H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Nam An

Thứ tư, 13/05/2020, 15:56 GMT+7
H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Nam An

H.Châu Thành: Lịch Sử Chùa Nam An

LỊCH SỬ CHÙA NAM AN
Ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang

v_10

Vĩnh Kim là vùng đất màu mỡ và trù phú của huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu ôn hòa nên nơi đây cây lành trái ngọt quanh năm. Nhắc đến Vĩnh Kim là nhắc đến đặc sản trái cây “vú sữa lò rèn” vang danh khắp trong và ngoài nước; ngoài ra còn nhiều loại trái cây ngon khác mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương như: cam sành, xoài cát, hồng xiêm (sa pô chê)…. Người dân Vĩnh Kim vốn chịu thương chịu khó, hiền hòa và hiếu khách. Thế nhưng ít người biết rằng vào những năm 1940 nơi đây là vùng đất hoang sơ, vì gần với đồn bót của thực dân Pháp nên phần nhiều người dân đều đi sơ tán, vườn tược cũng bị bỏ hoang, ít người lui tới.
Năm 1945, gia đình ông Lê Văn Tài vì muốn có nơi thờ cúng tổ tiên nên mới cất một ngôi Chùa trên mãnh đất nhà hơn 8.000m2 bằng chất liệu cây lá và thỉnh Hòa thượng Thích Huệ Từ (1892 – 1985) về trụ trì sớm hôm kinh kệ cùng hướng dẫn bá tánh nơi đây tu tập. Bấy giờ Hòa thượng lấy hiệu Chùa là “Nam An” với ý nguyện: “Nước Nam sớm thanh bình; muôn dân được An cư lạc nghiệp”. Thế là từ đó ngôi Chùa nhỏ ngày đêm 
“Trầm đốt hương bay thơm ngào ngạt,
Thôn trên xóm dưới dạ nao nao;
Dân làng tắm gội lên Chùa lễ
Mười bốn, ba mươi mỗi tối nào.”

v1_23

Đến năm 1970, được sự trợ duyên của quý Phật tử, Hòa thượng Thích Huệ Từ đã cho trùng tu lại ngôi thảo am bằng chất liệu kiên cố hơn, cột làm bằng gỗ quý, mái lợp ngói âm dương, vách tường, nền lát gạch tàu, phía trước chùa xây mặt dựng và đắp dòng chữ “Nam An Tự”.
Năm 1985, sau khi hóa duyên ký tất Hòa thượng Thích Huệ Từ viên tịch, chùa Nam An không người kế tự nên dần trở nên cô tịch, hoang vu. 
Mãi đến năm 1989 được sự cho phép của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang và sự đồng thuận của Chính quyền các cấp, Ni sư Thích Nữ Như Nguyên thế danh Lê Thị Bảy, sinh năm 1958 đã về Trụ trì chùa Nam An cho đến ngày nay.

v2_22

Tiếp nhận ngôi chùa trong trình trạng đã bị xuống cấp, mái ngói dột nát, tường trốc, rêu phong; Ni sư Thích Nữ Như Nguyên đã từng bước trùng tu, sửa chữa lại để Ni chúng và Phật tử có nơi sinh hoạt, tụng niệm kinh kệ. 
Năm 2001, Ni sư Trụ trì đã cho trùng tu Chánh điện lần thứ nhất bằng chất liệu bê tông cốt thép theo kiến trúc thượng lầu hạ hiên, mái đúc và dán ngói âm dương đỏ, hoa văn góc mái hình sen lá, nền lát gạch men, cửa xếp. Bên trong Chánh điện trang trí các bộ lam hình hoa sen, các hàng cột đều có đắp câu đối ca ngợi Đức Phật và giáo pháp của Ngài.
Ngôi Chánh điện cũ cũng được sửa lại để làm Tổ đường, mái lợp ngói tây, nền lát gạch bông. Phía trước sân chùa hai bên tả hữu là đài thờ Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng. Cổng Tam quan được làm theo kiến trúc Tứ trụ, trên bốn trụ cột trang trí búp sen, phía trên bảng hiệu chùa là hình bánh xe pháp luân.

v5_20

Vì phía trước chùa là con sông lớn lại là bên lở, nên liền sau đó Ni sư Thích Nữ Như Nguyên đã phải gấp rút cho xây dựng bờ kè để chống bị nước tiếp tục xoáy mòn và chùa. Thế nhưng sau gần 9 năm ngôi Chánh điện vừa được trùng tu đã bị lún nức, không đảm bảo an toàn cho sự tu học của Phật tử tại đạo tràng. Được sự phát tâm của hàng Phật tử, ngày 16/7/2009, Ni sư Thích Nữ Như Nguyên đã cho đại trùng tu ngôi Chánh điện chùa Nam An lần thứ hai với kết cấu một tầng trệt và một tầng lầu, chiều ngang 15,5m, chiều dài 33m. Sau bốn năm xây dựng công trình đã được thành tựu, lễ Khánh thành được tổ chức trang nghiêm vào ngày 24/11/2011 trong niềm hoan hỷ của tứ chúng.

v7_22

Ngôi chùa mới với mái đúc dán ngói mũi hài, các đầu đao trang trí hoa văn sen lá, cửa làm bằng gỗ căm xe, nền lác gạch men bóng kiến, các hàng cột được chà đá mài hai đầu có trang trí hoa sen.
Lầu một được dùng làm Chánh điện, thờ Tôn tượng đức Phật Thích Ca và hai bức phù điêu Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền; phía trước đức Bổn Sư là ba pho Tây phương Tam Thánh và bảy tượng Phật Dược Sư. Đối diện ban thờ chính là bức phù điêu Đức Phật thiền định dưới cội Bồ Đề; tả hữu là hai ban thờ Hộ Pháp Vi Đà và Tiêu Diện Đại Sĩ. 

v14_18

Phía sau Chánh điện là Tổ đường, thờ Tôn tượng Tổ sư Đạt Ma, di ảnh chư Hòa thượng trụ trì tiền nhiệm; ban thờ quý Ni trưởng tiền bối, ban thờ gia đình ông Lê Văn Tài (người hiến cúng đất xây chùa) và ban thờ chư vong linh bá tánh.
Tầng trệt là Giảng đường để Phật tử thính pháp trong các khóa tu và là không gian tổ chức các sự kiện lớn của Phật giáo. Bên trong Giảng đường tôn trí ba pho Tây phương Tam Thánh, phía trước là tượng Bồ Tát Thiên Thủ, tất cả đều được làm bằng gỗ quý.

v22_8

Sau khi trùng tu xong Chánh điện, Ni sư Trụ trì tiếp tục tiến hành xây lại tòa nhà trai đường cũng với kết cấu một trệt một lầu. Phần tầng lầu dùng làm Khách đường và Ni xá; phần tầng trệt là Trai đường rất rộng rãi và thoáng mát chiều ngang 21,5m, chiều dài 26m, tiện nghi cho những pháp hội cúng dường Trai tăng gieo trồng công đức.
Với sự phát tâm thù thắng của hàng Phật tử, Ni sư Thích Nữ Như Nguyên cũng lần lượt cho xây dựng Tôn tượng Phật A Di Đà lộ thiên bằng đá non nước phía trước sân chùa, trùng tu lại cổng Tam quan với kiến trúc Tứ trụ như cũ nhưng trang trí hoa văn, họa tiết tinh xảo hơn. Các công trình phụ cận khác cũng được sửa chữa khang trang, bố trí hoa kiểng hài hòa, tạo nên không gian tỉnh lặng, khiến cho Phật tử cảm thấy thật an lạc mỗi khi trở về tu tập, chiêm bái và đảnh lễ Tam Bảo.
Ngoài việc trùng hưng Tam Bảo, Ni sư Trụ trì luôn quan tâm và duy trì Khóa tu Bát Quan Trai cho Phật tử tu học Phật pháp vào ngày mùng 4 và 18 âm lịch hàng tháng; thường xuyên thỉnh chư Tôn đức Giảng sư về thuyết giảng cho hơn 100 Phật tử tham dự khóa tu, hầu giúp Phật tử hiểu đúng Chánh pháp, có được an lạc thật sự nơi cuộc sống đời thường.
Với cương vị là Ủy viên Ban Trị sự, Phó ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang, thời gian qua Ni sư Thích Nữ Như Nguyên thường xuyên vận động quý Phật tử, các nhà hảo tâm tổ chức tặng quà đến các hoàn cảnh khó khăn, tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, xây nhà tình thương, xây cầu nông thôn, phóng sinh góp phần bảo vệ môi trường, … Kinh phí cho các công tác này mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng.
Thật đúng như lời bài hát “Chùa Tôi” của nhạc sĩ Chúc Linh: “Chùa tôi bao mến thương, là nơi tôi lớn khôn, dạy tôi luôn vui chan hòa tình thương, …”.

v3_22v4_25v10_20v8_19v12_18v36_1v15_16v17_10v18_10v23_4v25_3v24_3v28_3v29_3v31_2v32_2v37_1v38_1v9_23v13_17v30_2

Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang

 

 


Người viết : admin