – Dòng sông góp phần tạo nên vùng sông nước Cữu Long cuộn sóng đã đi vào lịch sử, thơ ca của dân tộc. Chùa Phước Ân tọa lạc tại ấp An Lợi, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Chùa được hình thành cách nay gần 200 năm, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa vẫn tồn tại và phát triển với quê hương Cái Bè thân thương.

v2_10

Hình ảnh ngôi chùa trước khi trùng tu năm 2010

Theo tài liệu ghi lại: Cuối thế kỷ 18 (năm 1880), tại vùng sông nước phù sa này, có tín chủ là bà Nguyễn Thị Quạ, cũng là người địa phương đã phát tâm hiến đất cất chùa. Mục đích của Bà lập chùa trước là để cho những người trong gia đình tu tập và có nơi thờ tự trang nghiêm sau khi quá vãng. Thứ nữa Bà cũng muốn có nơi để người dân quanh vùng sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng lễ bái.

v3_12

Ban Thờ Bà Nguyễn Thị Quạ

Ban đầu khi thành lập, Chùa được xây dựng toàn bộ bằng vách ván, cột cây theo kiến trúc nhà lớn vùng Nam bộ. Phần Chánh Điện mái lợp ngói, Nhà Tổ và Nhà Bếp chỉ lợp lá đơn sơ. Sau khi xây dựng xong, Bà Quạ đến thỉnh Hòa thượng Thích Viên Huệ về trụ trì phụng sự Tam Bảo và hướng dẫn Phật tử quanh vùng tu tập. Từ đó Chùa được lấy hiệu là Phước Ân Tự. 

Hòa thượng Viên Huệ trụ trì chùa Phước Ân cho đến  ngày 27 tháng 6 năm Kỷ Sữu (1889) thì viên tịch.Kế thừa Hòa thượng Thích Viên Huệ trụ trì chùa Phước Ân là Hòa thượng Thích Phước Hỏa. Trong thời gian này, Hòa thượng Phước Hỏa cho trùng tu Chùa lần thứ nhất, lần này, phần vách chánh điện được xây lại bằng gạch đúc, mái chùa vẫn được lợp lại bằng ngói. Ngày 14 tháng 11 năm Đinh Mùi Hòa thượng Thích Phước Hỏa viên tịch. 

v4_11

Ban Thờ Hòa thượng Thích Hoằng Nhơn

Kế tiếp đời thứ ba trụ trì chùa Phước Ân là Hòa thượng Thích Hoằng Nhơn (mà nhân dân thường gọi là ông Tám). Giai đoạn này, ngôi Chánh điện được trùng tu lần thứ hai; Vách chùa được tô lại, cột đúc, mái ngói. Ngày 18 tháng 5 năm Mậu Thìn (1988) Hòa Thượng Thích Hoằng Nhơn viên tịch.
Đại đức Thích Bổn Đức tiếp tục kế vị trụ trì chùa Phước Ân và cho lót lại nền ngôi Chánh điện bằng gạch bông. Phần nhà bếp được lợp lại bằng tole; Tuy vậy, cảnh quan quanh chùa lúc này vẫn còn mang nhiều nét hoang sơ chưa được tu bổ.
Nhân duyên hội đủ, ngày 19 tháng 9 năm Ất Dậu (2005) Đại đức Thích Thiện Lưu được Ban Đại diện Phật Giáo huyện Cái Bè (Nay là BTS GHPGVN huyện Cái Bè) đề xuất qua các cơ quan ban ngành hữu quan, Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang ra quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Phước Ân cho đến ngày nay.

v1_11

Tháng 12 âm lịch năm 2010, nhận thấy ngôi chùa đã xuống cấp và không đủ không gian cho Phật tử về tu tập, Thượng tọa Thích Thiện Lưu đã cho khởi công trùng tu lại toàn bộ công trình chùa Phước Ân lần thứ 3 gồm các hạng mục như: ngôi Chánh điện, nhà Hậu Tổ, Cổng Tam quan, Đài Quán Âm, Tăng xá, Khách đường, Nhà bếp, .... Đến cuối tháng 11 âl năm 2013 thì hoàn thành.  

v6_10

Khóa tu Bát Quan Trai ngày mùng 1 hằng tháng

Ngày nay Phật tử tới lui chùa lễ bái, tu tập và học hỏi giáo lý rất đông. Ngày mùng 1 và 16 hằng tháng Chùa có mở khóa tu Bát Quan Trai cho Phật tử, mỗi Khóa tu có khoảng 150 Phật tử tham dự.
Chùa Phước Ân đã được UBND huyện Cái Bè ký công nhận Cơ Sở Thờ Tự Văn Hóa vào ngày 12 tháng 11 năm 2009..
Ngày 17-18 tháng 5 hằng năm, Thượng tọa Thích Thiện Lưu và Phật tử đạo tràng chùa Phước Ân đều trang nghiêm tổ chức lễ Húy kỵ cố Hòa thượng Thích Hoằng Nhơn và chư Hòa Thượng Tiền bối đã dày công kiến tạo và giữ gìn ngôi Phạm vũ này. 

Ban biên tập Lịch Sử Tự Viện tỉnh Tiền Giang xin được giới thiệu ngôi chùa đến với chư Tăng Ni, Phật tử và đồng bào gần xa....

v5_11

Ban Thờ Lịch Đại Tổ Sưv7_9

Thượng tọa Trụ Trì trao đổi với Ban Biên Tập

Ghi Chú:

+ Chùa Phước Ân
+ Địa chỉ: 286, Tổ 10, Ấp An Lợi, Xã Đông Hòa Hiệp, Huyện Cái Bè
+ Điện Thoại: 0733924754.  DĐ: 0938020308
+ Hệ Phái: Bắc Tông
+ Trụ Trì Hiện Nay: TT. Thích Thiện Lưu.


Người viết : Ban TTTT Phật Giáo Tỉnh Tiền Giang