Tiền Giang: Pháp đàm kết nối thiện duyên với hành giả Khóa “Huân tu chánh niệm” lần thứ nhất năm 2023

Thứ hai, 17/04/2023, 08:00 GMT+7
Tiền Giang: Pháp đàm kết nối thiện duyên với hành giả Khóa “Huân tu chánh niệm” lần thứ nhất năm 2023

Tiền Giang: Pháp đàm kết nối thiện duyên với hành giả Khóa “Huân tu chánh niệm” lần thứ nhất năm 2023

PGTG – Buổi tối ngày 16/4/2023 (nhằm ngày 26/02 nhuận năm Quý Mão) Khóa “Huân tu chánh niệm” diễn ra buổi Pháp đàm tại giảng đường Huệ Đăng (chùa Vĩnh Tràng, TP.Mỹ Tho). Buổi pháp đàm là nhịp cầu kết nối duyên lành giữa chư Tôn đức trong Ban Tổ chức và hành giả tham gia khóa tu. 

Bình an và hạnh phúc là khát vọng của mọi người. Nhưng bình an và hạnh phúc có được khi và chỉ khi mọi vướng mắc trong tâm không còn. Ngày nào còn vướng mắc thì bình an liền vắng mặt. Với ý nghĩa đó Pháp đàm là cơ hội để giải tỏa những điều còn vướng mắc trong tâm hành giả. Với sự thực tu, thực học, chư Tôn đức là những Giáo thọ sư giúp hành giả luôn được khinh an trong giáo pháp của Như Lai. 

Pháp đàm là cơ hội để hành giả học hỏi tuệ giác, kinh nghiệm thực tập của người khác, và cũng là cơ hội để tự thân chia sẻ những kinh nghiệm, những niềm vui, những khó khăn, những vấn đề liên quan đến sự thực hành chánh pháp. Trong khi một người chia sẻ thì những người khác thực tập lắng nghe sâu và khi có người lắng nghe sẽ tạo nhiều cảm hứng cho người nói. 

Buổi Pháp đàm có sự tham dự của Đại đức Thích Huệ Phát – Phó trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang; Thượng tọa Thích Huệ Chơn – UV BTS GHPGVN tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh cùng chư Tôn đức trong Ban HDPT tỉnh Tiền Giang đã tham dự và trả lời các câu hỏi của quý Phật tử như sau:

Phật tử Diệu Đài có câu hỏi: Động lực nào giúp cho chư Tôn đức phải chịu cực khổ mà vẫn giữ được lý tưởng xuất gia?

Trả lời câu hỏi này, Ni sư Thích Nữ Như Huệ - UV BTS GHPGVN tỉnh, UV Ban HDPT tỉnh Tiền Giang cho biết: Người xuất gia có mục đích duy nhất là hướng đến sự an lạc, giải thoát; vì vậy mọi việc xảy ra xung quanh mà không mang lại niềm vui, không hỗ trợ sự giải thoát thì sẽ không để ý. Với lý tưởng “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”, mỗi tu sĩ xuất gia mỗi nơi khác nhau, nhưng có chung một tình yêu rất tinh nguyên, son sắc ý ban đầu, cùng thầy bạn nối nhịp cầu an lạc. Năng lực tích cực được huân tập hằng ngày, nếu mỗi ngày mình nạp năng lượng yêu thương, tích cực về cuộc sống thì sẽ lan tỏa được tình yêu thương đến với chúng sanh, với tha nhân, không có việc gì khó mà không thể làm được. 

Phật tử Minh Tâm hỏi: Ngồi tĩnh tọa lâu thay đổi tư thế có được không? Và khi thay đổi tư thế đó được trong thời gian bao lâu?

Đại đức Thích Huệ Phát gợi mở về câu hỏi này như sau: Mỗi con người đều có “Tâm viên, Ý mã”, vì thế khi ngồi thiền chúng ta cho tâm vào một đề mục, thí như chuyên tâm vào hơi thở, phồng xẹp của bụng để tâm luôn được tĩnh giác, không bị lôi đi bởi những ý niệm khác. Khi cảm giác tê mõi đến thì xem như nó không phải là của mình, không phải mình, không phải tự ngã của mình. Theo dõi sự tê mõi, không đồng hóa sự tê mõi là mình, và khi sự tê mõi vượt ngưỡng chịu đựng của thân thì thay đổi tư thế trong ý thức, chứ không buông lung thất niệm, không thay đổi hình tướng tư thế bên ngoài.  

Có Phật tử hỏi: Khi người khác nói không vừa lòng, hay tự ái, thì con phải làm sao để tâm được an?

Trả lời câu hỏi này, Ni sư Thích Nữ Như Trang – UV BTS, UV Ban HDPT tỉnh Tiền Giang nói: Nếu tâm chúng ta như cọng rơm, như cái lưới với những lỗ rỗng to thì tâm luôn được coi nhẹ, vì tâm nhẹ nhàng không vướng mắc thì tâm sẽ không phải phiền não khi đối diện với những lời khó nghe đối với mình. Không nên nhìn người hay đối tượng làm cho mình phiền não, mà hãy nhìn cái tâm phiền não của mình. Trong Kinh Diệt Trừ Phiền Giận đức Phật dạy: không nhìn vào lời nói không dễ thương, hành động không dễ thương, thì hãy nhìn vào những điều dễ thương của họ. Khi đó họ bị phiền não chi phối nên ta phải thương yêu họ nhiều hơn, với tâm từ bi, bao dung. Trong kinh Rãi Tâm Từ, khởi tâm cho tôi được vui vẻ, lời nói tôi được vui vẻ, hành động tôi được vui vẻ, sau đó hướng tâm đến người mình chưa thương được, rãi tâm từ đến họ để cho họ chuyển hóa tâm họ được tốt đẹp và bản thân mình được an vui. 

Có Phật tử hỏi làm sao để Phật hóa gia đình?
Thượng tọa Thích Huệ Chơn cho rằng: Khi một người đã quy, thường đến chùa thì phải cố gắng tu sửa tâm tánh, tìm hiểu giáo lý để thực hành đúng chánh pháp, làm tăng trưởng lòng tư bi và hạnh hỷ xả của bản thân. Những thay đổi tích cực của một Phật tử sẽ đem lại nhiều niềm vui, sự an lạc với những người xung quanh; có như vậy chúng ta mới chuyển hóa được gia đình. Thay đổi lối suy nghĩ tích cực trong cuộc sống, khi tu tập có được kết quả, thì gia đình sẽ thấy được những điều tốt đẹp mà đạo Phật mang lại, chắc rằng những người xung quanh đều học hỏi theo. 

Buổi Pháp đàm, giao lưu chia sẻ giữa chư Tôn đức cùng chư hành giả chỉ thoáng qua, nhưng đã tạo nên không gian ấm áp đạo tình trong những ngày đầu của khoa tu. 

Đúc kết buổi pháp đàm, với những chia sẻ của chư Tôn đức trong BTC đã giúp cho hành giả hiểu rõ hơn về những giáo lý mà đức Thế Tôn đã dạy xuyên suốt trong 49 năm hoằng hóa. Với vai trò là người Phật tử ngoại hộ cho Tam bảo, trước tiên phải làm tròn bổn phận ở cuộc sống thế gian là hiếu dưỡng cha mẹ, sống và thực hành theo tinh thần Bát Chánh Đạo. Đối với đạo là người Phật tử trung kiên, biết ứng dụng những lời đức Phật dạy làm lợi ích cho mình, cho người, giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, để có được cuộc sống an vui, hạnh phúc. 

Một số ảnh ghi nhận được:


Ban Thông tin Khóa tu


Người viết : admin