H.Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Phước Long

Thứ ba, 17/11/2020, 07:48 GMT+7
H.Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Phước Long

H.Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Phước Long

LỊCH SỬ CHÙA PHƯỚC LONG

v4_11

Chùa Phước Long hiện tọa lạc tại ấp Hòa Phú, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
Hiện nay vẫn chưa có tự liệu rõ ràng về thời gian cũng như người thành lập chùa. Thế nhưng theo những tư liệu hiện tại chúng ta có thể khẳng định chùa được thành lập từ khoảng thế kỷ 17. Trong tiểu sử của Hòa thượng Ngô Pháp Tạng thì năm 1918 (lúc bấy giờ Hòa Thượng đang trụ trì chùa Phước Trường xã Mỹ Tịnh An) vì thấy ngôi chùa cổ đã bị xuống cấp nên Hòa thượng đã cho trùng tu tái thiết lại chùa Phước Long này.
Cũng theo các sử liệu cho thấy chùa Phước Long đã nhiều lần bị cháy trong hai cuộc binh biến của quê hương. Theo lời các bô lão kể lại: Chùa Phước Long trước kia tọa lạc tại làng Tịnh Giang, ấp Hòa Quới (cách nơi hiện tại khoảng 3km), nhưng sau đó bị giặt Pháp bắn cháy. Nơi này hiện còn lại một mộ đá và đường móng nền chùa.
Vài năm sau đó người dân địa phương đã cho cất lại chùa nhưng không phải trên nền cũ mà dời về bên bờ sông Bảo Định thuộc địa phận ấp Hòa Phú. Nhưng sau đó không bao lâu chùa Phước Long lại bị giặt đốt cháy một lần nữa.
Khoảng năm 1937, Hòa thượng Thích Thiện Cường (người khai sơn chùa Phước Thiện, xã Trung Hòa) cùng với nhân dân địa phương dời chùa Phước Long từ bờ sông Bảo Định (vốn đã đổ nát) về cất lại ở nơi hiện tại. Năm 1940 Hòa thượng Thiện Cường đã một lần nữa cho trùng tu lại chùa Phước Long khang trang hơn.
Sau khi Hòa thượng Thiện Cường mất, có các thầy tiếp nối nhau trụ trì ngôi chùa này như: Thầy Ba Phó ở xã Phú Kiết, Thầy Bảy ở Tân Hương, … 
Ngày 25/07/1986 Thượng tọa Thích Thiện An được bổn đạo mời về trụ trì Chùa cho đến nay.

v8_12


Thượng tọa Thích Thiện An sinh năm 1940, đến năm 16 tuổi theo xuất gia tu học với Hòa thượng Thiên Trường ở chùa Bửu Lâm (TP.Mỹ Tho). Khi đất nước hòa bình, Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang được thành lập; nhận thấy bà con vùng đất Hòa Tịnh giàu lòng mộ đạo, kính tin Phật pháp nhưng phần nhiều các ngôi chùa đã bị hoang phế, chư Tăng Ni tu học rất ít nên Hòa thượng Thích Huệ Thông (lúc bấy giờ là Phó ban kiêm Tăng sự BTS Phật giáo tỉnh Tiền Giang, Trụ trì chùa Bửu Lâm) đã đồng thuận cho Thượng tọa Thích Thiện An về vùng đất này lãnh chùa tiếp Tăng độ chúng và hướng dẫn bá tánh tu tập.
Năm 1989, Thượng tọa Thích Thiện An đã bắt đầu khởi công trùng tru lại ngôi Chánh điện và xây dựng toàn bộ công trình chùa Phước Long với kiến trúc kiên cố bằng chất liệu bê tông cốt sắt.
Ngôi Chánh điện được đúc mái dán ngói, nền lát gạch bông khang trang xinh đẹp. Bên trong ngôi Chánh điện thờ Tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; hai bên tả hữu là Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng. 

v20_6


Phía sau ngôi Chánh điện là Tổ đường, tiếp theo đó là Trai đường, Giảng đường, Tăng xá, nhà bếp,…
Thượng tọa còn cho xây dựng Tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Di Lặc và kiến tạo ngôi nhà Thủy tạ (giống như chùa Một Cột) để an trí Tôn tượng Sơ tổ Trúc Lâm – Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong khuôn viên chùa; trồng nhiều cây xanh lấy bóng mát để cho Phật tử thập phương có dịp trở về lễ Phật, vãng cảnh thiền môn.
Được biết nơi vùng đất này còn ngôi chùa cổ tên Phước Trường, nhưng đã bị mai một và không có người chăm sóc, nên ngày 25/3/1989, Thượng tọa Thích Thiện An cùng vài Phật tử tìm đến chùa Phước Trường (xã Mỹ Tịnh An) và phát tâm cùng với chính quyền địa phương, bà con bổn đạo nơi đây từng bước trùng tu, phục hưng lại ngôi cổ tự này. 
Năm 2017, được sự phát tâm hiến cúng 2.000m2 đất và chấp nhận lời thỉnh cầu của chư Phật tử xã Phú Kiết; Thượng tọa Thích Thiện An tiến hành làm các thủ tục xin phép thành lập chùa Thiên Trường tại ấp Phú Lợi A, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Sau đó Thượng tọa đã giao cho đệ tử là Đại đức Thích Quảng Hiếu trụ trì và chăm lo Phật sự tại chùa Thiên Trường, còn phần mình vẫn ở lại chăm sóc chùa Phước Long, hướng dẫn Phật tử tu tập và an hưởng khi tuổi cao.

v30_7

Ngoài công việc kiến tạo, trùng hưng Tam bảo, tiếp Tăng độ chúng, hướng dẫn Phật tử tu tập; Thượng tọa Thích Thiện An còn thường xuyên tổ chức tặng quà cho người nghèo, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn tại địa phương trong các kỳ lễ lớn của Phật giáo; cất nhà tình thương và hỗ trợ các công tác an sinh xã hội do chính quyền địa phương phát động, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, xã hội văn minh.
Như vậy, trải qua gần 200 năm hình thành và phát triển, ngôi chùa Phước Long giờ đây vẫn hiện hữu hài hòa cùng với xóm làng, làm nơi nương tựa tu học Phật pháp cho Phật tử, từng ngày góp phần làm tốt đạo đẹp đời, tô thêm nét đẹp cho đất nước Việt Nam thân yêu.

Một số hình ảnh tư liệu:

v31_6v1_13v2_13v3_15v5_14v6_13v7_13v9_12v14_10v10_14v11_13v13_12v19_9v22_7v24_7v25_7v26_6v27_6v32_4v28_6

Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang

 


Người viết : admin