Tiền Giang: Thượng Tọa Thích Quang Thạnh Giảng Tại Khóa Bồi Dưỡng Trụ Trì 2018

Thứ ba, 24/07/2018, 21:03 GMT+7
Tiền Giang: Thượng Tọa Thích Quang Thạnh Giảng Tại Khóa Bồi Dưỡng Trụ Trì 2018

Tiền Giang: Thượng Tọa Thích Quang Thạnh Giảng Tại Khóa Bồi Dưỡng Trụ Trì 2018

 

Chiều nay, ngày 24/7/2018 (Nhằm ngày 12 tháng 6 năm Mậu Tuất), nhận lời mời của Ban Tổ Chức, Thượng tọa Thích Quang Thạnh - Ủy viên HĐTS, Phó văn phòng II Trung ương GHPGVN đã có buổi thuyết giảng cho hơn 500 chư Tăng ni trụ trì các tự viện trong tỉnh Tiền Giang, tại Giảng đường Huệ Đăng, chùa Vĩnh Tràng, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP, Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Với đề tài: Vai trò của Trụ trì trong đời sống hiện đại.

v4_24

Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập vào ngày 7/11/1981. Từ đó đến nay, Tự viện, Tăng ni phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt; Không những trong nước mà còn phát triển mạnh mẽ ở nước ngoài. Ngày nay hầu hết các nước trên thế giới đều biết đến Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, qua các kỳ tổ chức Đại lễ Vesak, Phật giáo Việt Nam đã ghi lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng những người yêu mến Phật giáo trên toàn thế giới.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển mạnh mẽ được như ngày nay là do sự đồng tình ủng hộ của tất cả Tăng ni, tự viện trên cả nước. Vai trò của vị trụ trì tại các tự viện là rất quan trọng, nó quyết định sự hưng thạnh hay suy vong của Phật giáo nơi đó và có ảnh hưởng rất lớn đến với Phật giáo đồ nói chung. Vì lẽ đó mà BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã long trọng mở khóa học này, với sự tham dự hơn 500 Tăng ni trụ trì và chuẩn bị trụ trì trong toàn tỉnh, đây quả thật là một niềm hoan hỷ lớn cho Giáo hội Phật giáo của chúng ta.
Khi nói đến “Vai trò” của vị trụ trì là nhấn mạnh đến nhiệm vụ, trách nhiệm của trụ trì trong ý nghĩa “Trụ pháp vương gia, trì như lai tạng”
Trụ Pháp Vương Gia: là an trụ trong chánh pháp để vận hành ngôi nhà Phật pháp, đó là phần Tự lợi; Trì Như Lai Tạng: là vận dụng chánh Pháp để làm lợi lạc cho mọi người, làm sống dậy lời dạy của đức Phật, đó là phần Lợi tha.

v6_21


- Về mặt Tự lợi: Vị trụ trì cần phải trang bị đầy đủ Giới hạnh và Trí tuệ. Việc An cư kiết hạ giúp cho chúng ta tăng trưởng thêm hai vấn đề quan yếu này. Tuy vậy, chúng ta không phải an cư theo giấy tờ, hay chỉ dừng lại ở các thời tụng niệm, công phu; Điều quan trọng là chúng ta phải làm sao nghiêm tầm, quán sát, nhìn thấy được những điều mới mẽ, thiết thực, những thâm nghĩa còn tìm ẩn trong kinh, luật, luận mà bấy lâu nay chúng ta chưa biết, năm hạ vừa rồi chúng ta chưa sở đắc được. Chúng ta phải làm sáng hơn nữa, rõ hơn nữa, chi tiết hơn nữa những lời dạy của Phật để áp dụng trong cuộc sống hiện tại và mang lại lợi ích thiết thực cho số đông, đó là trách nhiệm của chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta phải đem đức Phật từ huyền thoại về thực tại này, đó mới là việc tu tập chính yếu của trụ trì hiện tại.
Trong quá trình hành đạo, chúng ta không nên gây tư thù, đề cao mình rồi hạ thấp các tôn giáo, đảng phái hoặc cá nhân người nào khác. Đức Phật không cho phép hàng đệ tử của Ngài làm điều đó. Chư Tổ không dạy chúng ta điều đó.
Trụ Pháp Vương Gia là phải ở trong Chánh pháp, hiểu rõ Chánh pháp, sở hữu và vận dụng nhuần nhuyễn Chánh pháp của đức Phật.
- Với sự nghiệp lợi tha, người Trụ trì phải cần có sự phát tâm mạnh mẽ, phải biết hướng tâm của mình, nguyện của mình đến sự lợi ích của chúng sanh, của số đông đây là trách nhiệm Trì Như Lai Tạng. Khi tâm hạnh vị trụ trì đạt được rộng lớn như vậy thì mới có thể tiếp độ, giáo hóa chúng sanh một các bình đẳng.
Chúng ta phải lấy giới hạnh làm nền tảng để ứng xử, xem mình là tu sĩ, là hành giả để hành đạo, phụng sự đạo pháp, hóa độ chúng sanh. Nội lực của vị Trụ trì được thể hiện qua quá trình tu tập, tức là quay về kiểm soát tâm thức của mình. Vị tu sĩ thật sự có nội lực thì khi dấn thân vào đời sống, gặp bất cứ chướng duyên nào, nghịch cảnh gì chúng ta cũng dễ dàng vượt qua.
Thực tế chúng ta thấy: “Bần cư náo thị vô nhân vấn; Phú tại thâm sơn hữu khách tầm”. Vị trụ trì phải học cho thuộc, áp dụng cho được lý tưởng này.
Việc hành đạo, xây dựng tự viện là rất cần có tiền, nhưng không nên vì quá cần tiền mà đánh mất đi sự cao thượng, thuần khiết của người tu sĩ. Vị trụ trì phải thật có nội lực mới không bị sai phạm, lôi cuốn theo những vấn đề này.
Trong quá trình hành đạo, vị trụ trì phải biết chia sẻ, lắng nghe, bao dung với đồ chúng, từ đó mới có người nương theo tu tập và cảm thấy an lạc thật sự khi cộng trụ với mình. Chúng ta phải biết hy sinh lợi ích cá nhân để hướng đến lợi ích an lành cho số đông đại chúng. Phải làm sao cho hàng Đệ tử, Phật tử khi đến gần với mình cảm thấy an lạc, tự tại, thoải mái. Không những thế, người tu sĩ trụ trì còn phải làm sao cho mọi người dù không phải là Phật tử cũng cảm mến, tin yêu đạo Phật.
Tuy vậy, người trụ trì phải nghiêm minh, không được quá dễ dải, quá Từ bi khi tiếp Tăng độ chúng. Cho người xuất gia mà không có quá trình kiểm tra, không có thời gian hầu Thầy để trao dồi oai nghi, hạnh kiểm của người Tu sĩ thì chẳn khác gì chúng ta tiếp tay làm cho Phật pháp suy đồi; Ở đây người trụ trì đòi hỏi phải thông suốt Hiến chương Giáo hội và Nội quy Ban Tăng sự.
Mặt khác, vị trụ trì ít nhiều gì cũng phải làm công tác từ thiện xã hội, ở đâu có khổ thì có Phật giáo; Tuy nhiên chúng ta cũng đừng vì chỉ có cứu khổ mà không ban vui cho mọi người. Thời nay, vị trụ trì còn phải làm công việc chứng minh lễ hằng thuận; Qua đó chúng ta hướng Phật tử về với đạo Phật, hướng họ về thực hành con đường Phật Pháp. 
Trì Như Lai Tạng là phải làm cho Phật pháp mãi trường tồn, Chánh pháp mãi có giá trị thực tiễn và cần thiết tại cuộc đời này.
Xin chúc chư Tôn đức chu toàn nhiệm vụ và thành tựu hạnh nguyện của minh.
Sau đây xin giới thiệu một số hình ảnh tại buổi thuyết giảng:

v_9v5_21v2_24v9_19v8_19v10_14v11_13v12_14v13_14


Người viết : Ban TTTT Phật Giáo Tỉnh Tiền Giang