H.Cái Bè: Lịch Sử Chùa Phước Thạnh

Thứ bảy, 06/01/2024, 10:59 GMT+7
H.Cái Bè: Lịch Sử Chùa Phước Thạnh

H.Cái Bè: Lịch Sử Chùa Phước Thạnh

LỊCH SỬ CHÙA PHƯỚC THẠNH

Chùa Phước Thạnh hiện tọa lạc tại địa chỉ số 238 Trương Công Định, Khu II, TT.Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; do Hòa thượng Thích Thiện Sanh đương nhiệm Trụ trì.

Chùa Phước Thạnh được thành lập vào năm 1718, do các sĩ tử dựng lên bằng cây lá để cầu trời Phật gia hộ cho đi thi được tốt, và nơi đây cũng là chổ cho các sĩ tử tập trung ôn tập trước khi ra kinh ứng thí. Chùa lúc ấy có tên là “Nhơn Nghĩa Tự”. 

Theo các Long vị được thờ tại chùa cho thấy ngôi chùa này đã trải qua nhiều đời trụ trì. Long vị được xem là sớm nhất còn lại tại đây là của Hòa thượng Thích An Lạc thuộc dòng Thiền Lâm tế Chánh tông đời thứ 38. Giai đoạn này chùa có tên gọi là “Chùa Hội Sĩ”, được làm bằng gỗ quý, mái lợp ngói âm dương. Chùa quay mặt về hướng chánh Tây. Tuy vậy chúng ta cũng không biết Ngài trụ trì tại đây được bao lâu và cụ thể từ năm nào.
“ Nhơn Nghĩa, Hội Sĩ các thời kỳ,
Sĩ tử về đây soi sử kinh.
Mái chùa che chở hồn dân tộc, 
Nếp sống bao đời của Tổ tiên.”

Người kế vị tiếp theo là Hòa thượng Thích Khánh Đức thuộc dòng Thiền Lâm tế Chánh tông đời thứ 39. Hòa thượng trụ trì chùa từ khoảng thập niên 40 của thế kỷ XX. Đến năm 1965, Hòa thượng đã trùng tu lại chùa, quay mặt về hướng Nam, phía đường lớn như hiện nay, và đổi tên chùa từ “Hội Sĩ Tự” thành “Chùa Phước Thạnh”. Ngôi chùa Phước Thạnh lúc này được làm theo kiến trúc nhà ba gian hai chái, nốc thượng lầu hạ hiên, mái lợp ngói tây, cột gỗ, vách xây bằng hợp chất ô dước, nền lát gạch tàu. Thời gian này, Hòa thượng cũng đã mở Trường Hương để chư Tăng từ khắp nơi vân tập về tu học, củng cố giáo điển, pháp huy giới định tuệ, làm nền tảng hoằng pháp về sau.

Sau khi Hòa thượng Khánh Đức viên tịch, Hòa thượng Thích Huệ Lâm thuộc dòng Thiền Lâm tế Chánh tông đời thứ 40 kế vị trụ trì chùa Phước Thạnh giai đoạn từ cuối thập niên 60 đến năm 1980. Thời gian trụ trì chùa, Hòa thượng cũng đã tiến hành trùng tu chùa Phước Thạnh vào năm 1970. Bấy giờ Hòa thượng cho thay vách ô dước thành vách tường bê tông, xây thêm mặt tiền chùa, đổi gạch tàu thành gạch men. Hòa thượng hành đạo tại đây cho đến ngày 17 tháng 3 năm 1980 thì viên tịch.

Nối tiếp hạnh nguyện của Thầy, Hòa thượng Thích Thiện Sanh thuộc dòng Thiền Lâm tế Chánh tông đời thứ 41, đảm nhiệm trụ trì chùa Phước Thạnh từ năm 1980 cho đến ngày nay.
“Phước đức vun bồi bao thế hệ,
Thạnh trị quê hương, nước thái bình.
Tự độ, độ tha hành phương tiện,
Chùa xưa Phật pháp mãi hoan ca.”

Hòa thượng Thích Thiện Sanh hiện là Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN huyện Cái Bè. Thời gian đảm nhiệm trụ trì chùa Phước Thành, Hòa thượng cũng đã không ngừng trùng tu chốn Tổ, pháp huy Phật pháp tại đây. 
Năm 2006, Hòa thượng Thích Thiện Sanh đã tiến hành phục chế lại ngôi chùa Hội Sĩ để làm Tổ đường. Tiếp theo đó Hòa thượng cho tôn tạo đại tượng Quán Thế Âm cao 12 m bằng đá non nước, pho tượng được quay về hướng chánh Tây.
Hòa thượng cũng cho xây dựng lầu chuông, gác trống; tôn tạo khu vườn Tháp Tổ, xây cổng Tam quan, khách đường, …

Bên cạnh đó Hòa thượng cũng không ngừng bảo lưu, giữ gìn những di chỉ còn lại tại chùa. Ngày nay, khi về chùa Phước Thạnh chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những bức Đại tự bằng chữ Hán rất đẹp; các bao lam, liễng đối sơn son thếp vàng được các nghệ nhân chế tác rất tinh xảo, có niên đại từ thời vua Khải Định.
Chùa cũng còn lưu giữ pho tượng Phật A Di Đà lớn và bộ Thập bát La hán bằng đồng; các tượng Thập điện Diêm vương làm bằng ô dước rất cổ kính. 

Về phương diện tu tập và hành đạo, Năm 1999, chùa Phước Thạnh được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang cho mở Trường hạ tập trung để chư Tăng các tự viện trong tỉnh trở về cấm túc tu học trong ba tháng.
Hòa thượng Trụ trì cũng mở các khóa tu cho Phật tử trở về tu học Phật pháp vào mỗi Chủ nhật hàng tuần. Số lượng Phật tử tham dự khóa tu trung bình mỗi kỳ trên 100 vị.
Hòa thượng Thích Thiện Sanh cũng thường xuyên hướng dẫn Phật tử tích cực tham gia các phong trào an sinh xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm văn minh, tươi đẹp.
“Trải bao thế cuộc đổi thay,
Ai ơi hãy nhớ nơi này chốn xưa.
Quê hương có gió trăng đưa,
Có chùa, có Bụt dạy hành nghĩa nhân”
.

Một số ảnh tư liệu:

https://www.youtube.com/watch?v=ZaaxxXRwsS8

Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
 


Người viết : admin