Tiền Giang: Hòa Thượng Thích Giác Toàn Chia Sẻ Tại Khóa Bồi Dưỡng Trụ Trì 2018

Thứ bảy, 28/07/2018, 17:57 GMT+7
Tiền Giang: Hòa Thượng Thích Giác Toàn Chia Sẻ Tại Khóa Bồi Dưỡng Trụ Trì 2018

Tiền Giang: Hòa Thượng Thích Giác Toàn Chia Sẻ Tại Khóa Bồi Dưỡng Trụ Trì 2018

Sáng nay, ngày 28/7/2018 (Nhằm ngày 16/6/ Mậu Tuất), tại Giảng đường Huệ Đăng, chùa Vĩnh Tràng, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Hòa thượng Thích Giác Toàn – Phó chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam có buổi chia sẽ với hơn 500 chư Tăng ni tham dự Khóa bồi dưỡng Trụ trì năm 2018.

v10_18


Chủ đề Hòa Thượng chia sẻ tại Khóa bồi dưỡng lần này là nói về: Nền tảng căn bản góp phần phát triển giáo pháp – Hay “ Trụ Pháp Vương Gia, Trì Như Lai Tạng”
Trước tiên Tôi xin chúc sức khỏe đến toàn thể chư Tăng ni tại chúng hội. Chư tôn đức BTS GHPGVN tại tỉnh nhà mở lớp học này là rất kịp thời, vì trong khóa này chúng ta được nghe những vấn đề mới như: Hiến chương mới tu chỉnh, dự thảo Nội quy Tăng sự mới sửa đổi, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo mới ban hành và có hiệu lực đầu năm 2018. Đây là điều rất đáng chúc mừng. Hôm nay Tôi không nói lại những vấn đề này, chỉ tập trung vào mấy vấn đề sau:
I. Những Lời Di Huấn Tối Hậu Của Đức Phật
1. Kinh Đại bát Niết bàn, phẩm Di giáo, Đức Phật dạy:
“Này An Nan! Đức Như Lai là đấng chơn ngữ, nói lời thành thật, đây là lời phó chúc tối hậu, các ông phải y theo tu hành”.
“Này A Nan! Ông hỏi sau khi Phật diệt độ lấy gì làm thầy? Nên biết, Giới Ba-la-đề-mộc-xoa là Đại sư của các ông. Nương theo đó tu hành, thời có thể được định huệ xuất thế”.
“ Này A Nan! Ông hỏi sau khi Phật nhập Niết bàn nương gì để trụ? Phải nương vào pháp Tứ niệm xứ mà trụ…” Tứ niệm xứ gồm: Thân niệm xứ, Thọ niệm xứ, Tâm niệm xứ, Pháp niệm xứ.
2. Kinh Trường bộ, kinh Đại bát Niết bàn, đức Phật dạy:
- Có những pháp cho Ngài chứng ngộ và giảng dạy cho hàng Tỳ kheo để mang lại hạnh phúc, an lạc, lợi ích cho loài trời và loài người. Các pháp đó là: 37 phẩm trợ đạo; Đây là pháp giáo lý căn bản mà chúng ta phải thông suốt ngay từ lúc ban đầu học Phật và thực hành xuyên suốt đến mai sau.
- Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, đây là lời ta nhắn nhủ các Ngươi, các hành là vô thường. Hãy tinh tấn lên để giải thoát, không lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ.”
Đây là điểm đức Phật dạy chúng ta phải tự tỉnh giác, mạng người là vô thường, chư hành là vô thường. Ngài khuyên đại chúng: Tự mình làm sở y cho chính mình,  hãy tinh tấn, chánh niệm, giữ giới luật, nhiếp phục ý chí, bảo hộ tự tâm. Ai tinh tấn trong Pháp và Luật thì sẽ diệt được sanh tử, chấm dứt khổ đau.
3. Kinh Trường An Hàm, Kinh Du Hành ghi nhận lại sự kiện trước giờ Đức Phật nhập Niết bàn như sau:
 Hàng đệ tử Phật, sau khi Ngài diệt độ có bốn nơi để tưởng nhớ làm tăng thêm long kính tin ngưỡng mộ, từ đó phát sanh phước báu. Bốn nơi đó là:
1. Tưởng nhớ nơi có Phật sanh.
2. Tưởng nhớ nơi Phật thành đạo.
3. Tưởng nhớ nơi Phật chuyển Pháp luân đầu tiên.
4. Tưởng nhớ nơi Phật vào Niết Bàn.
“Này A Nan! Ngươi cho rằng sau khi Phật diệt độ, các ngươi không chỗ nương tựa, không ai che chở, chớ nghĩ như thế, nên biết những Kinh, Luật mà ta đã dạy, từ khi thành đạo đến nay là chỗ nương tựa, che chở cho các ngươi đó” (…)
“Này A Nan! Từ nay trở đi cho phép các Tỳ kheo tùy nghi bỏ các giới nhỏ nhặt, hãy lễ độ, trên dưới hòa thuận với nhau, đó là pháp kính thuận của người xuất gia”.
Phật pháp hiện nay có hưng thạnh hay không là do chư Tăng ni có thực hành giới luật hay không mà thôi. Thầy trụ trì có đủ Giới Định Tuệ, biết rõ các pháp vô thường thì sẽ cảm thấy an lạc tại cuộc đời này.
Vô lượng điều lành có được đều là nhờ không buông lung, tinh tấn không phóng dật. Sứ mạng thiêng liêng của hàng Tu sĩ là đem cái diệu, cái thiện, cái đẹp của đạo Phật vào đời. Đó là Đức để độ sanh trong thế kỷ 21.
II. Tiếp Thọ Kế Thừa, Phát Huy Tinh Thần Tinh Hoa Chánh Pháp Của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
1. Tiếp thọ công hạnh thị hiện hoằng hóa độ sanh của đức Phật.
Trong kinh Tăng Chi, chương 8, phẩm Một Người, bài kinh Như Lai, đức Phật dạy: “Một người, này các Tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện mang lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh đẳng giác”
Ngày nay, sự xuất hiện của vị Tỳ kheo tại các tự viện cũng phải theo tôn chỉ như trên. Nghĩa là phải mang lại lợi ích an lạc cho số đông.
a) Công hạnh giác ngộ cuộc sống phù du và dõng mãnh xuất gia giải thoát.
Kinh Trung Bộ, Đại kinh Saccaka, số 36 nêu lên đời sống phạm hạnh, thanh tịnh của bậc xuất gia vô cùng nhẹ nhàng, đẹp và thanh thoát.
Hoàng cung bỏ lại sau lưng
Vầng trăng mộng ảo mông lung đêm dài.
Quyết đi thoát khổ trần ai,
Quyết đi dựng lại tương laic ho đời.
Quyết đi tìm lại niềm vui,
Niềm vui giải thoát độ người thiện duyên.
b) Công hạnh dấn thân tu tập khổ hạnh, vượt mọi thử thách từ ngoại cảnh đến nội tâm.
Chư Tăng ni nên nhớ, trong kinh Pháp cú, phẩm Tự ngã, câu 163, đức Phật dạy: “Dễ làm các điều ác
Dễ làm tự hại mình
Còn việc lành, việc tốt
Thật tối thượng, khó làm”
Chúng ta phải thận trọng, vị trụ trì phải có gắng thắng được mọi sự sái quấy, đừng để tâm xấu ác của mình xúi dục.
c) Công hạnh an trú từng bước để thành tựu đạo quả:
Vị Tỳ kheo phải gương mẫu, thấy rõ để thắng các khổ thế gian, chuyên cần với giáo pháp Phật để tạo thành sức mạnh nội tại, làm mô phạm cho những người cộng trụ tu tập.
d) Công hạnh tiếp độ bá tánh nhân sinh, gồm cả hai giới tại gia và xuất gia:
Đức Phật là người dấn thân hóa độ, Ngài có đủ cả những người xuất gia và tại gia nương theo tu học. Chúng ta là đệ tử của Ngài, công việc này cũng phải cố gắng thực hiện.
e) Công hạnh thị nhập Niết bàn:
Sự sanh già bệnh chết là mang tính tất yếu, chúng ta phải biết tu hạnh buôn bỏ, không níu kéo, không chấp trước khi nó không còn đủ duyên tồn tại. Có như vậy mới mong tìm được an lạc tại cuộc đời này.
2. Phát huy tinh thần kế thừa “Tinh hoa Chánh pháp”
- Khẳng định tâm hạnh xuất gia; Giải thoát tứ sự: Ăn, mặc, ở, bệnh; Cuộc sống an vui, nhàn tịnh.
- Thể hiện ý chí của người xuất gia; Tự mình biết an nhẫn và vượt mọi thử thách trước mọi hoàn cảnh, nhân duyên.
- Hội nhập Phật pháp, an trú phạm hạnh, than chứng đạo quả, an tịnh ba nghiệp than, khẩu, ý.
- Thể hiện công hạnh: Thân giáo, khẩu giáo, ý giáo … trong đời sống thường nhật.
- Khẳng định trách nhiệm đem đạo vào đời, phụng sự lợi ích nhân sinh.
III. Thể Hiện Sự Hành Trì Ý Pháp Từ Bi Hỷ Xả Ngay Trong Nếp Sống Thường Nhật Của Một Vị Sa Môn – Một Vị Trụ Trí
1. Trụ pháp vương gia – Tác Như Lai Sứ
Vị Sa môn, vị trụ trì là hóa thân của chư Phật, là hiện than của 4 đức tính: Từ, Bi, Hỷ, Xả, là bóng mát để bá tánh cư gia nương tựa.
a) Trụ Pháp Vương gia chính là thể hiện ý pháp tâm đức Từ bi
Vị trụ trì, Sa môn trụ một trú xứ phải thể hiện được công hạnh tu tập, tinh tấn hành trì, an tịnh thân tâm thường hằng với “Tứ vô lượng tâm”, luôn thể hiện đức tính Từ bi trong cuộc sống thường nhật ở mọi lúc mọi nơi, để bá tánh khi đến gặp Tăng cũng như gặp được Phật. Như vậy mới gọi là người ở và giữ gìn ngôi nhà Pháp vương của chư Phật và làm việc Phật.
b) Tác Như Lai sứ chính là thể hiện ý pháp tâm đức Hỷ xả: 
Vị trụ trì ở một ngôi chùa, muốn thay Phật làm việc Phật trong sứ mạng hoằng hóa độ sanh thì nhất định vị ấy phải hội nhập, thân chứng được công hạnh và ý pháp tâm đức Hỷ Xả.
Nếu như chúng ta cứ mãi chấp nhất, ràng buộc, … Không nhẹ nhàng trước các nghiệp lực, lỗi lầm của chúng sanh, không buông xả được thì khó mà nhiếp phục, cảm hóa.
Chúng ta cần nên nhớ, sự hiện diện của người tu, của vị trụ trì là sự hiện diện của gương mẫu về một nhân thân đạo đức, hiền lương trong cuộc sống ở mọi không gian và thời gian.
2. Trì Như Lai Tạng – Hành Như Lai Sự
Vị trụ trì cần nên có và phải hội đủ các tố chất, phẩm hạnh của các bậc Hiền Thánh; Bao gồm cả Phật, Pháp, Tăng trong nhau và không bao giờ tách rời nhau
Thể hiện hành trì, an trú Tứ đức Niết bàn: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, chính là gìn giữ Tạng pháp của Phật và làm việc Phật
IV. Thực Hiện Tinh Thần Trách Nhiệm Hoằng Hóa, Tiếp Độ Bá Tánh Thiện Duyên, Đền Ơn Chư Phật, Phụng Thờ Chánh Pháp.
1. Những điểm tích cực cần thể hiện:
- Thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”.
- Giới thiệu Phật pháp đến với mọi thành phần trong xã hội.
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các giới cư sĩ, Phật tử được tinh tấn tu học.
- Khuyến khích, nâng cao phẩm hạnh của người cư sĩ tiến tu.
- Giới thiệu những nét đặc sắc, thanh cao của đời sống xuất gia giải thoát. 
- “Hạnh phúc của ta ở nơi tâm ta, sự nghiệp của ta lớn nhỏ tùy tâm ta lớn nhỏ. Đạo quả trong ngoài … kết thành một lượt không mau chậm”.
2. Những điểm tồn tại cần soi sáng
- Kế thừa - hoằng hóa: là làm cho tăng trưởng phước đức nhân duyên: Thầy Tỳ kheo Trụ trì phải thực sự có năng lực, thọ học kinh luật luận một cách thẩm thấu trong tu tập, hành trì và than chứng; Luôn đem lại an lạc, hạnh phúc và lợi ích nhân sinh bằng đời sống phạm hạnh của mình.
- Thụ động - lợi dưỡng: Cũng là thầy Trụ trì Tỳ kheo nhưng nếu vị nào không khéo tu tập chuyển hóa phiền não, không nỗ lực trau dồi Giới – Định – Tuệ; Chưa nhiếp phục thân khẩu ý an tịnh, dễ bị tham sân si chi phối, thì nếp sống thường nhật dễ buông lung, tham chấp vào danh vọng, lợi dưỡng mà không nghĩ đến lợi ích, hạnh phúc của bá tánh, nhân sinh; Không lo nghĩ đến sự thạnh suy của giáo pháp.
V. Kết Luận:
1. Khẳng định sứ mạng thiêng liêng và trách nhiệm của vị trụ trì trước mọi thời đại, không gian và thời gian.
Có một vị Tổ sư thiền đức bày tỏ quan niệm về trách nhiệm của Tăng già và sự hưng suy của Phật pháp như sau:
- “Lúc đắc đạo cũng như lúc mới phát tâm cầu đạo, sự cố gắng tinh tấn là kết quả”
- “Ngày xưa ít học mà nên nhiều, ngày nay học nhiều mà nên ít là cũng bởi trọng học tài, quên tu đức:.
- “Pháp tự nó vốn đâu có hưng hay mạt mà mạt là chỉ tại nơi người làm mạt đó thôi! Người tà chớ đâu có phải đạo không chánh, người mạt chớ đâu phải đạo không hưng”.
2. Khẳng định giá trị tư tưởng giáo pháp của Đức Phật và Đạo Phật là vĩnh cửu, bất biến trước cuộc sống nhân sinh và luôn phụng sự an lành, hạnh phúc cho nhân sinh.
Lời phát biểu của nhà khoa học Albert Einstein đã xác chứng: “Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng với những nhu cầu của khoa học đương thời thì chính đó là Phật giáo”

Sau đây là một số hình ảnh tại buổi thuyết giảng:

v1_33v2_29v3_25v4_30v6_27

v8_25v7_24v9_23v12_16v13_17v14_15v15_14v16_12v11_17


Người viết : Ban TTTT Phật Giáo Tỉnh Tiền Giang