H.Cái Bè: Lịch Sử Chùa Pháp Lạc

Thứ năm, 18/01/2024, 19:38 GMT+7
H.Cái Bè: Lịch Sử Chùa Pháp Lạc

H.Cái Bè: Lịch Sử Chùa Pháp Lạc

LỊCH SỬ CHÙA PHÁP LẠC

Chùa Pháp Lạc tọa lạc tại địa chỉ ấp An Bình, xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Ni trưởng Thích Nữ Như Nhẫn trụ trì.
Ni trưởng Thích Nữ Như Nhẫn thế danh Lê Thị Nhiên là người quê gốc tại huyện Cái Bè, phát tâm xuất gia tu học với cố Ni trưởng Thích Nữ Như Ngộ tại chùa Phổ Đức (TP.Mỹ Tho). 
Sau thời gian tinh tấn theo Thầy Bổn sư cùng chư Tôn đức học tập Phật Pháp, đến năm 1986, được sự cho phép của cố Ni trưởng Thích Nữ Như Ngộ; Ni trưởng Thích Nữ Như Nhẫn cùng Ni trưởng Thích Nữ Như Ân đã về lại quê nhà tại xã An Cư, mua phần đất 1000m2 cất lên tịnh thất để làm nơi an tịnh tu tập và lấy hiệu là Tịnh thất Pháp Lạc.

Ngôi tịnh thất ban đầu được cất lên rất khiêm tốn, chỉ là ngôi nhà cấp bốn đơn sơ, hai Ni trưởng ở đây sớm hôm kinh kệ, hồi chuông tiếng mõ vang xa, làm xoa dịu bao nổi ưu phiền của người dân bổn xứ. Với bẩm tính hiền từ, hòa nhã, nên hàng Phật tử tại gia đã nghe danh rồi phát tâm đến đây cùng tu học với hai Ni trưởng rất đông. Do nhu cầu cấp thiết nên dần dần ngôi tịnh thất được tu bổ khang trang hơn vào các năm 1989 và năm 1992, bằng chất liệu bê tông, cốt thép. Kinh tế tu bổ cơ sở vật chất giai đoạn này đều là do hai Ni trưởng tự lực cánh sinh, không vận động Phật tử bên ngoài.

Hội đủ duyên lành, hai Ni trưởng cũng đã tiếp tăng độ chúng, thế phát xuất gia cho chư Ni rất đông. Quý Ni trưởng cũng xây dựng đạo tràng, mở khóa tu định kỳ cho Phật tử. Đạo tràng Pháp Lạc hoạt động ngày càng ổn định và nề nếp với quy mô lớn nên đã được Giáo hội và chính quyền các cấp cho phép chuyển đổi ngôi Tịnh thất thành Chùa Pháp Lạc vào năm 1995. 
Những năm sau đó, quý Ni trưởng cũng từng bước tạo mãi thêm đất cất Ni xá và khách đường cùng các công trình phụ khác để phục vụ cho các khóa tu học của đại chúng. Hiện tại đất chùa có tổng cộng là 5.000m2.
Ngôi chùa Pháp Lạc qua các lần trùng tu chấp vá, không thông thoáng, mặt khác theo thời gian các công trình cũng bị xuống cấp; nên năm 2011 quý Ni trưởng quyết định đại trùng tu lại toàn bộ ngôi chùa bằng chất liệu bê tông kiên cố.

Ngôi Chánh điện được làm theo kiến trúc thượng lầu hạ hiên, mái đúc dán ngói, tường gạch, cữa gỗ, nền lát gạch men. Công trình xây dựng một năm thì hoàn thành.
Bên trong ngôi Chánh điện thờ Tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chư Phật Dược Sư và chư vị Bồ tát. Phía trên tường là phù điêu Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền. Tổ đường thờ phù điêu Tổ sư Huệ Viễn.

Quý Ni trưởng cũng cho thỉnh Đại hồng chung và tiến hành xây dựng Giảng đường, cổng Tam quan, kiến tạo lại cảnh quan xung quanh chùa trang nghiêm, sạch đẹp.
Năm 2020, sau thời gian thị hiện bệnh duyên, Ni trưởng Thích Nữ Như Ân xã báo an tường, viên tịch. Ngôi chùa Pháp Lạc còn lại Ni trưởng Thích Nữ Như Nhẫn và chư Ni tiếp tục con đường hoằng pháp lợi sanh.
Ni trưởng Trụ trì vẫn duy trì khóa tu mỗi tháng 4 kỳ cho Phật tử tham dự: Ngày mùng 1 âm lịch là khóa tu niệm Phật một ngày; ngày mùng 8 và 14 tụng Kinh Vô Lượng Thọ và kinh hành niệm Phật; ngày 24 tụng một bộ kinh Pháp Hoa. Quý Phật tử về dự khóa tu mỗi kỳ khoản 100 vị, tất cả đều rất tinh tấn.

Ni trưởng cũng thường xuyên hướng dẫn Phật tử phóng sanh mãi mạng, tặng quà hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn; góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn ngày thêm tươi đẹp.

“Pháp luân thường chuyển huệ tâm khai,
Lạc an dân chúng thật vui thay,
Như cánh hoa sen vươn tỏa sắc,
Nhẫn tâm sinh tuệ ngát hương bay,
Kiến tánh từ đây thôi niệm tục,
Tự độ, độ tha quả tròn đầy.

Sau đây là một số ảnh tư liệu:

https://www.youtube.com/watch?v=vxUoGifQ5jo

Ban Biên tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
 


Người viết : admin