Lịch sử hình thành

 

PHẬT GIÁO TỈNH TIỀN GIANG 
HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN SAU 1975

Cuộc kháng chiến chống Mỹ đến độ 1970 thì thế lực quân địch ngày càng suy yếu, Phật giáo Tiền Giang vẫn sinh hoạt dưới sự lãnh đạo của Giáo hội Lục Hòa. Đến 30/04/1975 thì Đất nước ta đã hòan toàn giải phóng Miền Nam thống nhất Đất Nước. 

    Sau sự kiện trọng đại này của cả dân tộc, các hội đoàn và các tổ chức trong nước đã lần lượt họp bàn để củng cố, ổn định mọi mặt cùng Chính quyền phát triển đất nước. Hòa chung xu thế củng cố và phát triển đất nước, Phật giáo cũng đã tiến hành vận động thống nhất các tổ chức Phật giáo còn riêng lẻ trên mọi miền. Sự biến cố, thăng trầm của lịch sử dân tộc qua các cuộc kháng chiến Chống Pháp, Nhật, Mỹ .v.v. đã đưa Phật giáo chia thành từng mãnh nhỏ. Sau khi đất nước được độc lập, chính là lúc phù hợp nhất để Phật giáo thống nhất lại với nhau về cùng một hướng. Hơn một năm được Nhà nước cho thành lập Ban vận động Thống nhất Phật giáo, chín phái đoàn thuộc các Giáo hội đã cùng nhau ngồi lại hội nghị.
Tháng 11 năm 1981 qua 5 ngày làm việc tại Thủ đô Hà Nội Giáo hội đã tổ chức Đại hội Phật giáo đầu tiên thành công do Hòa thượng Thích Trí Thủ đứng đầu, kết quả cho ra đời Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam có đầy đủ Hiến chương, Nội quy hoạt động, được Nhà nước công nhận. Điều đáng mừng nhất đây chính là niềm tự hào Phật giáo là một tôn giáo chung của dân tộc Việt Nam. “Trong gần hai ngàn năm hiện diện trên đất nước Việt Nam, hòa mình cùng dân tộc, đạo Phật đã trở thành một tôn giáo của dân tộc. Với truyền thống yêu nước, suốt chiều dài dựng nước và giữ nước từ ngàn xưa cho đến ngày nay, Phật giáo Việt Nam bao giờ cũng là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nguyện vọng thống nhất Phật giáo Việt Nam đã thực hiện từ lâu nhưng chưa được trọn vẹn” . 
Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập với ý nghĩa và tinh thần đoàn kết, thống nhất xây dựng một ngôi nhà chung của dân tộc mà Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nêu: “Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức. Đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống Hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp” . Đối với Phật giáo thì đây chính là thời điểm quan trọng nhất cần phải có cái nhìn thấu đáo và khoa học để xây dựng một tôn giáo chung của dân tộc Việt Nam đúng như nguyện vọng và tâm huyết. 
    Khi muốn thực hiện được hoài bảo đó thì yếu tố tổ chức và con người mang tính quyết định. Do đó mà Trung ương Giáo hội đã khẩn trương chỉ đạo các tỉnh thành trong cả nước nhất là các nơi quy tụ nhiều Tăng Ni và Tự Viện tiến hành thành lập và ra mắt đại diện Phật giáo cấp tỉnh, thành. Mục đích vừa lãnh đạo tinh thần vừa điều hành và hướng dẫn Tăng Ni tín đồ Phật tử địa phương tu tập, thực hiện đúng theo chủ trương, đường lối của Giáo hội, pháp luật Nhà nước.
    Trong Đại hội Phật giáo toàn quốc thành công, tại Tiền Giang cũng đã có 4 vị Hòa thượng tham gia vào thành viên Hội đồng chứng minh Trung ương và Hội đồng trị sự Trung ương: Hòa thượng Thích Pháp Tràng, Hòa thượng Thích Đạt Hương, Hòa thượng Thích Hoằng Thông, Hòa thượng Thích Nguyên Thạnh. Sau đại hội, Trung ương đã phân công cho bốn vị Hòa thượng về Tiền Giang lo công việc vận động để thành lập Ban trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang và tuyên truyền kết quả của Đại hội Phật giáo toàn quốc. 
    Tuy nhiên, truyền thống xưa nay Phật giáo Tiền Giang đang hoạt động dưới hình thức Giáo hội Lục Hòa, cho nên một số ý kiến và quan điểm chưa được thống nhất nên không thể tiến hành Đại hội tỉnh sau đó được. Đến năm 1984, Hòa thượng Pháp Tràng viên tịch, Mặt Trận Tỉnh Tiền Giang đã mời Hòa thượng Thích Huệ Thông về bổ xung vào Ban vận động Thống nhất Phật giáo Tỉnh Tiền Giang, được Trung ương Giáo hội chấp nhận. Ngày 24/04/1984 Hòa thượng về Trụ trì Chùa Bửu Lâm Thành phố Mỹ Tho và bắt đầu cuộc vận động thống nhất Phật giáo Tỉnh Tiền Giang. 
    Nội dung triển khai thống nhất Phật giáo tỉnh trong phạm vi và mục đích:
1.    Tổ chức các cuộc hiệp thương với các hệ phái Phật giáo trong tỉnh nhất trí và đề cử nhân sự vào thành lập Ban Trị Sự
2.    Lập danh sách cơ cấu nhân sự thành phần Ban Trị Sự đầy đủ các hệ phái
3.    Soạn thảo các văn kiện đại hội
4.    Dự trù kinh phí và thành lập ban vận động đại hội
5.    Chọn địa điểm và tiến hành xin phép chính thức tổ chức đại hội.
Chính vì sự chậm trễ và một số quan điểm bất đồng mãi cho đến 1985 mới chính thức tiến hành Đại hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang được. 
    Ngày mùng 08 – 09/01/1985 tại Tổ đình Vĩnh Tràng, Đại hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang chính thức được khai mạc. Thành phần tham dự được Trung ương Giáo hội về tham dự và lãnh đạo các cấp, các ngành Tỉnh và Thành phố Mỹ Tho về tham dự đại hội. Đại biểu Tăng Ni và Phật tử trong tỉnh về dự khoản 150 đại biểu, Đại hội đã thông qua Hiến chương, Nội quy sinh hoạt của Trung ương Giáo hội và đã thành công suy cử Ban chứng minh, Thành viên Ban trị sự và Thường trực Ban trị sự nhiệm kỳ đầu tiên để điều hành và hoạt động Phật sự. 
    Từ sau khi chính thức được thành lập, Ban trị sự Phật giáo Tiền Giang đã tổ chức thành công các cuộc Đại hội nhằm mục đích củng cố nhân sự để phát triển Phật giáo tỉnh nhà. Tiền Giang đã trãi qua các kỳ Đại hội như sau:
Đại hội lần thứ nhất:     1985 – 1987    
HT. Thích Bửu Thông làm trưởng ban trị sự
Đại hội lần thứ hai:        1988 – 1991     
HT. Thích Bửu Thông làm trưởng ban trị sự
Đại hội lần thứ ba:        1991 – 1993     
HT. Thích Nguyên Thạnh làm T. Ban trị sự
Đại hội lần thứ tư:        1994 – 1997     
HT. Thích Huệ Thông làm trưởng ban trị sự
Đại hội lần thứ năm:    1998 – 2002    
HT. Thích Huệ Thông làm trưởng ban trị sự
Đại hội lần thứ sáu:        2002 – 2007    
HT. Thích Huệ Minh làm trưởng ban trị sự
Đại hội lần thứ bảy:    2007 – 2012     
HT. Thích Huệ Minh làm trưởng ban trị sự

Đại hội lần thứ tám:    2012 – 2017     

HT. Thích Huệ Minh làm trưởng ban trị sự.
Sau các kỳ Đại hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang, dưới sự lãnh đạo của chư tôn giáo phẩm đứng đầu là các bậc tôn túc, đầy đủ đạo hạnh có đức phục chúng và tâm huyết phát triển chung ngôi nhà Giáo hội, cho nên Phật giáo Tiền Giang trải qua nhiều nhiệm kỳ và đã thành tựu những Phật sự vô cùng to lớn, phù họp với chủ trương của Giáo hội và pháp luật Nhà nước nhất là đi kịp xu thế phát triển đất nước.