Tiền Giang: Thượng tọa Thích Giác Nguyên thuyết giảng đề tài “Tình thương là phép nhiệm mầu”

Chủ nhật, 23/04/2023, 20:40 GMT+7
Tiền Giang: Thượng tọa Thích Giác Nguyên thuyết giảng đề tài “Tình thương là phép nhiệm mầu”

Tiền Giang: Thượng tọa Thích Giác Nguyên thuyết giảng đề tài “Tình thương là phép nhiệm mầu”

PGTG - Sáng ngày 24/4/2023 (nhằm ngày 04/03 năm Quý Mão), tại chùa Liên Hoa - ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang; TT.Thích Giác Nguyên – Phó trưởng BTS, Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã quang lâm thuyết giảng với chủ đề “Tình thương là phép nhiệm mầu” đến với chư hành giả trong khóa tu “Con về với Phật” do Đại đức Thích Minh Phước – Phó trưởng Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang, phụ trách TTXH Phật giáo huyện Chợ Gạo, trụ trì chùa Liên Hoa tổ chức hàng tháng.


Quá trình hội nhập, hiện đại hoá đất nước đang tạo ra những điều kiện, cơ hội thuận lợi để phát triển, đồng thời cũng tiềm ẩn những nguy cơ, sự xung đột ngoài ý muốn. Những tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, sự xuống cấp đạo đức, rạn nứt các mối quan hệ, đánh mất các truyền thống tốt đẹp, sự vô cảm của xã hội, liên tục gióng lên hồi chuông cảnh báo. Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 ta có thể kết nối được với cả thế giới nhưng dường như lại mất dần kết nối với chính những người thân bên cạnh mình. Vì thế, thắt chặt sự yêu thương gắn kết không chỉ trong gia đình mà trong toàn xã hội trở thành sự cấp thiết hơn bao giờ hết. 
Cho dù bạn là ai, ở bất kỳ nơi đâu, làm bất kỳ việc gì, khi nhắc đến tình yêu thương bạn cũng đều cảm thấy hạnh phúc. Song, nếu dừng lại ở tình thương theo đối đãi thế gian thì vẫn còn nhiều hạn chế, bởi từ trong sâu thẳm của tâm thức xét ra vẫn bị chi phối bởi sự vị kỷ, có mục đích vì mình. Là người học Phật, chúng ta phải tiến thêm một bước nữa, đó là thực tập tình thương đặt trên nền tảng Từ bi.


Tình thương theo quan điểm Phật giáo là một thứ tình cảm vô điều kiện xuất phát từ tâm vì người mà mở rộng tấm lòng, được biểu hiện nhẹ nhàng qua sự quan tâm, trìu mến, sự chăm sóc… sẵn sàng cho đi nhưng không đòi hỏi phải được nhận lại. Bằng chánh niệm, tỉnh thức người ta luôn hiểu được giá trị của những người xung quanh, nhờ đó mà yêu thương và quan tâm hết lòng. Sở dĩ có được tình thương yêu to lớn như vậy vì tình thương này được đặt trên nền tảng tâm Từ bi của Đạo Phật.
“Từ” có nghĩa là ban cho sự vui, thể hiện lòng khoan dung độ lượng; “Bi” là cứu giúp cho hết khổ, thể hiện sự đồng cảm, thương xót. Như vậy, tình thương trong Đạo Phật không chỉ dừng lại ở việc đem niềm vui đến cho người, cho muôn loài mà còn chủ trương giải thoát con người, muôn loài ra khỏi đau khổ luân hồi. Tình thương ấy là kết tinh của ba nhân tố: vị tha, bình đẳng, không phân biệt ân/oán hay thân/sơ.
Bản chất của tình thương chân chính vốn không đối đãi, nghĩa là không phân biệt đối tượng mà ta ban trải tình thương, hễ con tim rung động là tấm lòng liền rộng mở. Nó cao thượng, vị tha, không phân biệt thân sơ, không mong đền đáp. Tình thương cho đi chỉ sẽ được hân hoan khi nhìn thấy niềm vui hạnh phúc sáng ngời trong ánh mắt người nhận với ước mong cho họ mọi điều tốt lành. Đó chính là ý nghĩa của một tình thương vị tha và không phân biệt thân sơ. Đức Phật chỉ ra rằng: “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính” (tất cả chúng sinh đều có Phật tính) và “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn. Tình thương là sợi dây nối liền người với người”. Điều này có nghĩa dùng tâm bình đẳng đối đãi với tất cả chúng sinh, nuôi dưỡng và thể hiện tình thương là yêu cầu đầu tiên của những người sống và tu tập theo giáo lý của Đạo Phật.
Ngoài ra, trong Đạo Phật còn có một tình thương yêu vô bờ bến. Đó chính là mong muốn cứu khổ hết thảy chúng sanh, cũng là đức hạnh cao quý của những bậc giác ngộ đã thể hiện. Nếu đọc qua lịch sử Đức Phật, chúng ta sẽ bắt gặp tình thương của Ngài vô cùng bao la rộng lớn, Ngài đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, không phân biệt thân sơ, thù bạn, từ vua chúa, vương phi đến người gánh phân, trẻ mục đồng. Ngay cả kẻ sát nhân hại Phật cũng được Ngài giáo hóa và thành tựu công hạnh như các đại đệ tử khác.
“Hãy nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình, thì hết thảy khúc mắc trên đời đều được hoá giải bằng tình thương”. Tình thương có thể là giải pháp tuyệt vời cho tất cả những khó khăn, bế tắc, trục trặc và khổ đau của con người trong các mối quan hệ. Khi tình thương có mặt, chính bản thân chúng ta cảm thấy hạnh phúc và mọi người xung quanh cũng an vui, phấn khởi. Vì thế, hãy đối xử với mọi người như đối xử với chính mình và không ngừng chăm sóc hạt giống thương yêu trong tâm hồn mỗi ngày, làm nó lớn mạnh. Tình thương rất quan trọng, rất cần thiết cho sự sống mỗi người trên cuộc đời này. Đừng ngần ngại lan tỏa yêu thương khiến mỗi phút giây, mỗi hành động đều trở nên ý nghĩa. Đặc biệt là hàng Phật tử, bước theo dấu chân Phật, chúng ta hãy thể nghiệm giáo pháp từ bi nhằm tịnh hóa thân tâm; từ đó lưu xuất tình thương đến với mọi người trong gia đình, xã hội, rộng ra cho đến muôn loài chúng sanh, cống hiến cho đời niềm an vui, hạnh phúc, trên tinh thần tốt đạo đẹp đời.

Nhà văn Gerald G.Jampolsky Diane V.Cirincione cũng cho rằng: “Tình yêu là điều kỳ diệu nhất trên cuộc đời này. Tình yêu có thể biến sa mạc khô cằn thành một ốc đảo xanh tươi”.
Cuộc sống hàng ngày với những lo toan, tất bật khiến chúng ta cảm giác mình như đang luôn đối đầu với những áp lực cuộc sống? Những bất đồng, mâu thuẫn trong các mối quan hệ bạn bè, trong công việc, tình cảm luôn nảy sinh cho chúng ta cảm giác chán nản, mệt mỏi và không còn cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống.
Để làm cuộc sống trở nên tươi đẹp, để giải quyết những xung đột trong các mối quan hệ, chúng ta phải làm gì ? và dựa trên nền tảng nào?
Đó là mỗi người chúng ta phải cố gắng xây dựng cho mình một tình yêu vì “tình yêu là điều kỳ diệu nhất trong cuộc đời này”. Tình yêu có thể biến một sa mạc khô cằn thành một ốc đảo xanh tươi, biến kẻ thù thành một người bạn. Khi sống trong tình yêu, cuộc sống của bạn sẽ ấm áp và được nâng đỡ, động viên rất nhiều.
Nó sẽ giúp chúng ta tìm ra phương cách tốt nhất để hàn gắn những rạn nứt nảy sinh trong các mối quan hệ tình bạn, tình yêu, với cha mẹ, con cái, đồng nghiệp… giúp chúng ta có những cách thức ứng xử tích cực giữa con người với nhau: hy vọng, niềm tin, lòng yêu thương, khoan dung, sự tha thứ để giúp bạn cảm thấy tự tin hơn trong việc xác định mục đích sống của mình, tìm thấy sự bình yên, thư thái trong tâm hồn. 

Thông tin Ban Hoằng pháp PGTG
 


Người viết : admin