TT.Thích Giác Nguyên thuyết giảng đề tài “Công đức Niệm Phật” tại đạo tràng Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An

Chủ nhật, 16/04/2023, 15:44 GMT+7
TT.Thích Giác Nguyên thuyết giảng đề tài “Công đức Niệm Phật” tại đạo tràng Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An

TT.Thích Giác Nguyên thuyết giảng đề tài “Công đức Niệm Phật” tại đạo tràng Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An

PGTG – Sáng ngày 16/4/2023 (26 tháng 02 nhuần năm Quý Mão), nhận lời mời của Đại đức Thích An Phúc – Trụ trì đạo tràng Khánh Hưng (ấp Gò Cát, xã Vĩnh trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), Thượng tọa Thích Giác Nguyên – Phó trưởng BTS, Trưởng ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh Tiền Giang đã quang lâm về trú xứ Khánh Hưng chia sẻ Phật pháp đến đạo tràng Phật tử.

Đây là Khóa tu dành cho Phật tử vào Chủ nhật hàng tuần tại điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung Khánh Hưng, số 162 ấp Gò Cát, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Trong khóa tu này, Thượng tọa Thích Giác Nguyên đã có buổi chia sẻ Phật pháp với đề tài “Công đức Niệm Phật”.

Trong Kinh Niết Bàn nói: "Một tiếng niệm Phật phân làm mười sáu phần công đức. Nếu có một người bố thí cho chúng sanh khắp cả một thế giới trải qua ba tháng nhưng chỉ cần đem 1 phần 16 công đức của một tiếng niệm Phật cũng hơn công đức của người bố thí kia".
Niệm Phật là con đường sáng suốt được nhiều người lựa chọn để thoát khỏi vòng luân hồi và tái sinh về cõi Cực Lạc. Nếu tâm niệm một lòng hướng Phật sẽ được công đức vô cùng lo lớn.
Trong các kinh thuộc Tịnh Độ như: Kinh A di đà, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ, … đều có nói về lợi ích của việc niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà. Theo lời dạy trong các kinh vừa nêu, một người niệm Phật muốn tái sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc sau khi qua đời thì nhất định phải hội đủ ba yếu tố là Tín, Hạnh và Nguyện (Tin sâu, Nguyện thiết và Hành trì tinh tấn).

Người Phật tử chí thành Niệm Phật được 10 công đức như sau:
1. Thường được chư Phật ngày đêm hộ niệm, Đức Phật A-Di-Đà phóng quang nhiếp thọ.
2. Thường được các vị đại Bồ Tát như Đức Quán Thế Âm thủ hộ.
3. Ngày đêm thường được chư Thiên cùng Đại lực Thần tướng ẩn hình ủng hộ.
4. Tất cả Dạ-xoa, ác quỉ, rắn độc, thuốc độc đều không thể làm hại.
5. Không bị những tai nạn: nước, lửa, đao, tên, gông, xiềng, lao ngục, giặc cướp, oan gia, cùng các thứ chết dữ.
6. Những tội đã làm thảy đều tiêu diệt, những kẻ chết oan vì mình đều được giải thoát, không còn kết oán rằng buộc.
7. Ban đêm nằm ngủ thường thấy điềm lành, hoặc thấy sắc thân thắng diệu của Phật A-Di-Đà.
8. Tâm thường vui vẻ, sắc thường tươi nhuận, khí lực đầy đủ, việc làm có kết quả tốt đẹp lợi ích.
9. Mọi người trông thấy đều vui mừng, cung kính hoặc lễ bái cũng như kính Phật.
10. Khi mạng chung tâm không sợ hãi, chánh niệm hiện ra, được Tây Phương Tam Thánh tiếp dẫn sanh về Tịnh độ hưởng sự an vui không cùng!

Thói quen của con người là hay nhớ nghĩ, thường dính mắc vào các lời nói, hình tướng (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) bên ngoài, do đó thường bị lôi cuống vào các phạm trù được - mất, tốt - xấu, từ đó dẫn đến khổ đau triền miên không dứt. Người tu tập, thường Niệm Phật sẽ không bị những căn bệnh trên chi phối, chỉ tập trung nghĩ nhớ về Hồng danh Đức Phật và những hạnh lành của Ngài để nguyện hành theo; dù thực hành chưa viên mãn thì Ác nghiệp cũng dần tan biến, Thiện nghiệp ngày một tăng trưởng. Giống như người từ bóng tối đang đi dần về ánh sáng, nhất định sẽ có nhiều niềm vui.

Trong thời đại ngày nay, khi mà nền công nghiệp đang trên đà phát triển, áp lực công việc rất lớn, người Phật tử muốn tu tập rất khó, vì sẽ không đủ thời gian để thực hành; chỉ có pháp môn Niệm Phật là dễ dàng thực hiện. Trong khi làm việc, ở bốn oai nghi: đi, đừng, nằm, ngồi đều có thể thực hành một cách rốt ráo. Vì vậy Thượng tọa Giảng sư khuyên quý Phật tử nên phát nguyện thực hành theo pháp môn Niệm Phật vi diệu này. 

Thông tin Ban Hoằng Pháp PGTG


Người viết : admin