H.Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Thiên Phước

Chủ nhật, 18/06/2023, 07:42 GMT+7
H.Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Thiên Phước

H.Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Thiên Phước

LỊCH SỬ CHÙA THIÊN PHƯỚC

Chùa Thiên Phước tọa lạc tại ấp Vĩnh Phước, xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Ngôi chùa được cộng đồng người Hoa thành lập vào khoảng năm 1770 (hiện còn di tích để lại là ngôi mộ bằng đá ong lớn nằm phía trước lệch về bên trái sân chùa). Ban đầu khi mới thành lập chùa có tên là Hội Phước Tự, và vì chùa nằm ở làng Vĩnh Phước nên còn có tên gọi là chùa Vĩnh Phước. Thời gian này không rõ ai là người trụ trì chùa.

Năm 1945, thầy Giáo thọ Thích Thiện Trí có thế danh là Lê Văn Can về trụ trì chùa nhưng không bao lâu Thầy bị giặt Pháp tình nghi làm cách mạng nên đã bắn chết. Bấy giờ đất nước rơi vào binh biến nên Chùa đã bị bom pháo của giặt phá sập nhiều lần.

“Hội Phước tên gọi ban sơ,

Người Hoa lập tự phụng thờ Tam Tôn.

Từ Lợi tiếp nối Tăng thân,

Hoằng dương Phật pháp xa gần quy y.

Trùng hưng chùa cũ chốn quê,

Đổi tên Thiên Phước đề huề hôm nay.

Hạnh nguyện viên mãn hoa khai,

Tìm người kế vị quy lai khứ hề!”

Năm 1965, nhân dân địa phương đã cho cất lại Chùa nhưng dời về phía trước, cách nền chùa ban đầu vài trăm mét. Đến năm 1975, hội đủ duyên lành, Thượng tọa Thích Từ Lợi được dân làng mời về làm trụ trì chùa Thiên Phước để chăm lo hương khói và hướng dẫn đồ chúng, Phật tử địa phương tu tập.

Năm 1977, nhận thấy vị trí ban đầu của Chùa đẹp và thuận tiện hơn, nên Thượng tọa Thích Từ Lợi đã cho dời ngôi Chùa về nền cũ và bắt đầu lấy tên chùa là Thiên Phước cho đến nay.

Năm 1992 Thượng tọa Thích Từ Lợi đã cho trùng tu lại chùa Thiên Phước với kiến trúc bán kiên cố rất khang trang và xinh đẹp, cột gỗ, mái lợp ngói tây, vách tường, nền lát gạch bông. Năm 2000, Thượng tọa tiếp tục cho cất lại nhà Hậu Tổ cũng với kiến trúc bán kiên cố, mái lợp tole, vách tường, nền lát gạch bông sạch đẹp.

Trong chùa hiện còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý giá như: Một pho tượng Phật A Di Đà làm bằng gỗ mít có tuổi thọ trên 200 năm; Một chiếc trống dâm liền bằng gỗ lim. Đặc biệt còn có một bộ ván làm bằng chất liệu đá bùn, ba tấm; đây là một trong những vật cổ rất hiếm còn lại ngày nay.

Thời gian hành đạo tại chùa Thiên Phước, ngoài việc trùng hưng Tam Bảo, hướng dẫn Phật tử tu tập; Thượng tọa Thích Từ Lợi còn tích cực tham gia hoạt động Phật sự với chư Tôn đức trong Ban Đại diện (nay là BTS) Phật giáo huyện Chợ Gạo và nhiều công tác Từ thiện, an sinh xã hội tại địa phương.

Trong hai nhiệm kỳ của Ban Trị sự từ năm 1989 đến 2007, Thượng tọa được đề cử chức vụ Ủy viên BTS đặc trách Tài chánh Phật giáo huyện; Nhiệm kỳ 2007 – 2012 giữ chức vụ Ủy viên BTS đặc trách Kiểm soát. Cuối nhiệm kỳ năm 2012, do sức khỏe ngày càng kém nên Thượng tọa đã xin thôi tham gia công tác Giáo hội, hàng ngày ở chùa Thiên Phước an hưởng tuổi già và chuyên tâm niệm Phật cầu phát nguyện vãng sanh.

Với những đóng góp cho Giáo hội và Xã hội trong cuộc đời tu tập và hành đạo, Thượng tọa Thích Từ Lợi đã được chư Tôn đức trong Hội đồng Chứng minh Trung ương GHPGVN tấn phong Giáo phẩm Thượng tọa vào kỳ Hội nghị thường niên năm 2013.

Năm 2010, vì thấy tuổi cao, nên Thượng tọa Thích Từ Lợi đã mời Đại đức Thích Ngọc Tường là Tăng chúng chùa Phù Châu (huyện Cái Bè) về phụ chăm lo Tam Bảo chùa Thiên Phước.

Hóa duyên ký tất, Thượng tọa đã thuận thế vô thường thâu thần thị tịch vào lúc 09 giờ 25 phút ngày 22 tháng 06 năm 2021 (nhằm ngày 13 tháng 05 năm Tân Sửu). Trụ thế: 92 năm - Hạ lạp: 39 năm. Nhục thân của Thượng tọa được nhập Bảo tháp tôn thờ tại khuôn viên chùa Thiên Phước.

Về phần Đại đức Thích Ngọc Tường, được sự tin tưởng ủy thác của Thượng tọa Thích Từ Lợi, nên năm 2012 Đại đức đã khởi công xây dựng Giảng đường làm nơi mở khóa tu cho Phật tử trở về tham học Phật pháp.

Những năm tiếp theo, Đại đức vận động Phật tử đúc Đại hồng chung, thỉnh trống Bát nhã; trùng tu lại các Tháp Tổ, tôn tạo vườn tượng 32 hóa thân Bồ tát Quán Thế Âm và một số công trình phụ để phục vụ cho các sinh hoạt tu học tại chùa.

Ngoài ra Đại đức Thích Ngọc Tường còn hướng dẫn Phật tử tham gia các phong trào an sinh xã hội do địa phương phát động như: xây nhà tình thương, trao quà hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Phước ngày thêm tươi đẹp.

Một số ảnh tư liệu:

Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang


Người viết : admin