H.Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Phước Trường

Thứ sáu, 11/12/2020, 15:49 GMT+7
H.Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Phước Trường

H.Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Phước Trường

LỊCH SỬ CHÙA PHƯỚC TRƯỜNG

v29

Chùa Phước Trường hiện tọa lạc ấp Mỹ Khương, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
Xưa kia chùa còn có tên gọi là chùa Cây Me, vì tương truyền nơi sân chùa có gốc me to, là nơi trú mưa tránh nắng của các mục đồng. Ban đầu, người dân địa phương đã lập cái miếu nơi đây để lạy tạ ơn trời Phật cho vùng quê được mùa, nhân dân ấm no hạnh phúc và lâu dần được mở rộng ra thành ngôi chùa nhỏ.
Năm 1832 tức năm Nhâm Thìn có một trận mưa to, lũ lụt, sấm sét vang trời, tất cả cây cối nhà cửa hầu như không trụ nổi, nhưng cây me và ngôi chùa nhỏ vẫn vững chải trong cơn giông tố, nhân duyên ấy dân làng đặt tên là chùa Cây Me.
Năm 1894 tức (năm Giáp Ngọ) đồng bào địa phương kiến thiết thành ngôi chùa hoàn thiện gồm có Chánh điện, nhà Tổ, đông lang, tây lang, nhà bếp,... rước Đại sư Yết ma Tâm Nhật về trụ trì. Bấy giờ tuy là ngôi Tam bảo hình thành nhưng vẫn còn là am tranh vách lá.
Cho đến năm Đinh Dậu (1897), Đại sư Tâm Nhật trùng tu ngôi Chánh điện bằng gỗ, mái lợp ngói. Đại sư còn hướng dẫn đồng bào Phật tử phát tâm đúc đại hồng chung với tâm nguyện cầu cho tiếng chuông sẽ làm âm siêu, dương thới, làng xóm bình yên; việc này có 52 Phật tử hưởng ứng với số bạc 200 đồng (hiện nay chùa vẫn còn lưu giữ gần đủ 52 bài vị được khắc chữ hán trên gỗ mít). Số tiền ấy Đại sư Tâm Nhật đã thỉnh Thượng tọa Bửu Thanh (Trụ trì chùa Đức Lâm, Mỹ Tho) và Hòa thượng Như Ý (chùa Hội Tôn, Bến Tre) cùng với hai tài công là Nguyễn Văn Thông và Nguyễn Văn Dực mướn ghe bầu ra Hà Nội đúc đại hồng chung. Đây là di vật quý báu của Chùa, tiếc rằng sau năm 1975 đã bị thất lạc.
Năm 1919 do Chùa xuống cấp nên quý ông Hương chủ Trần Văn Đức, Đốc chủ Trần Văn Vạng, Hội đồng địa hạc Trần Văn Sơn cùng với Yết ma Đại sư Nguyễn Văn Tiền vận động đồng bào địa phương trùng tu, kiến tạo thành ngôi Đại tự; tên “Phước Trường cổ tự” có từ đây, vì vậy Yết ma Đại sư Nguyễn Văn Tiền thường được bổn đạo tôn là Hòa thượng Tổ Sư.

v15_1

Sau khi Yết ma Đại sư Nguyễn Văn Tiền viên tịch, bổn đạo đã cung thỉnh Hòa thượng Pháp Tạng về trụ trì chùa Phước Trường.
Hòa thượng Pháp Tạng húy Hồng Phát, sinh năm Tân Mão (1890) tại làng Mỹ Tịnh Hà, tổng Thạnh Ngươn, quận Chợ Gao, Mỹ Tho, trong một gia đình nho giáo. Thân sinh là cụ ông Ngô Chiếu Hồi pháp danh Hồng Đạt, làm một chức trong 12 ông hội tề ở Vĩnh Long; thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Keo - pháp danh Hồng Chơn. Cả gia đình đều Qui y với Tổ Quảng Giáo ở chùa Bửu Toàn, làng Song Thạnh, Tân An.
Năm vừa tròn 13 tuổi, Ngài xin xuất gia tại chùa Bửu Toàn với Tổ thượng Quảng hạ Giáo, được Tổ ban pháp danh là Hồng Phát.
Năm 17 tuổi, Tổ cho Ngài thọ Sa di; năm ấy chùa Linh Tuyền (Gò Công) mở lớp gia giáo Đức Tổ cho Ngài đến nhập chúng tu học được 8 năm. Năm 1914, Ngài ra Bà Rịa thọ Tỳ kheo và tu học 2 năm với Tổ Thiên Thai. Tại đây Ngài đã đắc pháp với Tổ và được Tổ ban danh là Pháp Tạng. Năm ấy, Ngài mới 24 tuổi.
Trong thời gian trụ trì ở chùa Phước trường, Hòa thượng Pháp Tạng còn đến chứng minh để tái thiết, trùng tu 4 ngôi chùa:
1. Chùa Phước Tường (Mỹ Tịnh An)
2. Chùa Bửu Thắng (Nhựt Tân)
3. Chùa Phước Long (Tịnh Hà)
4. Chùa Bửu Toàn (Song Thạnh)
Ngài còn mở Trường Hương tại chùa Phước Trường, mở trường dạy gia giáo tại chùa Bửu Thắng, làm Thiền chủ kiêm Pháp sư trường hương chùa Thiên Phước (Tân Hương, Long An). Hòa Thượng cũng đã chứng minh sáng lập các chùa Ni như:
1. Chùa Phật Bửu Ni (Cai Lậy)
2. Chùa Phổ Đức (Mỹ Tho)
3. Chùa Vạn Phước (Chợ Giữa)
4. Chùa Phật Đức (Rạch Miễu)
Sinh thời, Hòa thượng đã độ chư Tăng, Ni xuất gia theo học rất đông. Trải qua 54 năm giáo hóa nhiều nơi, cuối đời như kết duyên nơi đất Cai Lậy sông Tiền Ngài đã viên tịch tại Tổ đình Phật Bửu (Cai Lậy) vào lúc 24 giờ ngày 30 tháng 8 năm Mậu Thân (1968) sau 5 ngày lâm bệnh, trụ thế 78 năm, 54 hạ lạp.
Thời gian Trụ trì chùa Phước Trường, Hòa thượng đã cho kiến tạo ngôi Chùa gồm 4 nóc bao gồm: Chánh điện, nhà Tổ, Giảng đường, Tây Lang, Đông Lang... xây dựng trên một khu đất rộng 3.000m2. Cột Chùa làm bằng cây căm xe, lợp ngói âm dương rất đồ sộ, nguy nga.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Phước Trường được biến thành trụ sở hoạt động cách mạng, nhưng lại không bị hư hại bao nhiêu. Đến năm Mậu Thân (1968) chiến tranh tàn phá ngôi Chùa mới bị hư nhiều.
Năm 1972, Chùa được trùng tu lại. Tuy không bằng như xưa, nhưng nét cổ kính của Chùa vẫn còn được lưu giữ. Đến tháng 10 năm 1973 (năm Quý Sửu), vùng Cựa Gà mất an ninh và Chùa cũng bị tàn phá 100%.
Bấy giờ chính quyền và Phật tử cùng nhân dân địa phương hưởng ứng theo lời kêu gọi của Đại đức Thích Minh Phước rước kim thân Phật Tổ và đại hồng chung về thờ ở chùa mới (địa điểm cách chùa cũ khoản 5km). Lễ an vị đức Phật Tổ được cử hành trọng thể vào ngày Rằm tháng 7 năm Quý Sửu, có hàng ngàn Phật tử đến dự.
Nói về ngôi chùa Phước Trường mới: Năm 1973 (Quý Sửu), Đại đức Thích Minh Phước vừa tròn 26 tuổi. Dù là một nhà sư trẻ, nhưng Thầy có đạo hạnh và uy tín rất lớn nên được Phật tử trong vùng rất tôn kính. Đại đức Thích Minh Phước đã thu nhận đệ tử xuất gia khá đông (gần 80 vị). Do có nhân lực, nên Đại đức Thích Minh Phước đã cho dời ngôi cổ tự Phước Trường từ Cựa Gà (lúc này bị hư hoại gần hết) về kiến tạo ngôi Tam Bảo mới tại địa điểm Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân hiện nay.
Địa điểm xây chùa Phước Trường mới lúc đó là một bãi sình do ông Châu Văn Kỉnh hiến cúng, Đại đức Thích Minh Phước cùng 79 tu sĩ thảo luận kế hoạch làm chùa. Quý Thầy cùng nhau đóng góp tài, lực và được sự hỗ trợ thêm tài chánh của Đại đức Thích Đắc Nhẫn - Tổng thư ký Tổng vụ Tăng sự. Tổng cộng được gần 2 triệu đồng. Tất cả đều đem mua vật liệu xây dựng. Ngày khởi công là 20 tháng 5 năm Quý Sửu (tức 20/06/1973). Sau 50 ngày, 80 thầy trò tích cực kiến thiết. Một ngôi Chánh điện mới đã hoàn thành, có nơi thờ Phật rất tôn nghiêm. Ngôi chánh điện mới này có thể chứa được 300 người đến tu học, hành lễ.
Thời gian này, chính quyền mà cụ thể là ông Xã trưởng tên là Châu Thành Ngọc rất ủng hộ chùa. Ông đã cấp giấy phép xây chùa còn ủng hộ phương tiện để thỉnh Phật, đem đại hồng chung từ chùa cũ ở Cựa Gà về chùa mới, thường xuyên cúng gạo cho tu sĩ ăn. Chính ông Châu Thành Ngọc đã cho phép đập cầu đúc Mỹ Trung (đã bị tàn phá trong kháng chiến) để lấy sắt kiến thiết Chùa. Ngôi chùa mới này sau ngày giải phóng được dùng làm Trường Tiểu học cho đến nay.

v24

Theo tư liệu cũ, chùa Phước Trường cũ có một tài sản khá lớn gồm: 10 mẫu ruộng và 02 mẫu vườn. Tất cả đều do Phật tử ở địa phương nhiều đời phụng cúng.
Phía trước sân chùa có dựng cột phướng to do bà Trần Thị Coi là mẹ của ông chủ Tư, chủ Sáu và Đốc phủ sứ Vạng phụng cúng năm Canh Ngọ (1930).
Theo bác Lê Văn Minh, 86 tuổi hiện còn minh mẫn và sống ở ấp Mỹ Thọ, xã Mỹ Tịnh An cho biết: Nơi cổng chánh của Chùa trước đây có 4 câu kệ bằng chữ Hán như sau: 
“Tân Dậu phục trường hương
Bữu giám huyền kim khuyết
Đinh Mẹo khai hương hậu
Đồng đăng Bát nhã thuyền.”

v22


Sau khi đất nước được độc lập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng vừa được hình thành, nên chùa chiền còn bị bỏ trống, hoang phế rất nhiều. Ngày 25/3/1989 Đại đức Thích Thiện An (nay là Thượng tọa) Trụ trì chùa Phước Long (xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) được biết nơi đây có ngôi Chùa cổ nên quyết lòng tìm đến. Thấy cảnh hoang vu, ngôi chùa Tổ ngày nào giờ chỉ còn mái tranh rêu phong, u tịch, mé sông trước sân Chùa đất bị bom đạn cài thành núi, rắn rết nhiều vô số kể, cây cỏ như rừng khiến nhiều người không dám tới lui; dưới mương vẫn còn những quả bom đầu đạn rất nhiều. Trước cảnh tượng đó, Thượng tọa Thích Thiện An quyết tâm trùng hưng ngôi Tam bảo nơi đây.
Thượng tọa cùng chính quyền địa phương và bá tánh bổn đạo từng bước trùng tu lại ngôi Tam bảo như: xây dựng lại ngôi Chánh điện theo kiến trúc Tứ trụ bán kiên cố, mái lợp ngói âm dương, vách tường, nền lát gạch tàu. Ngài cùng nhân dân rước tượng Phật Tổ từ chùa mới (Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân) về chùa Phước Trường để thờ. Từ đó ngôi Phước Trường cổ tự được tái sinh và hoạt động tín ngưỡng tôn giáo theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, làm nơi tu học Phật pháp, quy ngưỡng tâm linh cho bà con Phật tử tại địa phương.
Bấy giờ Phật tử TP.Mỹ Tho đã rước tượng Bồ tát Quán Âm từ chùa Kim Liên (Phường 8) về chùa Phước Trường. Tượng được tôn trí gần ao sen trước chùa. Sau này, trong quá trình trùng tu Sư cô Trụ trì cho quay mặt Chánh điện từ mặt sông ra hướng đường lộ nên đã tôn trí tượng Bồ tát sang góc phải sân chùa như hiện nay.

v21_1

Ngày 19/9/1989 Thượng tọa Thích Thiện An đã đề cử Sư cô Thích Nữ Diệu Trang về nhận trách nhiệm quản tự chùa Phước Trường, hướng dẫn Phật tử đạo tràng tu học; sửa sang vườn tược, trồng trọt cây ăn trái để có thu nhập cho nhà chùa.
Năm 1993 Sư cô Diệu Trang về chùa Thiên Phước (xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho) cầu pháp tu học với Ni sư Thích Nữ Như Thiệt. Thượng tọa Thích Thiện An tiếp tục đề cử Sư cô Huệ Kiên, thế danh Lê Thị Thanh Hương, xuất gia tu học với Thượng tọa năm 1991, về chăm lo ngôi Tam bảo chùa Phước Trường cho đến ngày 19/03/2004 Sư cô Huệ Kiên viên tịch. 
Ngày 29/09/2004, Sư cô Diệu Trang trở về phụ trách quản tự và tiếp tục chăm lo ngôi Tam bảo chùa Phước Trường, từng bước tu sửa ngôi Chùa khang trang hơn. 
Năm 2005, Sư cô Diệu Trang nhận thấy bổn tự cần có tiếng chuông sớm chiều nên đã đến thỉnh Ni sư Trụ trì chùa Trung Nghĩa (quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh) cùng nam nữ Phật tử ra Huế đúc Đại hồng chung và trống bát nhã; việc làm được sự chứng minh của Hòa thượng Giác Quang (Huế) nên hai pháp khí này được đưa về chùa trong niềm hoan hỷ vô biên của tứ chúng.
Ngày 15 tháng 11 năm 2006, Sư cô được Ban Đại diện (nay là BTS) Phật giáo huyện Chợ Gạo bổ nhiệm Trụ trì và hướng dẫn đồ chúng tu tập. Cũng trong năm này, nhận thấy ngôi Chánh điện bị xuống cấp, dột nát nhiều nơi, Sư cô Diệu Trang vận động Phật tử cùng thay mái ngói thành mái tôn để có nơi thờ cúng, tu học trang nghiêm hơn.
Năm 2009, do có bệnh duyên, Sư cô Thích Nữ Diệu Trang nhận thấy sức khỏe không còn đủ để điều hành công tác Phật sự tại bổn tự, nên đã đến chùa Trung Nghĩa xin Ni sư Thích Nữ Tịnh Ân cho Sư cô Thích Nữ Diệu Lộc về phụ giúp công việc và chăm sóc sức khỏe cho Sư cô. 
Năm 2011, được sự chấp thuận của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang và các cấp chính quyền, sự tin tưởng đồng bào Phật tử địa phương, Sư cô Thích Nữ Diệu Lộc đảm nhiệm Trụ trì chùa Phước Trường thay cho Sư cô Thích Nữ Diệu Trang lên làm Viên chủ, hướng dẫn Sư cô Diệu Lộc trong quá trình thực hành Phật sự còn non trẻ.

v27

Năm 2016 nhân duyên hội tụ, dưới sự cố vấn trực tiếp của Sư cô Thích Nữ Diệu Trang, Sư cô Diệu Lộc đã phát nguyện đại trùng tu chùa Phước Trường, lễ đặt đá khởi công trùng tu được tổ chức vào ngày 19/2/2016.
Dưới sự chứng minh của mười phương chư Phật, chư Tổ, chư Tôn thiền đức Tăng Ni nhị bộ; sự giúp đỡ của các cấp chính quyền và sự phát tâm hỷ cúng của quý mạnh thường quân cùng chư nam nữ Phật tử gần xa nên công trình đại trùng tu được hoàn thành châu viên gồm: ngôi Chánh điện, nhà Tổ, Tăng xá, Trai đường, nhà bếp, cổng chùa, Tháp tổ, Quan Âm các; lễ Khánh thành được tổ chức trọng thể vào ngày 4/4/2018. Tuy nhiên hiện vẫn còn vài công trình phụ chưa hoàn thiện.
Như vậy, hơn 200 năm hình thành và phát triển, trải qua nhiều biến đổi thăng trầm của lịch sử, bao công sức của chư Tăng Ni, sự phát tâm thù thắng của quý Phật tử xa gần; ngôi chùa Phước Trường giờ đây khang trang bên dòng sông nhỏ hiền hòa xanh mát.
Ngoài việc mở khóa tu Niệm Phật vào ngày mùng 1 âm lịch hàng tháng, Sư cô Trụ trì còn thường xuyên hướng dẫn Phật tử tham gia các phong trào an sinh xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Một số ảnh tư liệu:

v26v25v23v20_1v1_1v2_1v3v6_1v18_1v7_1v16_1v8v10_1v11v12_1v13_1v14_1v17_1v19_1v28

Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang


Người viết : admin