H.Cái Bè: Lịch Sử Chùa Thắng Quang

Thứ sáu, 13/10/2023, 20:42 GMT+7
H.Cái Bè: Lịch Sử Chùa Thắng Quang

H.Cái Bè: Lịch Sử Chùa Thắng Quang

LỊCH SỬ CHÙA THẮNG QUANG

Chùa Thắng Quang tọa lạc tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Hiện nay do Sư cô Thích Nữ Huệ Tánh trụ trì.
Đây là ngôi chùa do bá tánh địa phương sáng lập từ 1771. Ban đầu chùa được dựng bằng cây lá gần bên bờ sông Tiền. Lúc này bà con có thỉnh Thầy Giáo thọ Ngôn về trụ trì, từ đó ngôi chùa được lấy tên là Thắng Quang tự.
Thầy Giáo Thọ Ngôn trụ trì được 3 năm thì viên tịch, sau đó có nhiều vị đến giữ chùa được một thời gian rồi cũng đi nơi khác.

Vì gần bờ sông Tiền nên ngôi chùa bị đất lở, bắt buộc bà con phải dời lần thứ nhất đến ngã 3 cầu xã Hưng Thuận cách chùa củ không xa lắm. Nhưng rồi nơi đây cũng bị thủy triều xâm thực phải dời lần thứ 2, cũng cách đó khoản 300 m.
Đến năm 1802, Hòa thượng Yết ma Nguyễn Hồng Phi là đệ tử Tổ Phi Lai về đây hành đạo, lại một lần nữa ngôi chùa bị đất lỡ nên Hòa thượng cho dời chùa Thắng Quang ra gần Đình Mỹ Thuận. Sau đó thời gian thì Hòa thượng Nguyễn Hồng Phi viên tịch. 
Sau khi Hòa thượng Yết ma Nguyễn Hồng Phi viên tịch, chùa Thắng Quang lần lượt được các thầy Giáo thọ Tùng, Giáo thọ Ngươn, Thầy Nén, Hòa thượng Huỳnh Tấn Lực trụ trì và hành đạo, mỗi người được một thời gian rồi viên tịch hoặc đi hành đạo nơi khác và vì do chiến tranh nên ngôi chùa cũng bị mai một.

Đặc biệt, năm 1865, Lãnh binh Nguyễn Ngọc Cẩn (1815 - 1902), người quê ở Cái Thia, Cái Bè; sau nhiều lần dấy binh chống thực dân Pháp không thành nên đã đến chùa Tây An (Núi Sam, Châu Đốc), gặp Hòa thượng Tiên Giác – Hải Tịnh bấy giờ đang vân du hành đạo tại đây, nên đã phát tâm xuất gia và được Hòa thượng thế phát đặt Pháp danh Minh Mai hiệu Phương Danh. Hòa thượng Tiên Giác - Hải Tịnh truyền giới Sa di cho ngài Minh Mai và Minh Huyên rồi đưa hai ngài về chùa Long Thạnh (Bà Hôm, Gia Định) tu học, tại đây hai ngài được thọ Đại giới.

Năm 1872, ngài Minh Mai trở về lại quê hương, cùng với bà con xây dựng lại chùa Thắng Quang để tu tập và hành đạo, tiếp Tăng độ chúng. Ngài ở đây được một thời gian thì bị giặt Pháp phát hiện nên đã về lại vùng Đồng Tháp Mười, thuộc xã Mỹ Lợi, huyện Cái Bè, ở đây Ngài cùng với Hòa thượng Quảng Huệ (trụ trì chùa Phước Lâm, huyện Cai Lậy) khai hoang thành lập chùa Phước Quang để tu học. Nhưng cũng chỉ được một thời gian thì bị giặt phát hiện nên Ngài vào tận vùng Gò Tháp thuộc trung tâm Đồng Tháp Mười, xây dựng chùa Tháp Linh và viên tịch tại đây.
Ngôi chùa Thắng Quang sau khi Hòa thượng Minh Mai ra đi đã giao lại cho Thầy Đạt chăm lo hương khói được gần 10 năm thì viên tịch. Thời gian sau khi Thầy Đạt vắng bóng ngôi chùa luôn có người gìn giữ, nhưng mỗi vị chỉ một thời gian ngắn nên không rõ tư liệu.
Năm 1945 phong trào cách mạng tháng 8 nổi lên, nghe tiếng gọi của cách mạng chùa Thắng Quang đã đem đại hồng chung và một số kim khí hiến vào kháng chiến, do ông Giáo thọ Côn cùng một số Phật tử quanh vùng chở đi, và nhiệt liệt tham gia cứu quốc. 
Giai đoạn từ năm 1951 về sau chùa Thắng Quang không có ai trụ trì, đất nước lại rơi vào binh biến, nên ngôi chùa phải chịu cảnh nhang tàn khói lạnh.

Năm 1972 Thầy Trí Hoằng thỉnh Hòa thượng Thích Nhựt Minh trụ trì chùa Linh Sơn (Sài Gòn) đến viếng chùa Thắng Quang; thấy chùa quá quạnh hiu Hòa thượng vô cùng cảm thán. Bấy giờ các vị Hương chức trong Ban Hộ Tự làm giấy hiến chùa cho Hòa thượng Thích Nhựt Minh để ngài có đủ thẩm quyền đứng ra tái thiết lại Thắng Quang Cổ Tự.
Hòa thượng Thích Nhựt Minh nêu lên tâm nguyện muốn có nơi chắc chắn hơn để dời chùa Thắng Quang ra khỏi vùng đất luôn bị thủy triều xâm thực. Biết được điều đó, ông Trần Văn Tây thực hiện theo tâm nguyện của cha là ông Trần Ngọc, phát tâm hiến cúng miếng đất với diện tích 2.379m2, tọa lạc tại quốc lộ 4 (gần Bắc Mỹ Thuận) để làm chùa. 

Dưới sự chủ trì của Hòa thượng Thích Nhựt Minh, lần thứ tư chùa Thắng Quang được dời đến vị trí ngày nay. Bấy giờ đồng bào Phật tử nơi đây hưởng ứng công quả rầm rộ từ khi khởi công đến lúc viên thành. Năm 1974 chùa được hoàn thành, lễ nhập điện và an vị Phật vô cùng long trọng, có hàng trăm Tăng Ni và hàng ngàn Phật tử tham dự, ai nấy đều rất vui mừng. 

Sau lễ an vị xong, Hòa thượng Thích Nhựt Minh về lại chùa Linh Sơn, do sự yêu cầu của các vị Hương chức Ban Hộ Tự nên Hòa thượng đã đưa đệ tử là Ni sư Thích Nữ Như Nguyện về trụ trì chùa Thắng Quang để chăm lo Tam bảo và hướng dẫn Phật tử tu tập. Từ đó, dưới sự điều hành của Ni sư Thích Nữ Như Nguyện, chùa Thắng Quang ngày thêm sung túc, chư Ni tu hành đúng theo chánh pháp, hướng dẫn Phật tử tu tập, làm lành lánh dữ, thực hành lời dạy của Như Lai làm cho tốt đạo đẹp đời được các cấp chính quyền ủng hộ. Với những công hạnh tu tập và hành đạo, Ni sư Thích Nữ Như Nguyện được Giáo hội tấn phong lên hàng Giáo phẩm Ni trưởng trong kỳ Đại hội toàn quốc lần thứ VI. 

Năm 2007, do mái ngói đã bị xuống cấp không còn đảm bảo an toàn cho chư Ni và Phật tử trở về tu học, Ni trưởng Thích Nữ Như Nguyện đã cho trùng tu lại ngôi Chánh điện và Tổ đường; công trình vừa hoàn thành thì Ni trưởng viên tịch vào ngày 17/01/2008. 
Sau khi Ni trưởng Thích Nữ Như Nguyện viên tịch, chùa Thắng Quang được giao cho Sư cô Thích Nữ Huệ An, thế danh Lý Ngọc Minh, sinh năm 1940, là đệ tử của Ni trưởng Như Nguyện tiếp nối trông coi. 

Nối tiếp tâm nguyện của Thầy, Sư cô Thích Nữ Huệ An đã không ngừng tiếp Tăng độ chúng, tổ chức khóa tu bát quan trai cho Phật tử, tổ chức phóng sanh, vận động phát quà từ thiện giúp đỡ bà con còn khó khăn quanh vùng, mỗi năm kinh phí làm được hơn 100 triệu đồng. 
Sư cô Thích Nữ Huệ An được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang bổ nhiệm trụ trì chùa Thắng Quang vào ngày 17/01/2010 và được GHPGVN tấn phong lên hàng Giáo phẩm Ni sư năm 2018 và Ni trưởng năm 2022 do có nhiều đóng góp cho Giáo hội và an sinh Xã hội.

Vì tuổi đã cao, để chuyên tâm tịnh dưỡng nên Ni trưởng Thích Nữ Huệ An đã có đơn kiến nghị đến các cấp Giáo hội bổ nhiệm cho Sư cô Thích Nữ Huệ Tánh là Ni chúng của Chùa, tiếp nối trụ trì, chăm lo Tam bảo chùa Thắng Quang. Sau khi xem xét kiến nghị của Ni trưởng, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã chấp thuận cho Sư cô Thích Nữ Huệ Tánh làm trụ trì chùa Thắng Quang qua Quyết định số 003/QĐ-BTS ký ngày 14/3/2022. 
“Trải bao thế sự đổi thay, 
Thắng Quang ngày ấy, hôm nay đề huề.
Tổ sư tiếp nối đời đời,
Làm cho Phật pháp sáng ngời hào quang".

Sau đây là một số ảnh tư liệu:

XEM VIDEO PHÓNG SỰ LỊCH SỬ NGÔI CHÙA TẠI ĐÂY

Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang


Người viết : admin