Tiền Giang: Thượng tọa Thích Giác Nguyên thuyết giảng đề tài “Nhiếp phục nổi sợ hãi” tại Khóa “Huân tu Chánh niệm” lần thứ nhất năm 2023

Thứ ba, 18/04/2023, 12:06 GMT+7
Tiền Giang: Thượng tọa Thích Giác Nguyên thuyết giảng đề tài “Nhiếp phục nổi sợ hãi” tại Khóa “Huân tu Chánh niệm” lần thứ nhất năm 2023

Tiền Giang: Thượng tọa Thích Giác Nguyên thuyết giảng đề tài “Nhiếp phục nổi sợ hãi” tại Khóa “Huân tu Chánh niệm” lần thứ nhất năm 2023

PGTG - Trong ngày thứ 3 (18/4/2023) của khóa “Huân tu Chánh niệm” do Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Tiền Giang tổ chức tại tổ đình Vĩnh Tràng; TT.Thích Giác Nguyên – Phó trưởng BTS, Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã quang lâm thuyết giảng với chủ đề “Nhiếp phục sợ hãi” đến với chư hành giả trong khóa tu lần này. 

Thông thường sống trên cuộc đời, có bốn việc mà ai cũng sợ gặp phải. Trước nhất con người hiện hữu trên cuộc đời, có cuộc sống thì thường sợ nghèo đói, kế tiếp sợ bạn bè xem thường, rồi sợ già, sợ bệnh và sợ chết, Đức Phật gọi bốn thứ hoành hành con người này là sanh, lão, bệnh, tử. Tại sao ai ai cũng sợ điều đó? 

Thứ 1: Do bản thân không thấy được nguyên nhân của nó xuất phát từ đâu. Thuận theo dòng đời, cảm giác vui, buồn, hờn, giận, hỷ, nộ, ái, ố,... là một tâm lý bình thường của con người. Chẳng qua không có sự tu tập, nên con người thường cứ bị những cảm giác ấy làm chủ. 

Thứ 2: Do hành nghiệp của chính bản thân, trong quá khứ và ngay cả hiện tại. Trong kinh Trung bộ (Majjhima Nikàya), Đức Phật dạy rằng: “Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là gánh nặng, nghiệp là thai tạng mà từ đó con người được sanh ra; nghiệp là quyến thuộc, là nơi nương tựa”. Nói đến nghiệp là nói đến vấn đề thiện, ác trong vòng sinh diệt và tương tục của đời sống con người. Thông qua việc tạo nghiệp (thiện hay ác) mà con người tự xây dựng cho mình một định nghiệp - một đời sống khổ đau hay hạnh phúc. Nhưng khổ đau hay hạnh phúc là những cảm nhận của riêng mỗi con người khác nhau và nó là những pháp sinh diệt, tương tục trên cơ sở tâm lý khác nhau.

Thế thì, nỗi sợ hãi nó chỉ là một cảm giác thoáng qua liên tục, không có nơi trụ cố định. Khi hiểu được nguyên lý “Vô thường” mà đức Phật đã dạy, đó là kim chỉ nam cho bất kì ai hành theo giáo pháp của Phật.  Trong kinh Kim Cang có dạy: 
“Nhứt thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như lộ diệc như điển,
Ưng tác như thị quán.”

Các pháp trong thế gian là huyễn, là giả tạm, như ảnh trong gương, như dòng điện, tuy có tên gọi nhưng không có hình tướng. Hành giả thực hành tâm xả ly, tu tập Bồ-tát hạnh. Như hoa sen, tuy được trồng trong bùn, nhưng lại sống và vươn lên tỏa hương thơm ngát. Sanh rồi diệt, diệt rồi lại sanh, thì có chi ta phải bận lòng với nó. 

“Bồ tát đi vào đời,
Sen nở khắp muôn nơi,
Trang nghiêm cho cuộc sống,
Là hạnh phúc tuyệt vời.”

Như vậy, để nhiếp phục sự sợ hãi, chúng ta phải đặt niềm tin tuyệt đối ở lời dạy của chư Phật, như lời khẳng định của ngài A Nan rằng dù cho mặt trăng nóng lên, mặt trời lạnh lại, lời nói của Như Lai không bao giờ sai. Là đệ tử Phật, ý thức được mọi sự sợ hãi lo âu phát xuất từ nghiệp thức, chỉ là ảo giác, không thực, nên đặt niềm tin trong sáng tuyệt đối nơi Phật lực gia bị; cũng như gắn bó mật thiết với sinh hoạt của đại chúng đồng hành trong Phật pháp, cùng làm những việc lợi ích cho đạo pháp, đóng góp tốt đẹp cho xã hội, cuộc sống chúng ta chẳng những không còn gì để lo âu sợ hãi mà luôn được an lạc, hạnh phúc, thanh thản, giải thoát.

Qua bài giảng, Thượng tọa đã giúp cho hành giả thấy rõ vấn đề, hiểu rõ được sự sanh diệt của các pháp. Do đó, mỗi hành giả phải luôn tĩnh giác, luôn quán chiếu mới thấy được rõ biết. Khi được tỏ bày, hiểu thông sẽ không có gì để lo ngại nữa. Không những ở khóa huân tu, khi về nhà, mỗi Phật tử phải luôn duy trì ý niệm thiện lành, tạo ra hạnh nghiệp tốt, qua lời nói, cử chỉ, hành động từ đó mới có thể mang đến lợi lạc cho mình, cho người. 

Một số hình ảnh được ghi nhận được: 


Thiện Nguyễn – Ban Thông tin Khóa tu


Người viết : admin