TX.Cai Lậy: Ra mắt mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” tại chùa Long Phước, xã Long Khánh

Thứ năm, 06/07/2023, 08:33 GMT+7
TX.Cai Lậy: Ra mắt mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” tại chùa Long Phước, xã Long Khánh

TX.Cai Lậy: Ra mắt mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” tại chùa Long Phước, xã Long Khánh

PGTG - Ngày 30/6/2023 (nhằm 13/5 năm Quý Mão) vừa qua, tại chùa Long Phước (ấp Phú Hưng, xã Long Khánh, TX.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã diễn ra Lễ ra mắt mô hình điểm “Phân loại rác thải tại nguồn” do Ban Thường trực UB MTTQVN, Phòng Tài nguyên – Môi trường và Ban Trị sự Phật giáo thị xã Cai Lậy phối hợp thực hiện.

Tham dự buổi lễ có: ĐĐ.Thích Đức Quang – UV BTS GHPGVN tỉnh, Trưởng ban Trị sự Phật giáo thị xã Cai Lậy; ĐĐ.Thích Minh Tài – Trụ trì chùa Long Phước, xã Long Khánh.
Về phía lãnh đạo chính quyền các cấp có: ông Đặng Văn Khảo – UV Thường vụ Thị ủy, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch UB MTTQVN thị xã Cai Lậy; ông Lê Văn Miền - Thị ủy viên, Phó Chủ tịch UB MTTQVN thị xã; ông Nguyễn Tấn Lợi - Thị ủy viên, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường thị xã; đại diện lãnh đạo UBND, UB MTTQVN 16 xã, phường cùng với sự hiện diện của 71 hộ dân khu dân cư ấp Phú Hưng.

Căn cứ Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-MTTQ-PTNMT-BTSGHPG ngày 15/03/2023 giữa UB MTTQVN, phòng Tài nguyên - Môi trường, Ban Trị sự Phật giáo thị xã phối hợp thực hiện mô hình điểm bảo vệ môi trường trong Ban Trị sự Phật giáo thị xã năm 2023. 
Lễ ra mắt mô hình điểm bảo vệ môi trường “Phân loại rác thải tại nguồn” năm 2023 tại chùa Long Phước (xã Long Khánh) nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, từng bước hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn. Đồng thời tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hộ gia đình Phật tử và nhân dân trong khu dân cư thực hiện tốt việc phân loại và xử lý rác tại nguồn đảm bảo yêu cầu và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. 


Tại buổi lễ, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các hộ dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. Đồng thời, đại diện các lãnh đạo chính quyền thị xã đã trao các thùng rác phân loại cho 71 hộ dân. Mỗi hộ được tặng 03 thùng rác với 03 màu khác nhau (trắng – xanh lá cây – cam tương ứng với thùng đựng chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế - chất thải hữu cơ – chất thải rắn sinh hoạt khác).
Chùa Long Phước hiện có bố trí 2 thùng rác chứa chất thải hữu cơ; chất thải rắn sinh hoạt khác và 01 nhà thu gom rác thải nhựa. Tại buổi lễ, ông Đặng Văn Khảo đã trao Quyết định thành lập mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” cho chùa Long Phước.

Theo nguồn tài liệu về Tài nguyên - Môi trường, việc phân loại rác thải từ hộ gia đình (tại nguồn) góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý, đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra. Đây còn là ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường.
Theo điều 75 Luật bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
• Chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng: Giấy các loại, Nhựa các loại, Kim loại các loại như chai, hộp nhựa, lon nước giải khát, hộp, bao bì giấy, báo, vỏ hộp sữa, túi ni lông sạch,... 
- Giấy: Tạp chí, báo, giấy, sách vở cũ; thùng, bìa carton, hộp giấy carton (xếp gọn để giảm thể tích); Túi, đĩa, ly giấy (sạch, không dính dầu, thức ăn), bì thư, hoá đơn, giấy vụn khác.
- Nhựa: Đồ dựng bằng nhựa (Chai, bình, ống, can, thùng, hộp, khay đựng…) sử dụng hết, làm sạch, để ráo. Các vật dụng bằng nhựa khác (có ký hiệu PET, HDPEP, LDPE, PP, …).
- Kim loại: Vỏ lon nhôm, sắt (sử dụng hết, làm sạch, để ráo). Các vật dụng bằng kim loại khác (nồi, chảo, ấm, đinh, vít, sắt, thép vụn...).
• Chất thải thực phẩm từ sinh hoạt trong gia đình, nấu ăn: rau củ quả thải bỏ, đồ ăn dư thừa, hư hỏng, bã trà, bã cà phê … từ nhà bếp (hãy vắt kiệt nước để giảm khối lượng, mùi hôi và côn trùng phát sinh) và các loại cây, cỏ, hoa lá, xác động vật nhỏ từ sân vườn, các loại khác,…. 
- Không thải bỏ chung với rác sinh hoạt.
- Rác có kích thước lớn (Xà bần, gỗ, tủ, bàn,…) Hộ gia đình, chủ nguồn thải vui lòng tự liên hệ, thỏa thuận với đơn vị thu gom, vận chuyển có chức năng để chuyển giao, vận chuyển.
 • Nhóm chất thải rắn còn lại: Bao gồm tất cả các loại chất thải rắn sinh hoạt không có chứa yếu tố độc hại và không thuộc nhóm chất thải tái chế hoặc chất thải thực phẩm.

Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn làm: Giảm lượng rác thải ra môi trường - tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; Giảm lượng rác chôn lấp - tiết kiệm tài nguyên đất; giảm ô nhiễm môi trường; Tăng lượng rác tái chế, tái sử dụng - tận dụng, tiết kiệm tài nguyên; mang lợi ích kinh tế cho gia đình; gây quỹ cho hoạt động cộng đồng; Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với xã hội.
Việc nâng cao ý thức hệ phân loại rác không ngoài mục tiêu xây dựng và phát triển một nếp sống xanh, sống văn minh và bền vững.

Tin: Huệ Liên; ảnh: Nhuận Thành
 


Người viết : admin