Giải oan cắt kết dưới góc nhìn Duy Thức (kỳ 1)

Thứ năm, 02/06/2022, 15:09 GMT+7
Giải oan cắt kết dưới góc nhìn Duy Thức (kỳ 1)

Giải oan cắt kết dưới góc nhìn Duy Thức (kỳ 1)

PGTG - Hành giả tu tập, hạ thủ công phu, quan sát dần dần chặt đứt thiên chấp sai lầm, rơi rụng phiền não, cải tạo chủng tử bất thiện, mảng đất tâm được tô bồi, sạch cỏ “sở tri chướng” và “phiền não chướng” chứng cảnh giới “Viên thành thật” bước tới ngưỡng cửa giải thoát an lạc.

DẪN NHẬP
Duy thức học gọi đủ là Pháp tướng học, một môn học phân tích thế giới, hiện tượng tâm linh con người. Nó soi sáng nhận thức về tính tướng muôn pháp. Hành giả tu tập, hạ thủ công phu, quan sát dần dần chặt đứt thiên chấp sai lầm, rơi rụng phiền não, cải tạo chủng tử bất thiện, mảng đất tâm được tô bồi, sạch cỏ “sở tri chướng” và “phiền não chướng” chứng cảnh giới “Viên thành thật” bước tới ngưỡng cửa giải thoát an lạc.
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nhất thiết duy tâm tạo” Kinh gọi là tâm. Tâm là căn bản của sự nhận thức, phân biệt, hiểu biết, nên nói theo luận thì gọi là Duy Thức. Duy thức học có vai trò và ảnh hưởng rất lớn trong triết học Phật giáo. Duy thức đã cho người học Phật một cách nhìn như thật về nhân sinh và thế giới, và cũng đưa ra cho hành giả một phương pháp tu tập chuyển hóa ngoại cảnh, nội tâm để đi từ tướng tính, quay vọng về chân. Do vậy Duy thức trở thành một tông phái lớn trong mười tông phái của Phật giáo đại thừa.
Phật giáo du nhập vào Việt nam từ rất sớm. “Khoảng đầu kỷ nguyên tây lịch. Tài liệu chắc chắn cho biết rằng vào hạ bán thế kỷ thứ hai, tại nước ta đã có một trung tâm Phật giáo phồn vinh và quan trọng rồi, nhưng có thể đạo Phật đã du nhập vào nước ta trong thế kỷ đầu của kỷ nguyên”(1). Từ khi du nhập vào Việt Nam Phật giáo đã được tiếp nhận một cách hòa bình và được bản địa hóa, tích hợp với văn hóa tín ngưỡng của người việt từ ngay buổi ban đầu, mà không có một sự mâu thuẫn đối kháng nào sảy ra. Tư tưởng Từ bi, Nhân quả, Nghiệp báo … đã dung hòa với triết lý của cư dân nơi đây. Phật giáo đã nhanh chóng được tiếp nhận và đi vào đời sống văn hóa, có những đóng góp không nhỏ từ những ngày đầu dựng nước và ảnh hưởng rất đậm vào bản sắc văn hóa của dân tộc. Lịch sử của Phật giáo Việt nam luôn gắn liền với lịch sử của dân tộc. “Phật giáo đã từng thể hiện thành công vai trò hệ tư tưởng và đạt tới đỉnh cao văn hóa dân tộc cũng như tôn giáo dân tộc vào thời Lý – Trần và tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa đó trong suốt chiều dài lịch sử văn hóa Việt Nam cho đến ngày nay”(2).
Với tinh thần Khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ của Phât giáo. Phật giáo Việt Nam được chư Tổ sư, uyển chuyển dùng nhiều những phương pháp khác nhau để chuyền tải giáo lý cao thâm, vi diệu vào trong đời sống của nhân dân. Như lời Phật dạy: “Các vị Bồ Tát phải thiện xảo phương tiện trong việc hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh. Tức là Bồ Tát phải khéo léo vận dụng các phương pháp thích hợp để truyền bá tư tưởng giáo lý của đức Phật”. Như vậy, Phương tiện là công cụ đưa người nhập đạo, bỏ vọng quy chân. Phương tiện không phải là cứu kính, nhưng để dẫn nhân nhập đạo thì cũng được coi là một hình thức cần có. Giống như người qua sông cần phải nương vào chiếc bè, chúng ta cũng phải sử dụng nghi lễ một cách hiệu quả để đưa người vào đạo.Nghi lễ Phật giáo là một trong những phương tiện mà xưa kia chư vị Tổ sư đã khéo léo vận dụng giáo lý, tư tưởng triết học Phật giáo tạo nên những Khoa nghi, với những bài tán, kệ, đường thỉnh…một mặt để đáp ứng nhu cầu tâm linh, mặt khác thông qua đó cũng để người nghe có thể giác ngộ mà tu tập. có thể nói Nghi lễ là hình thức nghệ thuật hóa, đơn giản hóa các triết lý Phật giáo. Con xin được trình bày nghi thức cúng “Giải oan cắt kết”(3) của Phật giáo phía Bắc,vẫn được thấy sử dụng trong những dịp trai đàn độ vong, dưới góc nhìn tư tưởng của Duy thức học Pháp tướng.

CHƯƠNG 1. Duyên khởi hình thành Duy Thức Tông
1.1. Nguồn gốc và sự truyền thừa

Như chúng ta đã biết, vì đại nhân duyên đức Phật thị hiện ra đời nhằm mục đích “khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”, từ bỏ mê lầm trở về với “bản lai diện mục thanh tịnh” của chính mình. Song căn cơ chúng sinh không đồng nên sinh ra nhiều pháp môn, tông phái phù hợp từng căn cơ trình độ của mọi chúng sinh.
Trước tiên là Thượng Tọa bộ – Đại Chúng bộ (ngay khi Phật nhập Niết bàn chưa được 100 năm). Từ 2 phái chính chia làm 8 phái đến hơn 20 phái ở Ấn Độ, sang Trung Hoa chia làm 10 Tông. Thực ra Duy thức học có từ thời đức Phật trong các Kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Già thuộc Đại thừa Phật giáo, hay trong các Kinh Nguyên thủy như A Hàm (Nikaya), Pháp Cú (Dharmapada). Nội dung hàm xúc triết lý về tâm thức “tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” hoặc “trong các pháp tâm đứng đầu làm chủ”,…
Về mặt lịch sử khi đức Phật nhập diệt 900 năm vào cuối thế kỷ IV(TL), Bồ tát Di Lặc nhận lời thỉnh cầu của ngài Vô Trước thuyết giảng 5 bộ luận: Du già sư địa luận (yogacaryabhumi – sastra), Phân biệt du già luận (Vibhanga – yoga – sastra), Đại trang nghiêm luận (Maharyuha – sastra), Biện trung biện luận (Madhaanta – vibhaga – sastra), Kim cang bát nhã kinh luận (Vajraparajna – sutra – sastra). Là 5 bộ luận căn bản của Duy thức tông, nên Thủy tổ của tông này là Di Lặc Bồ tát (Maitreya). Về sau có 2 người là ngài Vô Trước và Thế Thân (Asanga – Vasubandhu) sưu tầm hệ thống hóa, xiển dương thịnh hành ở Ấn Độ. Tạo ra nhiều bộ luận như Hiển dương thánh giáo luận (Aryava – prakarana – sastra), Đại thừa A tỳ đạt ma luận (Maha – Abhidharma – sastra), Nhiếp đại thừa luận (Mahayana – Sampanigraha – sastra). Sau có ngài Trần Na, Vô Tính, Hộ Pháp, Giới Hiền kế thừa Duy thức học và truyền sang Trung Hoa.
Năm Trinh Quán thứ 3 (629 TL) đời Đường Thái Tông, ngài Huyền Trang đã nhập Trúc cầu pháp, chu du 17 năm tại Ấn Độ học tập Du già Sư địa luận, hiển dương Thánh giáo luận, Câu Xá luận, thâm nhập lý huyền diệu của Duy thức. Sau đó ngài trở về bản quốc thành lập Pháp tướng tông tại Trung Hoa. Về sau có ngài Khuy Cơ, Huệ Chiểu, Trí Châu, Thái Hư Đại sư đã làm cho Duy thức lan rộng và ảnh hưởng khá mạnh mẽ.
1.2. Kinh điển y cứ
Duy Thức Tông dựa trên sáu Kinh và mười một bộ luận làm điển tịch của tông này.
– Sáu bộ Kinh bao gồm:
1. Hoa Nghiêm Kinh (Avatamsaka – sastra)
2. Giải Thâm Mật Kinh (Samdhinirmocana – sastra)
3. Như Lai Xuất Hiện Công Đức Trang Nghiêm Kinh.
4. Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Kinh (Abhidharma – sastra)
5. Lăng Già Kinh (Lankavatava – sastra)6. Hậu Nghiêm Kinh (Ghanavyuha – sastra)
– Mười một bộ luận bao gồm:
1. Du Già Sư Địa Luận (Yogacaryabhumi – sastra) của Di Lặc và Vô Trước.2. Hiển Dương Thánh Giáo Luận (Aryadesanavikhyapana – sastra)3. Đại Thừa Trang Nghiêm Luận (MahayanaSutralamkara – sastra)4. Tập Lượng Luận (Pramanasamuccaya – sastra)5. Thập Địa Kinh Luận (Dasabhumikasutra – sastra)6. Nhiếp Đại Thừa Luận (Mahayanasamgraha – sastra)7. Phân Biệt Du Già Luận (Yoganirdera – sastra)8. Biện Trung Biên Luận (Madkyanta – Vibhaga – sastra) của ngài Di Lặc và Thế Thân (Maitreya – Vasubandhu)9. Nhị Thập Duy Thức Luận (Vimsikavijnap tikarika – sastra) của ngài Thế Thân10. Quán Sở Duyên Duyên Luận (Alambanapa riksa – sastra) của ngài Trần Na (Dignaga)11. A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập Luận (Abhidharmasa muccaya – sastra)
CHƯƠNG 2. Tổng quan về Duy Thức Học Pháp Tướng
2.1. Định nghĩa về Duy thứcLuận Duy Thức Tam Thập Tụng định nghĩa Duy Thức như sau:

“Thị chư thức chuyển biến
Phân biệt sở phân biệt
Do thử bỉ giai vô
Cố nhất thiết Duy thức” (4)
Bài kệ trên có nghĩa là: “Các thức ấy chuyển biến sinh ra kiến phần năng phân biệt, tức là chủ thể nhận thức và tướng phần sở phân biệt, tức là đối tượng nhân thức. do cả hai phần năng sở ấy đều không thật có, nên nói tất cả các pháp đều do thức biến”(5).
“Duy Thức tức là tên gọi khác của Tâm. Duy thức nghĩa là loại trừ ra các pháp ngoài tâm, chỉ chọn lấy tâm thức. Điều này ngăn sự phân biệt mê mờ cho rằng cảnh giới bên ngoài có thật ngã, thật pháp tồn tại, nhằm hiển hiện pháp tướng chân tính của thức tâm, cảnh giới bên trong”(6)
“Tất cả sự vật trong vũ trụ này vẫn không có nhất định là cái gì hay vật gì cả; chỉ do Thức này nó có tác dụng, hay nhận thức phân biệt các vật như thế này hay như thế kia, in tuồng thật có. thật ra muôn sự muôn vật đều do tâm thức biến hiện, chỉ có giả tướng mà thôi…. Thế nên phải biết: Tất cả sự vật trong vũ trụ này đều không thật, duy có Thức mà thôi, cho nên gọi là Duy Thức. Nói chữ Duy nghĩa là ngoài Thức ra, không có vật gì khác nữa”(7).
Như vậy Duy Thức học là một bộ môn nghiên cứu phân tích các pháp hữu vi một cách tỷ mỉ, chi li để giúp cho hành giả thấy được các pháp như thật, không bị vọng tưởng (Phi lượng), thấy rõ tính cách Vô thường, vô ngã của các pháp. Đi từ hiện tượng đến bản thể, từ pháp tướng đến pháp tính, bằng phương pháp thông qua các khái niệm, từ đó phá trừ ngã chấp, pháp chấp, chuyển Thức thành Trí chứng đắc an vui giải thoát.
2.2. Các pháp theo Duy Thức Học Pháp Tướng
2.2.1. Sao gọi là Pháp Tướng Duy Thức
Theo cuốn Khái Luận về Pháp Tướng Duy Thức Học của Đại Sư Thái Hư, được HT Thích Thắng Hoan dịch thì giải thích rằng: “Pháp Tướng là tướng mạo, nghĩa tướng và thể tướng để được hiểu biết của tất cả pháp. Tất cả pháp thì vô cùng vô tận, không thể kể cho hết, nhưng các học giả Pháp Tướng Duy Thức nghiên cứu chỗ rất trọng yếu, chỗ rất cơ bản thì tất cả không ngoài một trăm pháp. Căn cứ vào những tác phẩm Thiên Thân Bách Pháp Minh Môn Luận, Đại Thừa Ngũ Uẩn Luận v.v… để sưu tầm, nghiên cứu và tham khảo, một trăm pháp được chia thành năm nhóm: Tâm Pháp, Tâm Sở Hữu Pháp, Sắc Pháp, Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp và Vô Vi Pháp”.
“Pháp nghĩa là “quỹ trì”. Quỹ có nghĩa “quỹ sinh vật giải”, Trì có ngĩa “nhậm trì tự tính”. Thành Duy Thức Luận, quyển 1 nói: “Pháp nghĩa là quỹ trì. Quỹ tức là quỹ phạm (khuôn thước, phép tắc), có thể dựa vào đó để nhận biết về sự vật; trì tức nhậm trì (tự giữ lấy), không rời tự tướng của mình.(8)
2.2.2. Nhận thức các pháp theo Duy Học Pháp Tướng
Như vậy Kinh điển nói về muôn pháp (Chữ pháp ở đây khác với chữ Pháp là giáo pháp của Phật dạy) tức là tổng quát tất cả các pháp (hiện tượng, sự vật) trong vũ trụ. Đức Di Lặc bồ tát sợ người thế gian khó học khó hiểu, nên Ngài tạo ra bộ Du già Sư địa luận, ước có 660 pháp, Ngài Thế Thân bồ tát e chúng sinh trí tuệ thiển cận khó thu thập được, liền tóm ước có 100 pháp bao quát tất cả các pháp.
Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận nói: “Nhất thiết pháp giả, lược hữu ngũ chủng: Nhất giả Tâm Pháp. Nhị giả Tâm Sở Hữu Pháp. Tam giả Sắc Pháp. Tứ giả Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp. Ngũ giả Vô Vi Pháp.
Nhất thiết tối thắng cố
Dữ thử tương ưng cố
Nhị sở hiện ảnh cố
Tam vị sai biệt cố
Tứ sở hiển thị cố
Như thị thứ đệ.”
100 pháp trên nếu thiếu bóng dáng của Thức thì không pháp nào tồn tại, dẫu thức không tự thể nhưng vạn hữu trong vũ trụ có thiên hình vạn trạng làm tướng cho nó, rồi trùng trùng duyên khởi ra các pháp phân biệt và bị phân biệt.
* Thứ nhất Tâm Pháp (Vương): được chia làm 8 thức: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỵ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức, Mạt na thức, A lại da thức.
* Thứ hai Tâm Sở Hữu Pháp: được chia làm 51 loại, gồm sáu ngôi:
5 Biến hành (Xúc, tác ý, thụ, tưởng, tư);
5 Biệt cảnh (Dục, Thắng giải, Niệm, Định Tuệ);
Thiện có 11 loại (Tín, tàm quý, vô tham, vô sân…bất hại);
Căn bản Phiền Não có 6 loại (Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến);
Tùy Phiền Não có 20 loại (Phẫn, Hận, Phú…Bất chính tri);
Bất Định có 4 loại (Hối, Miên, Tầm, Tứ).

* Thứ ba là Sắc Pháp: được chia làm 11 loại; Nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
* Thứ tư là Bất Tương Ưng Hành Pháp: đại lược có 24 loại (Đắc, mệnh căn, chúng đồng phận, dị sinh tính….Bất hòa hợp)
* Thứ năm là Vô Vi Pháp: có sáu loại; Hư Không, trạch diệt, phi trạch diệt, bất động diệt, thụ tưởng diệt, chân nhân vô vi.

Nếu như Thắng Pháp Luận Tập Yếu (Abhidhammaatthasangaha) của Phật giáo Nam truyền là môn học về tâm lý chia tâm ra làm rất nhiều loại tâm khác nhau, trên cơ sở tâm Tham, tâm Sân, tâm Si để khi chúng hiện khởi thì biết nó thuộc tâm nào mà trừ bỏ tâm ấy, thì môn Duy thức học này cũng là một bộ môn thông qua các khái niệm để nhìn nhận rõ các pháp là Vô ngã. Nguyên lý cơ bản của Pháp tướng Duy thức học là một tiến trình của nhận thức. Nó mổ sẻ chi li mọi khía cạnh các sự vật hiện tượng để tìm ra bản chất giá trị và ý nghĩa đích thực của các pháp. Đồng thời, là kim chỉ nam cho những ai muốn hưởng tiếng chuông huyền diệu của đạo mầu đang và đã ngân vang qua muôn trùng thế hệ làm trợ duyên, khơi sáng ngọn đèn trí tuệ, thức tỉnh từng sát na về bản tâm mình làm hành trang theo dấu chân xưa trở về suối nguồn an lạc.
2.2.3. Tâm thức cội nguồn của nhân sinh – vạn pháp.
Tâm thức là cội nguồn của nhân sinh và vạn hữu. Bởi nhân sinh vạn pháp hình thành là do năng lực chủng tử của tâm thức tiềm tàng trong bao la vũ trụ. Năng lực ấy nhỏ như vi trần, lớn bao trùm vạn loại. Đứng trên lĩnh vực tương đối thì chủng tử của tâm thức có giá trị hiện hữu như một nguyên tử vật chất. Thật vậy, công năng chủng tử dẫn dắt chúng sinh theo nghiệp lực tái sinh trong ba cõi sáu đường. Năng lực của một nguyên tử là bản chất bao la vũ trụ. Nhưng trên phương diện tuyệt đối những chủng tử của tâm thức có năng lực duyên khởi vận hành ra vạn pháp.
Trong Kinh Phật có chỗ nói “Tam giới duy tâm, Vạn pháp duy thức”, căn cứ vào sự thật trong vạn pháp bao gồm cả 3 cõi là Dục, Sắc và Vô Sắc giới. Vậy hai khái niệm này đã tương đồng thì Tâm và Thức cũng không khác. Trong Tam tạng Thánh giáo nhiều chỗ gọi là Tâm – ý – thức. ba thứ này chỉ là một năng lực làm chất liệu tạo sự tương tục cho toàn bộ hệ thống nhận thức trong quá trình chuyển biến vận động.
2.2.3. Sự vận hành của Tâm – Ý – Thức
Tâm (Citta) Thức thứ 8, tuy mỗi hữu tình đều có, song tùy theo nghĩa sai khác mà đặt ra nhiều tên gọi. Hoặc gọi là Tâm, bởi nó là nơi chứa nhóm các chủng tử do các pháp huân tập vào. Hoặc gọi là A đà na, bởi nó chấp giữ chủng tử và sắc căn không để hoại mất. Hoặc gọi là Sở tri y, bởi nó làm chỗ nương tựa cho các pháp sở tri nhiễm tịnh. Hoặc gọi là Chủng tử thức, bởi nó nhậm vận chấp trì các chủng tử các pháp khắp cả thế và xuất thế gian. Hoặc gọi là A lại Da, bởi nó nhiếp giữ các pháp tạp nhiễm và bởi nó bị ngã kiến, ngã ái chấp tang làm tự nội ngã. Hoặc gọi là Dị thục thức, bởi nó dẫn đến quả Dị thục của nghiệp thiện ác trong đường sinh tử. Hoặc gọi là Vô cấu thức, bởi nó làm chỗ nương dựa cho các pháp cực thanh tịnh vô lậu.(9)
A lại Da thức: chứa tất cả các pháp nhân sinh vũ trụ, nạp thọ vận hành, duyên khởi các chủng tử không có giới hạn hay gián đoạn, như nhà kho vô hình và có 3 nghĩa: năng tàng, sở tàng, ngã ái chấp tàng.
Kinh Hoa Nghiêm Phật dạy: “Tâm hàm vũ trụ, đạo quán cổ kim” nên nó có năng lực chứa đựng và duy trì các hạt giống, thức thứ 8 là nguyên nhân phát sinh cùng kết quả của thực tại giả lập. Theo Ngài Khuy Cơ trong Thành Duy Thức Luận Thuật Ký II nói: “Từ phàm phu đến các hàng Thánh giả hữu học trong Nhị thừa đều thuộc vị này”. (Từ điển Phật học Huệ Quang) Thức thứ 8 bản thể vốn thanh tịnh có công năng rất lớn, hàm chứa diệu dụng nhiệm mầu. Nhưng bị Manas chấp nên bị nhiễm, do đó mới gọi là A lại Da.
Dị thục thức: Bởi sự thành tựu của những năng lực tiềm ẩn xung đột, dẫn đến vạn pháp an trụ vào tính chất riêng biệt của chủng tử để xây dựng thế giới thực tại. Quá khứ từ nhân dị thục đến quả dị thục, dẫn dắt nhân sinh vạn hữu vào thế giới biệt tính của nhân duyên giả hợp. Hình trạng chuyển biến qua thời gian, trạng thái, nhân quả là: dị thời nhi thục, biến dị nhi thục, và dị loại nhi thục. Nó chỉ tồn tại trong môi trường chấp ngã, chấp pháp, không cư trú trong Như Lai tàng của đấng giác ngộ.
Nhất thiết chủng thức: thức này chấp trì hạt giống của các pháp không để thất tán, vì pháp giả hữu duyên sinh dẫn đến mạo tướng khác nhau của các pháp trong vũ trụ. Chúng cùng thực thể vô tính, song trong góc độ đối đãi các chủng tử có sự khác biệt về công năng tác dụng, sinh hoạt theo hệ thống qui trình tâm lý sinh lý, vật lý nhất định. Hơn nữa còn phát huy những năng lực đặc trưng trong nội tạng của mỗi chủng tử, làm chất liệu cơ bản cho sự phát khởi hiện hành ra muôn pháp.
Trong Kinh Du Già: “Tự tính các chủng tử từ vô thủy đến nay, tuy là bản hữu (vô lậu) nhưng do cái mới được huân tập là nhiễm hay tịnh mà phát khởi”. Vì vậy cải tạo chủng tử hữu lậu để A lại Da trở về nguyên cội gốc căn bản thức là điều tất yếu.
Ngoài thức A lại ya không nhân tố nào đủ điều kiện thay thế địa vị hay thẩm quyền quyết định việc sáng tạo vũ trụ loài người, thiếu nó không pháp nào tồn tại. Do đó, thức này còn gọi là thức căn bản”.(10)
A lại Da có hai trạng thái nhiễm và tịnh, có sự đối đãi giả hợp trên ngôn ngữ khái niệm, được cơ cấu trên hiện hữu của nhân duyên hư vọng, của các uẩn xứ chứ không trên bản chất của thực tại hiện hữu. Chúng hoàn toàn không thật có, “các pháp do nhân duyên hòa hợp giả tạo thành tạm gọi là sinh, các pháp do nhân duyên giả tan rã tạm gọi là diệt” (Lăng Già tâm ấn). Trên quá trình tu chứng chấm dứt sinh tử, hành giả cần dứt trừ tư tưởng Nhị nguyên, thoát thế giới ý niệm phân biệt giữa nhân và quả (tự tính của nhân quả, đồng bản thể do huân tập có sự sai khác) thể nghiệm chân lý tuyệt đối trở về Chân tâm thường trú của chính mình, liễu sinh thoát tử, chuyển thức thành trí, lúc này A lại Da khuất dạng.
Ý (Manas)- cũng gọi là Mạt na thức: Mạt na là thức thứ 7 trong bát thức Tâm vương, có công năng đưa chủng tử vào A lại Da, lấy chủng tử từ A lại da đến tiền lục thức làm sự sống. Nó quản lý các tập khí chủng tử trong thế giới nội tạng của căn bản thức, ẩn mật bên trong không hiện ra ngoài làm căn bản cho thức thứ 6 hoạt động. Bản thân nó từ A lại Da sinh ra song trở lại duyên A lại Da làm ngã kiên cố. A lại Da bị phân chia làm nhị biên tính, tạo sự phân biệt nhận thức cùng tư duy hành động sai lầm, không phản ánh được bản chất của các pháp. Nó không có tính độc lập mà phải nương nhờ cái khác mà có. Cho nên nói thức này “Công vỉ thủ, tội vi khôi”
Thức: Hiểu biết phân biệt không có cảnh nào ngoài thức mà tồn tại. Năm thức trước có năng lực hiểu biết và phân biệt các sự vật nhưng nếu có sự hiện diện và cộng tác của ý thức kết hợp thành ngũ câu ý thức thì tính chất giá trị ý nghĩa của nhận thức đó chuẩn xác, vi tế hơn. Do đó, khi căn tiếp xúc với trần không có sự hiện diện của ý thức thì không nhận thức nào xuất hiện. Nó còn làm sinh khởi năng lực trí tuệ vô biên, mở mang mọi bí mật của tri kiến, sản sinh ra sự hiểu biết đánh giá về vạn pháp.
Thức A lại Da rất quan trọng cho đời sống luân chuyển của nhân sinh vũ trụ, nó là trung tâm thu chứa tất cả chủng tử nghiệp nhân quá khứ và hiện tại tùy theo khí lực của nhân tố đó dẫn khởi tái tạo ra pháp mới. Tuy nhiên, giác quan này không tinh tường thiếu sự liễu biệt và phân định, phải nhờ đến bóng dáng ý thức để liễu biệt về thế giới nội, ngoại của các pháp. Sự vận hành của tâm – ý – thức là một hiện tượng phối hợp nhịp nhàng logic của một tổng thể bất khả phân ly. Chúng được coi là hệ thống hoàn chỉnh của nhận thức đối với tất cả các pháp trong nhân sinh vũ trụ.

2.2.4. Nhận thức bản chất của các pháp theo Duy Thức Học
• Biến kế sở chấp (parikalipita – lakasana)
Biến kế là tư tưởng vọng khởi sai lầm về vạn pháp, đánh giá về một sự thể hoàn toàn khác biệt với thực thể đó. Sự phân biệt giữa năng tri và sở tri là hư vọng nhưng lại tính toán so lường cho là thật có. Đây là trạng thái bất giác của tâm thức, sự vọng động của thức thứ 6 cùng sự chấp ngã chấp pháp của Mạt na tác động, dẫn đến ngộ nhận đối đãi sai biệt trong nhân sinh vạn loại.
“Ban ngày thấy dây là gai
Ban đêm thấy dây là rắn
Trên gai dây trí đã loạn
Trên gai lại thấy rắn nữa sao”(11)
• Y tha khởi (paratantra – lakasana)
Vạn vật không tự nhiên sinh ra không tự nhiên mất đi, mà chúng là chùm các phản ứng tổng hợp nhân duyên hữu cơ với nhau. Nhờ tính duyên khởi đặt nền móng cho cơ sở nhận biết các pháp trong hoàn vũ.
• Viênthànhthậttính (parinipranna– lakasana)
Bản thể của các pháp có tự tính tuyệt đối vì ý thức liễu biệt sai lầm dẫn đến đối đãi vọng động. Song, khi phá trừ các kiến chấp thức chuyển thành trí thì cơ cấu giả lập nhị nguyên bị phá vỡ, con người thoát khỏi thế giới ý niệm phân biệt của có và không, thật và hư của chân ngụy. Bản chất thường tại như chính tự tính của nó.(12)
“Bỏ vọng tìm chân tìm không thấy
Chân lý tìm chân lý biết nơi đâu”(13)
Viên thành thật là bản thể của nhân sinh vũ trụ, thể tính các pháp. Tính ấy là chân như soi sáng vạn pháp theo đúng thực tính không của nó.
Kinh Duy Ma Cật: “Thật tướng của vạn pháp là huyễn”. Các pháp đi từ không đến có và cái có này bản chất thật tướng của nó là hư giả không thường còn, thường hằng, thường trụ nên gọi là vô thường. Cái huyễn là phương tiện chỉ cho chúng ta thấy thật tướng của vạn pháp và con đường để đạt đến cái thật. Vũ trụ quan hay nhân sinh quan chỉ là lối giải thích về các hiện tượng có liên quan đến con người và thế giới chung quanh để thấu hiểu và an tâm tu hành. Vì chưa thấu suốt được lý nhân duyên, chưa thấy được tính huyễn của vạn pháp hay không thấu suốt và thể nhập vào quy luật nhân quả nghiệp báo. Sự hình thành của vũ trụ xuất phát từ nhân không và có hằng hà sa số cõi, những hệ hành tinh, tinh tú… được sinh ra từ không và tất cả đều nằm trong quy luật vô thường, không có thứ gì tồn tại mãi mãi cả, kể cả vũ trụ cũng sẽ bị hoại diệt theo quy luật thành trụ hoại diệt của vạn pháp.(14)
“Chư pháp tòng duyên sinh
Diệc tòng nhân duyên diệt
Ngã Phật đại Sa môn
Thường tác như thị thuyết”.(15)
Nhờ vào tính không ta nhìn được thực thể của vạn pháp, đánh giá được mọi hiện tượng công ước giả lập theo cái nhìn của chân lý tuyệt đối. Các pháp chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải cũng có cũng không, cũng chẳng phải chẳng có chẳng không mà là tính không vắng lặng. Triết lý chân không của Trung quán luận, tư tưởng cốt lõi của Đại thừa viên dung vô ngại vượt qua bờ nhị nguyên, đạt chân lý siêu việt.
CHÚ THÍCH:
(1) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, NXB Phương Đông 2012, tr 15
(2) Trung Tâm Nghiên Cứu Tôn Giáo Đương Đại, Tôn Giáo và Văn Hóa Một Số Vấn Đề Lý Luận Và Thực tiễn – Kỷ Yếu Tọa Đàm Khoa Học Quốc Tế, NXB Tôn Giáo 2014, tr 557
(3) Giải Oan Kết Khoa: là một khoa cũng trong bộ Thủy Lục Chư Khoa, bộ Khoa giáo về nghi lễ của Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam.
(4) Thích Quang Tư (dịch và chú), Duy Thức Tam Thập Tụng Giảng Ký, Diệu Đế Quốc Tự – Huế, 2004, tr37
(5) Thích Thiện Toàn, Nghiên Cứu Về Duy Thức Học, Nxb Hồng Đức, 2018, tr5
(6) Thích Quang Tư (dịch và chú), Duy Thức Tam Thập Tụng Giảng Ký, Diệu Đế Quốc Tự – Huế, 2004, tr 76
(7) HT Thích Thiện Hoa, Duy Thức Học, Thành Hội Phật Giáo TP Hồ Chí Minh ấn hành, PL 2536- 1992. Tr92.
(8) Thích Quang Tư (dịch và chú), Duy Thức Tam Thập Tụng Giảng Ký, Diệu Đế Quốc Tự – Huế, 2004, tr 83.
(9) Luận Thành Duy Thức, Thích Thiện Siêu, NXB Tôn giáo 1999, trang 124.
(10) Khảo sát Duy thức học thực nghiệm, HT. Thích Thắng Hoan.
(11) Lược giảng Kinh Pháp Hoa, HT. Thích Thiện Siêu
(12) Vấn đề cơ bản của Triết học Phật giáo, TT. Thích Tâm Thiện
(13) Chứng Đạo Ca, HT. Thích Từ Thông
(14) Khai thị luận hành trình về tâm thức, Thích Huệ Đăng, NXB Tôn giáo, trang 20
(15) Kệ duyên sinh của Ngài Mã Thắng.


Thích Đạo Tâm
 


Người viết : admin