Tiền Giang: Phân ban Ni giới tưởng niệm Thánh tổ Ni Đại Ái Đạo và họp mặt đầu năm Quý Mão

Thứ hai, 06/03/2023, 13:16 GMT+7
Tiền Giang: Phân ban Ni giới tưởng niệm Thánh tổ Ni Đại Ái Đạo và họp mặt đầu năm Quý Mão

Tiền Giang: Phân ban Ni giới tưởng niệm Thánh tổ Ni Đại Ái Đạo và họp mặt đầu năm Quý Mão

PGTG – Theo thông lệ hàng năm, sáng nay, ngày 06/03/2023 (nhằm ngày 15 tháng 02 năm Quý Mão), tại Văn phòng Phân ban Ni giới (PBNG) tỉnh – chùa Tịnh Nghiêm (ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho) PBNG tỉnh Tiền Giang trang nghiêm tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và chư Ni tiền bối hữu công; đồng thời có buổi họp mặt đầu năm, triển khai một số Phật sự trọng tâm trong những tháng đầu năm Quý Mão.

Tham dự buổi họp mặt sáng nay có NT.Thích Nữ Minh Châu – Chứng minh PBNG tỉnh Tiền Giang; NT.Thích Nữ Tịnh Nghiêm – Phó trưởng BTS, Trưởng PBNG tỉnh; NT.Thích Nữ Huệ Năng – Phó trưởng BTS, Phó trưởng ban Thường trực PBNG tỉnh; quý Ni trưởng Phó PBNG: NT.Thích Nữ Tuyết Liên, NT.Thích Nữ Như Tường; quý Ni trưởng Ni sư trong PBNG tỉnh; chư Tôn đức Ni trụ trì các tự viện trong tỉnh Tiền Giang.

Phát biểu khai mạc buổi họp, NT.Thích Nữ Tịnh Nghiêm vô cùng hoan hỷ khi thấy quý chư Ni trở về tham dự họp mặt đầu năm rất đông. Ni trưởng cho biết tại phiên họp này, sau khi lắng nghe báo cáo tổng kết các hoạt động năm 2022, chư Tôn đức sẽ lấy ý kiến biểu quyết một số hoạt động Phật sự sắp tới như: Thống nhất mức đóng góp vào quỹ hoạt động của Phân ban; Đề cử đại biểu tham dự Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và chư Ni tiền bối hữu công Việt Nam tại tỉnh Bình Phước; Đề cử đại biểu tham dự lớp Luật học do PBNG Trung ương tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM); góp ý xây dựng kế hoạch tổ chức Lớp Luật học cho chư Ni trong tỉnh Tiền Giang, …

Theo báo cáo của Ban Thư ký Phân ban cho biết: Sau Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ X đến nay, PBNG đã cơ cấu xong thành phần nhân sự của nhiệm kỳ mới; đồng thời có nhiều hoạt động khởi sắc trên các lĩnh vực hoằng pháp, giáo dục, đặc biệt là ngành từ thiện xã hội với các công tác như: Bảo trợ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học; nuôi dạy trẻ Mầm non; tặng quà người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn; xây nhà Tình thương, nhà Khăn Quàng Đỏ; nấu cơm từ thiện cho các bệnh việc, trại xã hội, … tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng.
Chư Ni tỉnh nhà cũng vừa được nhận Giáo chỉ tấn phong Ni trưởng 17 vị, Ni sư 61 vị. Có 03 vị Ni vừa được bổ nhiệm trụ trì. Tốt nghiệp lớp Nâng cao nghiệp vụ trụ trì khóa I là 66 vị.

Sau khi thảo luận, chư Tôn đức Ni thống nhất đồng ý mở 02 lớp Luật học chuyên đề cho chư Ni trên toàn tỉnh (01 lớp dành cho chư Ni trẻ dưới 10 Hạ; 01 lớp dành cho chư Ni từ 10 Hạ trở lên). Thời gian dự kiến mở lớp Luật học vào hạ tuần tháng 2 (sau) âm lịch.

Chư Ni cũng thống nhất thông qua các vấn đề được thảo luận tại phiên họp trong tinh thần hoan hỷ. Sau đó trang nghiêm cung đối trước Tổ đường dâng hương, đảnh lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ai Đạo – Người khơi nguồn cho Nữ giới bước chân vào con đường tầm cầu học hạnh giải thoát theo giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Theo lịch sử Phật giáo ghi lại: Nữ Tôn giả Đại Ái Đạo hay Kiều Đàm Di là vị nữ đầu tiên xuất gia hành Thánh đạo. Ngài sinh trưởng tại Devadaha, nước Câu Ly - một nước nhỏ đối diện với Ca Tỳ La Vệ, con của vua Thiện Giác (Suddhodana). Sau khi hạ sanh thái tử Tất Đạt Đa, Hoàng hậu Ma Da viên tịch, Kiều Đàm Di trở thành Di Mẫu, trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng Thái tử Tất Đạt Đa khôn lớn.
Đến tuổi trưởng thành, Thái tử xuất gia và tu hành. Sau khi thành đạo, Đức Thế Tôn trở về hoằng hóa tại cố hương. Trong lần này, Di Mẫu được Thế Tôn giáo hóa. Sau khi nghe thuyết pháp, Kiều Đàm Di chứng đắc sơ quả Tu-đà-hoàn.
Năm năm sau, tại vườn Ni Câu Luật (Nigrodha), Di Mẫu đã xin phép Đức Phật được xuất gia làm Sa-môn. Ba lần thưa thỉnh, Đức Thế Tôn vẫn không chấp nhận. Sau đó, Thế Tôn cùng Tăng chúng rời Ca Tỳ La Vệ tiếp tục bộ hành đến Tỳ Xá Ly. Di Mẫu quyết tâm rời bỏ cung son điện ngọc, cùng năm trăm Thích nữ hoàng tộc, tự xuống tóc, quyết tâm theo chân Phật.
Thấu hiểu sự quyết tâm của Di Mẫu và 500 nữ nhân dòng họ Thích, sau ba lần thưa thỉnh chính đáng của ngài A Nan, Đức Thế Tôn đã chấp nhận cho người nữ xuất gia với điều kiện phải tuân thủ Bát Kỉnh pháp suốt đời.

Ngay sau khi thọ nhận Bát Kỉnh pháp, Đức Thế Tôn cho phép Tôn giả Đại Ái Đạo cùng 500 nữ nhân dòng họ Thích thọ Đại giới, trở thành những vị Tỳ-kheo-Ni đầu tiên trong giáo đoàn của Đức Phật. Cũng từ mùa hạ năm ấy, Ni đoàn được thành lập dưới sự lãnh đạo của Tôn giả Đại Ái Đạo, tuân theo sự lãnh đạo của Thế Tôn cùng với sự trợ duyên của chư Tăng.
Nhờ sự tổ chức khéo léo và trí tuệ của Đức Tổ Đại Ái Đạo mà Ni đoàn phát triển nhanh chóng và lớn mạnh. Kể từ đó, cánh cửa giải thoát đã mở rộng cho mọi thành phần, mọi giai cấp, giúp cho người phụ nữ vượt qua nhiều chướng ngại, tìm sự an tĩnh nội tâm.
Tôn giả Đại Ái Đạo luôn tinh tấn tu tập. Một lần, tại tinh xá Kỳ Viên (Jetavana), Thế Tôn xác nhận Đại Ái Đạo là nữ Tôn giả kinh nghiệm đệ nhất, sống hưởng thọ hạnh phúc giải thoát Niết-bàn, chứng đắc quả vị A-la-hán với trí tuệ trực giác và phân tích. Tôn giả Đại Ái Đạo thọ 120 tuổi đời, 40 tuổi đạo.

Một số hình ảnh ghi nhận được tại buổi lễ:

Ban TT-TT PBNG Tiền Giang


 


Người viết : admin