TX.Cai Lậy: Khóa tu dành cho người khiếm thị tại chùa Phật Bửu

Thứ bảy, 20/05/2023, 08:36 GMT+7
TX.Cai Lậy: Khóa tu dành cho người khiếm thị tại chùa Phật Bửu

TX.Cai Lậy: Khóa tu dành cho người khiếm thị tại chùa Phật Bửu

PGTG - Sáng ngày 18/5/2023 (nhằm 29/3 năm Quý Mão), chùa Phật Bửu tọa lạc khu phố 2, phường 1, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang đã tổ chức khóa tu “Một ngày An lạc” và tặng quà cho người khiếm thị.

Khóa tu một ngày an lạc dành cho người khiếm thị được chùa Phật Bửu tổ chức mỗi tháng một lần. Theo chương trình khóa tu quy định: 7 giờ sáng, toàn thể đạo tràng người khiếm thị tập trung, khai khóa tu học; 7 giờ 30 sinh hoạt giáo lý; 8 giờ 30 đến 10 giờ đại chúng niệm Phật kinh hành dưới sự hướng dẫn của Ni sư Thích Như Trang – Trụ trì và Ni chúng chùa Phật Bửu.

Tại khóa tu hướng về Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 lần này, SC.Thích Thiên Thanh – Ni chúng chùa Phật Bửu giảng về lịch sử Đức Phật, từ Đản sinh đến Thành đạo cho gần 100 bà con khiếm thị cùng thính pháp.

 Đức Phật không chỉ là một nhân vật lịch sử được cả thế giới biết đến, mà còn là một bậc Giác ngộ vĩ đại, một vị Thánh nhân trong tâm tưởng của mọi người. Đức Phật lúc nhỏ là Thái tử Tất Đạt Đa, sinh ra tại vườn Lâm Tì Ni vào ngày trăng tròn tháng Vesak, năm 624 trước Tây lịch. Quê hương Đức Phật là một vùng đất với các cánh đồng có những cây Sa la (Sàla) sừng sững. Phía Bắc là dãy núi Hy Mã Lạp Sơn (Hymalayas)  với đỉnh núi quanh năm tuyết phủ. Phụ vương Ngài là một quốc vương cai trị vùng đất này, thủ phủ là thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) gần biên giới Nepal và Ấn Độ ngày nay.
Xuất thân là một vị thái tử, nhưng không bị những xa hoa vật chất nơi cung vàng điện ngọc lôi cuốn, Thái tử Tất Đạt Đa sớm tỉnh ngộ trước cảnh sinh, lão, bệnh, tử triền miên của kiếp người. Vào năm 29 tuổi, một đêm kia, thái tử cùng với người đánh xe Xa Nặc lìa bỏ kinh thành, quyết tâm lên đường tìm Chân lý. Trải qua sáu năm sống trong cảnh thiếu thốn, kham khổ, hành trì nhiều phương pháp tu với nhiều bậc thầy, nhưng Ngài đều không thỏa mãn với mục đích. Cuối cùng, Ngài nhận ra rằng tất cả các bậc thầy đó đều chưa thoát ra khỏi vòng “Vô minh”. Từ nhận định đó, Ngài không còn trông cậy vào một bậc thầy từ bên ngoài, ngưng tìm kiếm, mà một mình một bóng, tự quay vào soi roi nội tâm. Sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ đề, vào lúc rạng đông, khi sao Mai lóe sáng trên bầu trời, Ngài bừng tỉnh, giác ngộ được Chân lý, trở thành Bậc Đại Giác Ngộ, thành Phật. Những lời dạy của Đức Phật nhằm chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc trong cuộc sống, tìm được an lạc, bình yên trong chánh pháp. Suốt quãng đường dài hơn 2.500 năm của Phật giáo, Ðức Phật mãi là nhà truyền giáo đầu tiên và vĩ đại nhất đã từng sống trên thế gian này. Những tư tưởng từ bi bình đẳng của Ngài đã tuôn chảy như những dòng suối ngọt ngào lan tỏa đi khắp nơi, khắp chốn, mang hòa bình an lạc đến với chúng sinh.

Ni sư Trụ trì cho biết, khóa tu vẫn duy trì nhằm giúp cho người khiếm thị cố gắng sống an lạc, vượt qua chướng ngại bản thân, mọi tâm lý tự ti mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng. Đồng thời gieo hạt giống Phật pháp cho đời này và tương lai, luôn luôn hướng thiện để sống có ích cho bản thân và những người xung quanh.
Kết thúc khoá tu, chùa Phật Bửu đã trao quà đến đạo tràng người khiếm thị gồm : 10 kg gạo, 2 vĩ thuốc cảm và 100 ngàn đồng tiền mặt. Cầu chúc toàn thể đạo tràng những người khiếm thị lạc quan, vượt qua khó khăn và an lành trong cuộc sống.


Huệ Liên


Người viết : admin