TIỂU SỬ TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH BỬU THÔNG

Thứ sáu, 05/04/2019, 21:42 GMT+7
TIỂU SỬ TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH BỬU THÔNG

TIỂU SỬ TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH BỬU THÔNG

TIỂU SỬ
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH BỬU THÔNG
(1923 – 2019)

v1_4

  • Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam;
  • Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang;
  • Nguyên Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ I và II;
  • Nguyên Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Tiền Giang;
  • Nguyên Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang;
  • Trụ trì chùa Kim Tiên, phường 5, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

I. Thân thế:
Hòa thượng Thích Bửu Thông, thế danh Trần Văn Tánh, Pháp hiệu Tâm Tánh, sinh ngày 8 tháng 10 năm 1923 trong một gia đình bần nông tại xã Mỹ Hạnh Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Song thân là cụ Trần Văn Tỉnh và bà Nguyễn Thị Ơn. Gia đình có 9 anh em, Hòa thượng là người con thứ 8. Ngoài ra Hòa thượng còn có một ông cậu là Hòa thượng Chủ hương tổ đình Phước Lâm (xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) – tức Hòa thượng Khánh Huy và người cậu ruột là Hòa thượng Thích Tịnh Trí, húy Trừng Vui trụ trì chùa Phú Khánh (xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang). Người anh thứ 7 của Hòa thượng khi còn nhỏ thường xuyên bị bệnh nên thân mẫu của Hòa thượng nguyện nếu con hết bệnh sẽ cho vào chùa đi tu. Sau đó quả nhiên hết bệnh, cụ Bà liền cho người anh vào chùa xuất gia thọ học với Hòa thượng Tịnh Trí ở chùa Phú Khánh (tục gọi là chùa Thầy Nhan).
II. Thời gian xuất gia học đạo:
Thuở nhỏ, Hòa thượng thường theo thân mẫu đến dâng hương tại tổ đình Phước Lâm – Cai Lậy. Đó cũng là nhân duyên thù thắng để Ngài phát khởi thiện tâm xuất gia tu học sau này.
Năm Quý Dậu (1933), trong một lần Hòa thượng cùng thân mẫu và người em thứ 9 đến chùa Phú Khánh thăm Hòa thượng Tịnh Trí. Tại đây, mến cảnh thiền môn và hạt giống Bồ đề đã đến hồi nẩy lộc, Hòa thượng và người em thứ 9 cùng xin mẹ cho quy y, xuất gia thọ học. Năm ấy Ngài vừa tròn 10 tuổi.
Gia đình Hòa thượng vốn có truyền thống tu học theo đạo Phật lâu đời và có lòng nồng nàn yêu nước; Hòa thượng Khánh Huy là bậc chân tu thạc đức, còn Hòa thượng Tịnh Trí là nhà Sư yêu nước, đã cùng với chư Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, Thích Minh Nguyệt, Thích Thiện Hào tích cực hoạt động cách mạng.
Năm 1940, quý Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, Thích Minh Nguyệt cùng tới lui chùa Phú Khánh để cùng với cụ Lê Minh Xuân nhóm bàn việc cách mạng, thế nên Hòa thượng Thích Bửu Thông được hấp thụ lý tưởng cách mạng và lòng yêu nước từ đó.
Sau khi xuất gia, dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng Bổn sư, cố Hòa thượng đã dốc tâm học đạo, trau dồi giới đức, nên chẳng bao lâu Hòa thượng đã thông thuộc kinh, luật và quy củ Thiền môn. Nhờ bản chất thông minh từ nhỏ, Hòa thượng đã trở thành một trong những người nổi bật trong hàng huynh đệ đồng tu lúc bấy giờ.
Năm 1938, Hòa thượng được thầy Bổn sư cho thọ giới Sa di tại chùa Long Hội (xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang). Năm 1945, Hòa thượng đắc cụ túc giới tại Giới đàn chùa Đức Thắng (An Khánh, Bến Tre) và tiếp tục theo học với Hòa thượng Đường đầu – Thích Trí Nhơn về các kinh như: Pháp Hoa, Di Đà Sớ Sao, Quy Ngươn Trực Chỉ, …
III. Thời gian nhập thế hành đạo.
Lúc bấy giờ, Pháp đảo chánh Nhật, tại Bến Tre chúng ra sức ruồng bố, bắt bớ người dân ráo riết; Sợ tiết lộ cách mạng, Hòa thượng trở về chùa Phú Khánh bí mật hoạt động cách mạng. Hòa thượng thường xuyên mua văn phòng phẩm để lấy tin tức cho xa Phú Mỹ và xã Hưng Thạnh.
Bấy giờ tại xã Hưng Thạnh có cái am của ông Sáu, thường gọi là am  “Ông Sáu Xác” (mượn hình thức nhập xác để trị bệnh) thường xuyên bị bom bắn phá nên ông Sáu bỏ về quê ở Bến Tre, cái am không người ở, nên dân làng xin phép đổi lại thờ Phật để tiện chiêm bái và đến chùa Phú Khánh thỉnh Sư về lo hương khói. Hòa thượng Tịnh Trí muốn nhân cơ hội này để có người ra vào liên lạc với cách mạng nên đã đưa Hòa thượng Bửu Thông về đây. Lúc bấy giờ Hòa thượng Bửu Thông nhận nhiệm vụ lo kinh tài mua văn phòng phẩm và chuyên giao tin tức cho cách mạng. Đến năm 1946, nơi đây bom đạn bắn phá dữ dội nên dân làng bỏ đi tản cư, Hòa thượng cũng phải trở về lại chùa Phú Khánh.
Năm 1947, ở xã An Phú, tỉnh Long An có ngôi chùa An Phú, dân làng đem ngôi chùa ấy dâng cúng cho Hòa thượng Tịnh Trí, được Hòa thượng Minh Nguyệt tư vấn, Hòa thượng Tịnh Trí đã nhận ngôi chùa và đưa Hòa thượng Bửu Thông về đó tiếp tục hoạt động cách mạng. Hòa thượng Bửu Thông ở đây hoạt động đến năm 1952 thì được Hòa thượng Minh Nguyệt đưa về chùa Trường Thạnh (Sài Gòn) để tiếp tục công khai hoạt động hợp pháp với Giáo hội Lục hòa Tăng.
Năm 1953, Giáo hội Lục hòa Tăng mở trường Phật học tại chùa Thiên Khánh (Cầu Kho), sau đó trường dời về chùa Khánh Hưng (Hòa Hưng); Đến năm 1960 thì dời về chùa Giác Duyên (Chợ Lớn), Hòa thượng Bửu Thông bấy giờ được cử làm quản chúng trên 70 vị. Ngài đã cùng với chư Hòa thượng giáo dục Tăng chúng ý thức hòa bình, giải phóng dân tộc.
Năm 1960, Hòa thượng Minh Nguyệt bị giặc bắt và đày đi Côn đảo. Hòa thượng Bửu Thông được chỉ định phải về lại chùa Phú Khánh để tiếp tục hoạt động bí mật, bảo toàn cơ sở.
Từ năm 1949, khi Hòa thượng Tịnh Biên (chùa Phước Lâm) viên tịch, Hòa thượng Tịnh Trí đã phải về trông coi chùa Phước Lâm, để ngôi chùa Phú Khánh cho Hòa thượng Bửu Thông trụ trì. Nhưng vì công việc nên Hòa thượng phải lên xuống Sài Gòn công tác, để lại chùa Phú Khánh cho người em ruột là Thượng tọa Bửu Minh điều hành Phật sự.
Đến năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Hòa thượng tham gia hoạt động trong Mặt trân Tổ quốc tỉnh Tiền Giang và là Đại biểu Hội đồng Nhân dân các khóa I, II, và III. Hòa thượng còn cùng với chư Tôn đức đứng ra vận động phong trào thống nhất Phật giáo và thành lập GHPGVN tỉnh Tiền Giang. Ngài giữ chức vụ Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ I và II. Năm 1990, với tuổi cao sức yếu, Hòa thượng xin phép nghỉ hưu, về chùa tịnh dưỡng.
Ngày 14 tháng 7 năm 1997, nhận lời kiền thỉnh của hàng Phật tử, Hòa thượng về kế vị trụ trì chùa Kim Tiên, thị trấn Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).
Mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng với vai trò của người trụ trì, Hòa thượng vẫn cố gắng vận động trùng tu lại ngôi Chánh điện chùa Kim Tiên năm 1999 và xây lại Giảng đường năm 2000.
Năm 2007, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc, Hòa thượng được suy cử vào Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
Công đức mà Trưởng lão Hòa thượng đã đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc đã được Nhà nước ghi nhận và tặng nhiều Huân, Huy chương như sau:
- “Huân chương Kháng chiến Hạng Nhì” của Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng.
- “Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng.
IV. Thời kỳ Viên tịch.
Là một trong những vị có công trong phong trào thống nhất Phật giáo, cống hiến trọn đời cho Giáo hội. Mặc dù niên cao lạp trưởng nhưng tinh thần Hòa thượng lúc nào cũng minh mẫn và tinh tấn niệm Phật. Vào thượng tuần tháng 2 năm Kỷ Hợi, Hòa thượng bị tai biến nhẹ, sau một tuần được sự tận tình chữa trị của y bác sĩ bệnh viên Winmec (TP.HCM), Hòa thượng dần bình phục và trở về chùa tịnh dưỡng. 
Đến 9g30 phút sáng ngày 4/4/2019 (nhằm ngày 30 tháng 2 năm Kỷ Hợi), sau ít phút bì quyện, Hòa thượng đã an nhiên thị tịch. Trụ thế 97 năm; Hạ lạp 74 năm.


NAM MÔ TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NHẤT THẾ HÚY TÂM TÁNH THƯỢNG BỬU HẠ THÔNG TRẦN CÔNG TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH

 


Người viết : Ban TTTT Phật Giáo Tỉnh Tiền Giang