Tiền Giang: Đại lão Hòa thượng Thích Minh Thông quang lâm bồi dưỡng Luật học cho Ni giới toàn tỉnh tại Hạ trường Thiên Phước

Thứ bảy, 10/06/2023, 15:20 GMT+7
Tiền Giang: Đại lão Hòa thượng Thích Minh Thông quang lâm bồi dưỡng Luật học cho Ni giới toàn tỉnh tại Hạ trường Thiên Phước

Tiền Giang: Đại lão Hòa thượng Thích Minh Thông quang lâm bồi dưỡng Luật học cho Ni giới toàn tỉnh tại Hạ trường Thiên Phước

PGTG – Sáng ngày 10/6/2023 (nhằm ngày 23/4 năm Quý Mão), nhận lời kiền thỉnh của Phân ban Ni giới (PBNG) tỉnh Tiền Giang, Đại lão Hòa thượng Thích Minh Thông – Ủy viên ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Cố vấn Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN đã quang lâm Hạ trường chùa Thiên Phước (ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho) giảng dạy về nghi thức Truyền giới và các pháp Yết ma cho chư Ni trong tỉnh.

Nhằm để bồi dưỡng Luật học chuyên đề về các pháp Yết-ma, cách thức Truyền giới cho chư Ni trong tỉnh. Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nghiêm – Phó PBNG Trung ương, Trưởng PBNG tỉnh Tiền Giang cung với chư Tôn đức Ni trong PBNG tỉnh đã trở về chùa Huệ Nghiêm đảnh lễ cung thỉnh Đại lão Hòa Thượng Thích Minh Thông quang lâm về Hạ trường chùa Thiên Phước bồi dưỡng kiến thức Luật học cho hơn 300 chư Ni hành giả An cư và chư Ni các tự viện trong toàn tỉnh. Thời gian khóa học trong vòng 01 ngày.

Trước khi bắt đầu buổi thuyết giảng, quý Ni trưởng đại diện PBNG tỉnh Tiền Giang cung đối trước Hòa thượng Tuyên Luật sư tác bạch, với tâm thành kính thượng tôn Giới luật Phật chế, ngưỡng cầu Hòa thượng ban bố Pháp nhũ để nuôi lớn Giới thân huệ mạng cho Ni giới tỉnh nhà, hầu nối thạnh mạng mạch Phật pháp.

Tại buổi thuyết giảng sáng nay, Đại lão Hòa thượng Thích Minh Thông tán thán tinh thần nghiêm trì Giới luật của Ni giới tỉnh Tiền Giang qua việc cấm túc An cư theo đúng tinh thần Phật dạy. Hơn thế nữa, trong tinh thần “Tỳ ni tạng trụ Phật pháp cữu trụ; Tỳ ni tạng diệt Phật pháp diệc diệt” quý Ni trưởng tỉnh nhà đã mở lớp bồi dưỡng Luật học ngay những ngày đầu mùa An cư cho chư Ni, đây là việc làm rất đán khen ngợi.
Tại buổi thuyết giảng Hòa thượng chia sẻ 02 phần: Một là các pháp căn bản của việc giữ gìn giới luật Phật chế; hai là cách thức làm Yết ma đúng pháp khi Truyền giới và An cư.

Về các pháp căn bản của việc giữ gìn những giới điều mà đức Phật chế định, Hòa thượng nhấn mạnh đến ba nhân tố chính mà Đức Phật chế giới đó là: các pháp làm trở ngăn quả chứng của hành giả tu học Phật pháp; làm mất đoàn kết, hòa hợp của Tăng đoàn; và gây ra sự chê bai của người thế gian. Nếu một vị Tỳ kheo ni nắm vững được mục đích mà Đức Phật chế giới thì việc giữ giới sẽ rất dễ dàng trong mọi thời đại.
Nói về các pháp yết ma, Hòa thượng nhấn mạnh có 10 yếu tố quan trọng để thành tựu yết-ma truyền giới: Tự nhiên đắc giới, Kiến đế đắc giới, Thiện lai Tỳ kheo, Do xác nhận Đức Phật là Đại sư, Do khéo trả lời, Do thọ Bát kỉnh pháp, Do gửi đại diện, Năm người trì luật, Mười người trì luật, Tam ngữ đắc giới.
Ngày nay chỉ có Năm người trì luật và Mười người trì luật là đúng pháp, gọi chung là Bạch tứ Yết-ma; các trường hợp khác chỉ thời Đức Phật mới có. Nhưng yết-ma thành tựu cần hội đủ bốn yếu tố: Giới thành tựu, Sự thành tựu, Tăng thành tựu và Yết-ma thành tựu.

Hòa thượng quan tâm rất nhiều về việc Đắc giới của các giới tử, vì chỉ khi đắc vô tác giới thể thì vị giới tử mới chính thức là Tỳ kheo hoặc Tỳ kheo ni, mới có khả năng nhậm vận hành thiện và chỉ ác. 
Nhân duyên thành tựu việc thọ giới: Người thọ giới, cảnh thọ giới, phát tâm cầu giới, tâm cảnh tương ưng, sự thành tựu.
– Người thọ giới Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni: Chỉ có loài người, đầy đủ các căn, thân thanh tịnh, đầy đủ các tướng xuất gia, đã được một phần giới pháp.
– Cảnh thọ giới: Kết giới thành tựu, Tăng là tập thể Bỉnh pháp, Túc số đủ như pháp, Túc số đủ như pháp, Trong cương giới Tăng hòa hợp, Bạch tứ yết-ma như pháp, Tư cụ đầy đủ.
Hòa thượng giải thích về 13 già nạn của Giới tử và một số vấn đề bất cập khi Truyền giới của Giới sư. Đồng thời Ngài đưa ra những định hướng nhằm cải thiện những bất cập khi truyền giới; mô hình Đại Giới đàn truyền giới lý tưởng.
Về pháp An cư, Hòa thượng nhấn mạnh, Tỳ kheo ni phải nương vào đệ Ngũ Luật sư để cầu pháp An cư. Trong luật quy định chư Ni chỉ có đệ Tam Luật sư mà không có đệ Tứ và đệ Ngũ Luật sư, vì vậy khi tác pháp An cư phải y vào một vị Tăng có giới đức, trì luật mà nương vào An cư mới đúng pháp. Tuy vậy, cương giới của Tăng và Ni khi An cư phải riêng biệt, có khoản cách theo như luật Phật chế định.

Buổi chiều cùng ngày, theo sự chỉ định của Hòa thượng Tuyên Luật sư, Đại đức Thích Nguyên Hưng – trợ giảng tại Luật viện Huệ Nghiêm, truyền đạt với chư Ni về kiến thức tổng quan của “cương giới” và các pháp yết ma kết cương giới khi thực hành các Pháp sự trong Tăng đoàn.
Một số hình ảnh ghi nhận được:

Thích Trung Thượng


Người viết : admin