Xin đừng “hối lộ” thánh thần!

Thứ năm, 27/08/2015, 22:34 GMT+7
Xin đừng “hối lộ” thánh thần!

Xin đừng “hối lộ” thánh thần!

Đi lễ đền, chùa đầu năm đã trở thành một nét đẹp trong văn hoá của người Việt.

Hàng năm cứ vào dịp tết nguyên đán, tháng giêng người dân khắp nơi lại nô nức đi lễ chùa để cầu cho gia đình, người thân một năm an lành, sung túc. Nét đẹp văn hoá đó đã được lưu giữ và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đi lễ chùa thế nào cho đúng, cho phù hợp với giáo lý, quy tắc của nhà Phật thì không hẳn ai cũng biết. Không ít người chỉ nghĩ đơn giản rằng, đi chùa là để cầu được may mắn, cầu được bình an, cầu được thăng quan tiến chức. Đi chùa mâm lễ càng to, tiền càng nhiều thì đức Phật mới dễ chứng giám, phù hộ. Đó đâu phải là văn hoá của đạo Phật.

Ngày xưa, việc đi lễ chùa của người dân xuất phát từ nét văn hóa của cư dân lúa nước. Đến chùa, người dân chỉ mang theo hương, oản hay chỉ đơn giản là những sản vật được sản xuất từ gia đình. Chính vì thế, việc đi chùa mang ý nghĩa về mặt tâm linh hơn là nặng về hình thức.

Bản thân cửa đền, chùa là nơi thanh tịnh. Nhưng, trên thực tế, ngày nay việc đi chùa của người dân cũng ngày càng hội nhập những bon chen, ích kỷ, không hiểu bản chất. Những năm gần đây, câu chuyện về việc không ít người dân khi đi lễ chùa rải tiền lẻ khắp nơi, thậm chí ném tiền lẻ xuống ao, hồ, mang tiền giắt vào tay, vào mồm tượng Phật, rải đầy dưới chân, dưới sàn không còn là hiếm gặp. Tại chốn linh thiêng, thanh tịnh những hình ảnh đó rõ ràng là hết sức phản cảm. Đó không phải là văn hoá nữa mà thực sự là một sự phỉ báng, “hối lộ” thánh thần. Người xưa luôn tâm niệm thần linh là một thế lực thiêng liêng của tầng trên, nên ứng xử với thần linh phải đạt được sự kính trọng và trong sáng chứ không ai ứng xử theo lối mua bán. 

 

Phật tại tâm, đức Phật luôn ở trong tâm chúng ta, đức Phật luôn chứng cho những người có tâm trong sáng. Bởi vậy, chúng ta đừng vì đồng tiền, đừng vì cơ chế thị trường mà đưa những điều không hay vào nhà chùa, vào chốn linh thiêng.

Việc đặt tiền trong nhà chùa, trong đền thế nào cho đúng, người dân, phật tử cũng phải tìm hiểu. Ngày xưa, khi đi lễ, người ta đặt tiền giọt dầu trên một cái đĩa ở ban thờ nhưng số tiền này chỉ vừa đủ để làm đèn hương, ít nhiều đóng góp vào việc mua đồ lễ trong những ngày rằm, ngày hội. Ngoài ra một phần cũng để chi tiêu cho người làm việc trông coi ở đó. Tiền giọt dầu phải đặt lên rất thành kính để tránh xúc phạm tới các ngài.

 

Tiền công đức thì khác, khi có đóng góp, số tiền này sẽ được ghi vào bia kí rất rành mạch, tiền đó sẽ được dùng làm gì, ở đâu rõ ràng. Thường sẽ là tiền để góp phần tu bổ, xây dựng công trình kiến trúc này hoặc phục vụ cho những mục đích của cộng đồng. Người xưa đi lễ, họ hiểu công đức là cái cuối cùng chứ không phải cái đầu tiên. Đức bao giờ cũng phải gắn với đạo. Trong đạo thì phải lấy trí đức làm đầu. Trí đức là cái đức của trí tuệ thì lại phải lấy trí tuệ làm đầu. Có trí tuệ thì mới đạt tâm đức, cái tôi trong sáng, đúng với con đường của đạo. Có trí đức rồi mới có nhân đức, là cái tôi thương người như thể thương thân. Sau cùng mới là công đức. Nay thì cả hai thứ tiền bị nhoè trong nhau. Sao không ai hỏi và tự trả lời rằng những đồng tiền đó ngày nay sẽ đi về đâu, làm gì? Người ta biết nhưng người ta lẩn tránh câu trả lời. Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Trần Lâm Biên chia sẻ.

 

 

Hiểu theo một góc độ khác, người đến chùa, đền cúng đồng tiền là để đóng góp cho nhà chùa xây dựng, sửa sang, đúc chuông, tô tượng, nó mang ý nghĩa như phương tiện vật chất để truyền tại cái tâm, cái ý đồ muốn đến với đức Phật nhằm góp phần tôn vinh và cụ thể hoá cái tâm của con người với tinh thần Phật giáo mà thôi.

Đừng mang tiền lẻ đi rải khắp nơi, nhét vào tay, vào miệng, vào mắt Phật. Đó là một sự phỉ báng, “hối lộ” thánh thần, hoàn toàn không phù hợp với văn hoá của người Việt cũng như văn hoá, giáo lý, nguyên tắc của nhà Phật.

 

 Việt Nguyễn


Người viết : admin