H.Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Bửu Toàn

Thứ tư, 25/11/2020, 14:29 GMT+7
H.Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Bửu Toàn

H.Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Bửu Toàn


LỊCH SỬ CHÙA BỬU TOÀN
(Ấp Song Thạnh, xã Tân Bình Thạnh, Chợ Gạo, Tiền Giang)

CHUA_BUU_TOAN

Chùa Bửu Toàn được thành lập vào hậu bán thế kỷ 18 (lúc đó nơi này thuộc địa phận Dinh Long Hồ, Dinh này được thành lập vào năm 1732, trụ sở đặt tại Cái Bè) Ban đầu ngôi Tam bảo này được cất lên bằng cây lá đơn sơ với kiểu nhà một căn hai cháy, có hiệu là “Bửu Toàn Tự”, nằm khép mình nơi vùng quê hẻo lánh, hài hòa với cuộc sống sinh hoạt của đồng bào Phật tử miệt vườn, quanh năm tay lắm chân bùn, ruộng nương tần tảo nhưng tâm hồn luôn hiền lành chất phát. Bổn đạo nơi đây có lòng mộ đạo rất lớn nên kẻ công người của cùng nhau cất lên ngôi Tam bảo để làm nơi quy ngưỡng tu tập.
“Chùa đứng hiền lành tự thuở xưa
Tình dân gởi ấm đã bao đời
Tổ tiên bồi đắp bao năm tháng
Nối tiếp không ngừng lớp tuổi thơ.”

v4_18

Từ khi thành lập đến nay, gần 200 năm hiện hữu, chùa Bửu Toàn đã trải qua sáu đời trụ trì. Tuy nhiên vì chùa nằm trong vùng căn cứ kháng chiến nên qua hai thời kỳ chiến tranh chùa đã bị hư hại rất nhiều. Trong chùa hiện còn có một số Long vị của chư Tổ tiền bối được truyền thừa theo dòng Lâm Tế Chánh tông như sau:
1. Bửu Toàn đường thượng, Khai sơn tạo tự, Lâm Tế Chánh tông đời thứ 39 húy Tâm Nhựt thượng Mật hạ Hạnh. Viên tịch ngày 15/07/1911.
2. Bửu Toàn đường thượng, Lâm Tế Chánh tông đời thứ 40 húy Phạm Văn Sự.
3. Bửu Toàn đường thượng, Lâm Tế Chánh tông đời thứ 41 húy Nhựt Hương thượng Hoằng hạ Minh. Xuất thế năm 1897, viên tịch năm 1942.
4. Bửu Toàn đường thượng, Lâm Tế Chánh tông đời thứ 43 húy Hồng Hiền, thượng Huệ hạ Thiện.
5. Bửu Toàn đường thượng, Lâm Tế Chánh tông đời thứ 44 húy Nhựt Xuân, thượng Thiện hạ Minh. Xuất thế năm 1910, viên tịch 2004.
Ngoài ra theo các lời kể của quý Ni trưởng tiền bối, trong giai đoạn từ năm 1943 – 1950 Ni trưởng Thích Nữ Liễu Tánh húy Nhựt Trinh cũng đã được Hòa thượng Ngô Pháp Tạng (lúc này Hòa thượng đang trụ trì chùa Phước Trường, xã Mỹ Tịnh An và đến trùng tu, trông coi chùa Bửu Toàn) điều về trụ trì chùa Bửu Toàn. Nhưng sau đó Ni trưởng đã về lại chùa Phật Bửu Ni ở Cai Lậy để tu tập và điều hành Phật sự của Ni giới.
Từ năm 1950 đến năm 1975 do binh lửa chiến tranh, quê hương loạn lạc, chùa Bửu Toàn bị rơi vào cảnh đổ nát. Các chiến sĩ cách mạng đã mượn tạm nơi đây làm chổ ẩn cư, chuông mõ pháp khí trong chùa bị thất lạc nhiều nơi không còn đầy đủ nữa.
“Đất mẹ đau lòng chon máu xương,
Quê cha ân hận cảnh đau thương.
Chùa xưa mái ngói tung tan vỡ,
Đêm lạnh Phật đài vắng khói hương.”

v13_18

Ngày 13 tháng 02 năm 2007 nhận lời kiền thỉnh của Phật tử bổn tự và sự cho phép của Giáo hội cũng như sự đồng thuận của các cấp chính quyền, Đại đức Thích Thiện Trí đã nhận lời về trụ trì chùa Bửu Toàn để hướng dẫn Phật tử địa phương tu tập cho đến ngày nay.
Với tinh thần trùng hưng Tam bảo báo Phật ân đức và làm nơi cho thiện tín Phật tử gần xa nương về tu học Phật pháp, ngày 13 tháng 02 năm 2009, hội đủ duyên lành, Đại đức Trụ trì đã cho khởi công trùng tu lại ngôi Chánh điện đang trên đà xuống cấp trầm trọng. Nhờ hồng ân Tam bảo gia hộ cũng như sự nhiệt tâm hộ trì của chư Phật tử thiện nam tín nữ gần xa nên công việc Phật sự này được hoàn thành trong vòng 18 tháng. Ngày 13 tháng 02 năm Tân Mão lễ Lạc thành chùa Bửu Toàn đã được Đại đức Thiện Trí cử hành rất long trọng và trang nghiêm. Ngôi chùa xiêu vẹo ngày xưa này trở thành ngôi tòng lâm phạm vũ huy hoàng xinh đẹp.

v16_15

Ngôi Chánh điện được xây dựng bằng chất liệu bê tông cốt sắt, mái đúc và dán ngói mũi hài. Các đầu đao trang trí hoa văn sen lá; trên giửa nóc gắn rồng chầu chữ “Phật”. Bên trong Chánh điện thờ Tôn tượng Phật Thích Ca; khoảng tường trên cao được trang trí các bức phù điêu “Đai Bi xuất tượng”.

Song song với thời gian xây Chánh điện, Đại đức Thích Thiện Trí cũng đã tiến hành xây nhà Tổ, thờ di ảnh và long vị chư Hòa thượng tiền bối. Sau đó tiếp tục tôn tạo đại tượng Phật Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm, tôn tạo lại toàn bộ khuôn viên chùa và các công trình phụ khác để phục vụ cho việc sinh hoạt, tu học của chư Tăng và Phật tử.
Đại đức Thích Thiện Trí còn mở đạo tràng cho Phật tử tu tập; thỉnh giảng sư về giảng dạy giáo lý để Phật tử hiểu biết sâu sắc hơn về lời dạy của Đức Phật, ngõ hầu mang lại an lạc trong đời sống thường nhật.
Bênh cạnh đó, Đại đức Trụ trì còn tích cực tham gia các công tác của Giáo hội và xã hội. Với cương vị là Trưởng ban Từ thiện Xã hội Phật giáo huyện Chợ Gạo, Đại đức đã vận động Phật tử cùng tham gia vào tổ “Bát Cháo Tình Thương” do Ban Trị sự Phật giáo huyện Chợ Gạo thành lập; mỗi ngày nấu cơm, cháo tặng miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khóa huyện Chợ Gạo.

trung-thu-bt-5

Đại đức Thích Thiện Trí còn thường xuyên tổ chức tặng quà cho người nghèo tại địa phương; cứu trợ đồng bào miền Trung, miền Bắc, … mổi khi gặp thiên tai, bão lụt. Tổ chức vui Tết Trung Thu cho trẻ em; tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, xây nhà tình thương, … góp phần làm tốt đạo đẹp đời đúng với tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác”.
Khi đến tham dự lễ Khánh thành chùa Bửu Toàn, ông Nguyễn Thành Đặng – nguyên Trưởng phòng Nội vụ huyện Chợ Gạo có làm bài thơ tặng cho Đại đức Thích Thiện Trí như sau:
“Bửu Toàn ngói đỏ dáng siêu phong,
Thiện Trí phục xây đẹp giữa đồng.
Cổ tích Tháp phơi cùng tuế nguyệt,
Chùa xưa vang vọng với trăng trong.
Hiền tại dựng lại tròn nhân đức,
Tu sĩ tạc xây vẹn tấm lòng,
Chánh điện hoàn thành thờ Phật pháp,
Sa môn huệ mạng ý tâm thông”.

Một số ảnh tư liệu:

v11_18v26_9v3_22v1_20v1_24v12_17v7_19v17_11v19_13v21_10v20_9v23_9v24_8v25_10v5_20v22_10v15_15v10_20v8_18v9_19v2_23v3_27v5_24

Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang


Người viết : admin