H.Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Phước Sơn

Chủ nhật, 20/08/2023, 07:52 GMT+7
H.Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Phước Sơn

H.Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Phước Sơn


LỊCH SỬ CHÙA PHƯỚC SƠN

Chùa Phước Sơn  hiện nay do Thượng tọa  Thích Thiện Nguyện - Ủy viên Thường trực Ban Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo tỉnh Tiền Giang, Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Chợ Gạo làm Trụ trì, tọa lạc tại ấp An Lạc A, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Chùa Phước Sơn là một ngôi chùa Phật cổ kính, bên cạnh là ngôi Đình thần tên An Lạc; chùa lúc ban đầu xây dựng toàn bằng bằng gỗ quý tại làng An Lạc nên chùa cũng có tên gọi là An Lạc Cổ Tự, về sau  mới được đổi tên thành Phước Sơn Cổ Tự. Chùa đã tồn tại lâu đời nên cũng được tu bổ nhiều lần, lần trùng tu gần đây nhất là năm Tân Mùi (1991).
“Phước Sơn Thiền Tự rất lâu năm,
Mở lối dân gian khỏi lụy trầm.
Thiện Hướng Chơn Thành xa sát giới,
Quy Y chí nguyện tránh sai lầm.
Di Đà khẩu niệm Như Lai độ,
Cứu Cánh học cầu Thích Lạc Tâm.
Hoằng Hóa niếu chơn Bồ Tát hộ,
Đức nhơn giải nạn vạn cao thâm.”

Theo truyền thuyết của nhiều ông bà cao niên kể lại, chùa Phước Sơn được thành lập vào cuối thế kỷ 19 (năm 1850), do gia đình cụ ông Nguyễn Khánh Thinh hiến đất và xây dựng. Về sau cụ ông Nguyễn Khánh Thinh xuất gia tu học có  pháp danh Thích Viên Thông.
Căn cứ theo sử liệu và  hiện vật còn lại trong chùa cho biết đến nay chùa Phước Sơn  đã trải qua 08 đời trụ trì. 
1. Hòa thượng Thích Viên Thông (đệ nhứt tôn chứng A xà lê)
2. Hòa thượng Thích Giác Nghiêm (1930 -1948)
3. Thích Thiện Đạo (1948-1967)
4. Thích Chơn giác (1967-1969) 
5. Thích Thiên Lý (1969-1971)
6. Thích Giác Ngộ (1975-2011)
7. Thích An Kim  (2011- 2012) 
8. Thượng tọa Thích Thiện Nguyện (2012 cho đến nay).

Chùa Phước Sơn ban đầu được xây cất bằng gỗ quý, về sau do chiến tranh tàn phá và thời gian biến đổi nên chùa bị hư hoại rất nhiều. Năm 1991 Thầy Thích Giác Ngộ cho tái thiết lại bằng chất liệu bê tông cốt thép theo kiến trúc bán kiên cố, mái lợp ngói, nền lát gạch hoa. Hiện chùa còn lưu giữ 08 câu đối, hoành phi, liễng đẹp chuyển tái ý nghĩa có giá trị, trước Chánh điện có biển: “Phước Sơn Cổ tự” 

Câu đối trong Chánh điện: 
“Cẩm tú càn khôn quy pháp giới;
Quang huy nhựt nguyệt chiếu từ thuyền.”
Nghĩa: Tốt đẹp đất trời gom cõi pháp; Sáng ngần nhựt nguyệt chiếu thuyền lành.
Câu liễng trước Chánh điện:
“Phước địa trùng tân thiên cổ nguy nga bằng pháp lực;
  Sơn cư cựu tứ thời thanh tịnh tạ thiền công.”
Nghĩa: Đất phước mới ngàn thủa rỡ ràng noi pháp luật; Núi non tuy củ bốn mùa lành lặng tạm đời tu.

Câu liễng trước Tổ đường:
“Pháp hoành nam thiên tổ tổ liên phương tăng huệ nhựt;
Y bát tây trúc đăng đảnh tục thao kế tông phong.”
Nghĩa: Pháp trải trời Nam, đời đời tỏa hương ngày thơm tốt; Áo truyền Tây trúc chói lòa, tiếp ánh nối dòng thiền.
Tổ đường có 02 tấm biển chữ hán:“Nam quốc chí tôn” và “Thánh đức tăng long”.
Nghĩa: “Hoan hô Nước Nam” và “Thánh đức càng thêm thịnh mậu”.

Năm 2011 Thầy Thích Giác Ngộ thấy sức khỏe kém nên mới giao quyền trụ trì cho Đại đức Thích An Kim trong coi Tam Bảo, thế nhưng đến năm 2012 Thầy An Kim hết duyên nơi chùa Phước Sơn nên đã đi hành đạo nơi khác. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Chợ Gạo đã làm đơn kiến nghị đến Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang cho phép Thượng tọa Thích Thiện Nguyện, thế danh Đào Quang Toại, sinh năm 1975, tu học chùa Khánh Lâm về  kế vị trụ trì, chăm lo Tam bảo nơi chùa Phước Sơn và đã được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang chấp thuận qua Quyết định số 007/QĐ-BTS ký ngày 17 tháng 11 năm 2012.

Với trách nhiệm của người đệ tử Phật trước nhiệm vụ thiêng liêng “Trụ Pháp Vương gia; Trì Như Lai tạng”. Từ khi về chùa Phước Sơn, Thượng tọa Thích Thiện Nguyện từng bước trung tu cơ sở vật chất, tôn tạo khuôn viên chùa cảnh, xây lại cổng chùa, tường rào, cất Giảng đường, phòng khách, nhà ăn để phục vụ cho Phật tử trở về tham dự các khóa tu tại chùa.
Năm 2020, Thượng tọa khởi công trùng tu, thếp lại các Tôn tượng, bao lam, liễng đối, ban thờ tại chùa; bảo tồn các di vật cổ tại chùa như: Tôn tượng Phật A Di Đà được làm từ lúc khai sơn chùa, bộ tượng Ông Thiện, Ông Ác, Hộ Pháp, Tiêu Diện, Nam Tàu, Bắc Đẩu và Bộ Sám Bài (một bộ tượng Phật và Bồ Tát đặc trưng của các tự viện Nam Bộ xưa), tất cả các tôn tượng này đều được làm bằng gỗ quý. Đồng thời Thượng tọa cũng cho lát lại gạch nơi Chánh điện trang nghiêm, sạch đẹp.
Thượng tọa Thích Thiện Nguyện cũng duy trì và phát triển khóa tu Bát Quan Trai định kỳ vào các ngày sóc vọng mỗi tháng. Mở lớp dạy Giáo lý cho Phật tử và có tổ chức thi tổng kết năm học vào dịp tất niên. Hướng dẫn Phật tử tích cực tham gia vào các phong trào an sinh xã hội tại địa phương trên tinh thần “Đạo pháp đồng hành cùng Dân tộc”.

Một số ảnh tư liệu:

Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện tỉnh Tiền Giang
 


Người viết : admin