H.Cái Bè: Lịch Sử Chùa Tam Bửu

Chủ nhật, 17/12/2023, 14:57 GMT+7
H.Cái Bè: Lịch Sử Chùa Tam Bửu

H.Cái Bè: Lịch Sử Chùa Tam Bửu

LỊCH SỬ CHÙA TAM BỬU

Chùa Tam Bửu tọa lạc tại ấp Mỹ Quới, xã Thiện Trí, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Thượng tọa Thích Minh Thiện trụ trì.
Năm 1936, bà Huỳnh Thị Chơn pháp danh Diệu Nữ, sinh năm 1885, tự cất ngôi chùa nhỏ trên phần đất nhà 11.000m2 để tịnh tu và lấy hiệu là Chùa Tam Bửu. Phật tử Diệu Nữ ở đây tinh tấn tu tập cho đến năm 1966 thì mãn phần.
Chùa Tam Bửu sau đó được ông Huỳnh Văn Ngôn (là người cháu của Phật tử Diệu Nữ) trông coi, chăm lo hương khói cho đến năm 2006 thì mất.

Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, chùa Tam Bửu cũng tham gia vào sinh hoạt trong lòng Giáo hội và chịu sự quản lý của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang.

Đến khi ông Huỳnh Văn Ngôn qua đời, bấy giờ Phật tử đạo tràng đã đến thỉnh Hòa thượng Thích Minh Trí, Trụ trì tổ đình Phước Lâm (huyện Cai Lậy) cho người về chăm lo ngôi Tam bảo. Được sự chấp thuận của chư Tôn đức Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp và chính quyền sở tại, Đại đức Thích Minh Thiện thế danh Dương Minh Đức, sinh năm 1974, là đệ tử của Hòa thượng Thích Minh Trí về trụ trì chùa Tam Bửu theo tinh thần công văn số 014 của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang ký ngày 12 tháng 01 năm 2009.

Từ đó, với trách nhiệm thiêng liêng của mình, Đại đức Thích Minh Thiện từng bước ổn định đạo tràng, mở khóa Bát Quan trai định kỳ mỗi tháng một lần vào ngày 17 âm lịch, quý Phật tử về tham dự tu học rất đông. Đại đức cũng bắt đầu tùy duyên tiếp Tăng độ chúng theo như hạnh nguyện của Tổ thầy.

Ngôi chùa Tam Bửu ban đầu được làm bằng chất liệu bán kiên cố, theo thời gian đã bị xuống cấp, tháng 10 năm 2015, Đại đức Thích Minh Thiện phát tâm khởi công đại trùng tu công trình theo kiến trúc nhà lớn Nam bộ bằng chất liệu gỗ quý.

Ngôi Chánh điện được cất theo nhà xưa gồm ba gian hai chái, nốc mái theo kiến trúc thượng lầu hạ hiên, lợp ngói vảy cá; phía trước Chánh điện có Tiền đường tạo thêm không gian bên trong rộng rãi thoáng mát. Toàn bộ công trình được lát gạch tàu đỏ trên nền cột gỗ, tạo thêm vẽ thanh tịnh cổ kính cho ngôi chùa.

Từ ngôi Chánh điện nối tiếp với Tổ đường là Thiên tỉnh dùng để lấy ánh sáng thiên nhiên từ hai phía vào bên trong ngôi chùa. 
Chánh điện chùa Tam Bửu thờ Tôn tượng đức Phật Thích Ca lớn được chế tác bằng đồng, các Tôn tượng Tây phương Tam thánh và chư Phật Dược Sư được tạc bằng gỗ quý.
Đại đức Trụ trì cũng tiến hành xây dựng lầu chuông, gát trống, thỉnh chuông trống và các pháp khí để gia trì trong các khóa lễ tại chùa. Cất Trai đường, Tăng xá để phục vụ cho sinh hoạt tu học của Tăng chúng và Phật tử.

Công trình chùa Tam Bửu ngày nay đã hoàn thiện được khoản 70%. Thời gian tới nơi đây còn phải tiếp tục xây dựng cổng Tam quan, kiến tạo lại khuôn viên sân chùa và một số công trình phụ cận nữa thì mới thật sự hoàn chỉnh về cơ sở vật chất.
Ngoài việc kiến tạo già lam, trùng hưng Tam bảo, Đại đức Thích Minh Thiện còn hướng dẫn Phật tử tu học có nề nếp, thường xuyên tổ chức trao quà hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Với những việc làm tích cực cho Đạo pháp và Xã hội, Đại đức Thích Minh Thiện được Giáo hội tấn phong lên hàng Giáo phẩm Thượng tọa trong Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (năm 2022).
“Tam Bửu hình thành trên đất tâm,
Diệu Nữ nguyên sơ mến đạo tầm.
Tiếp nối phát huy mầm Phật pháp,
Minh Thiện dốc chí quyết bồi vun.
Hồng từ Phật tổ đến nơi đây,
Bảo điện hôm nay tú lệ thay!
Gửi chút lòng thành dâng kính nguyện,
Phật pháp trường lưu thế gian này.”

Một số ảnh tư liệu:

XEM VIDEO PHÓNG SỰ LỊCH SỬ NGÔI CHÙA TẠI ĐÂY

Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
 


Người viết : admin