H.Gò Công Tây: Lịch Sử Chùa Tân Trường

Thứ sáu, 03/02/2023, 10:48 GMT+7
H.Gò Công Tây: Lịch Sử Chùa Tân Trường

H.Gò Công Tây: Lịch Sử Chùa Tân Trường

LỊCH SỬ CHÙA TÂN TRƯỜNG

“Chùa Rẫy hai tiếng thân thương,
Hàng cây cổ thụ vươn dòng thời gian.
Ẩn mình khuất dạng cuối làng,
Bình Trinh tỉnh mịch chuông vàng ngân vang.”

Chùa Tân Trường tọa lạc tại ấp Bình Trinh, xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền giang.
Thuở xưa, bên dọc dòng Sông Tra có một vùng đất bồi, bả hèm, phèn mặn, nơi đây là vùng đất rẫy trũng sâu rất tốt cho cây lá mọc xanh tươi.

Vào năm 1805 có vị  sư  không rõ  pháp danh, người đời thường gọi là sư Lục, ngài là người Miên đến vùng đất này để khai phá rồi dựng lên am tranh để tu trì, lấy tên là Nhựt Tân Đường. Ngọn đèn chánh pháp bắt đầu được khai nguồn và phát triển từ đó, lời kinh tiếng kệ âm vang đã đem lại lợi lạc cho chúng hữu tình. Về sau Sư Lục mới cùng người dân trong làng cho xây dựng lại am tranh thành ngôi chùa nhỏ để có nơi trang nghiêm cho bá tánh về chiêm ngưỡng lễ bái. Thời gian sau vị Sư này viên tịch vào năm nào cũng không ai rõ. Hiện tại chùa còn lưu giữ linh vị, vị chủ chùa như sau: Phụng vì chủ tự nguyên hương trường tánh Lưu húy Hiệp tự Viết nhứt vị chi linh.

Sau khi sư Lục viên tịch, ngôi chùa không có người kế vị nên dân làng đến cung thỉnh Hòa thượng Thiện Quang húy Nhuận Đạt dòng Lâm tế Chánh tông đời 41 về trụ trì hoằng dương chánh pháp. Ngài là vị Giáo thọ thông hiểu Phật pháp, nên đã tiếp Tăng độ chúng tu học tại đây rất đông. Thời gian này Hòa thượng thay đổi bản hiệu “Nhựt Tân Đường” thành “Phước Trường Tự”. Hòa thượng viên tịch năm nào cũng không rõ.

Năm 1904 Hòa thượng Huệ Ngọc cầu pháp với Tổ Thiên Thai, được Tổ cho pháp húy Trừng Ứng, sau đó được dân làng cung thỉnh Ngài về làm trụ trì chùa Phước Trường. Trong thời gian này Ngài xây dựng thêm ngôi Tổ đường với kiến trúc 05 gian, 02 chái để có nơi cho tín đồ về tu học. Lại một lần nữa, tên chùa được Hòa thượng thay đổi thành “Tân Trường Tự” cho đến ngày nay.
“Xưa kia Sư Lục mở mang,
Nhựt Tân thuở ấy Tân Trường hôm nay.
Trãi bao thế hệ hoằng khai,
Đèn thiền tỏa sáng xưa sau duy trì.”

Trong cuộc chiến vệ quốc, Hòa thượng Huệ Ngọc cùng Hòa thượng Pháp Hoa hoạt động cho phong trào Việt Minh lúc bấy giờ. Đức hạnh của Hòa thượng được vang xa nên cũng có nhiều vị đến xuất gia cầu pháp tu học. Nhân duyên viên mãn Hòa thương thị tịch vào năm 1971, để ghi lại công hạnh của Ngài, hàng đệ tử lập Bảo tháp trong khung viên chùa để chiêm ngưỡng, lễ bái tôn thờ.

Sau khi Hòa thượng viên tịch, Thượng tọa Thiện Văn húy Tâm Nhuận kế thừa sự nghiệp truyền đăng tục diệm của Hòa thượng Bổn sư, hoằng truyền chánh pháp, hướng dẫn tín đồ Phật tử tu tập.
Trãi qua thời gian chiến tranh loạn lạc, ngôi chùa xưa bị bom đạn tàn phá hư hoại. Vào năm 1972, Thượng tọa phát nguyện cùng với sự phát tâm thù thắng của bà Võ Thị Lan quê ở làng Long Hựu, quận Hòa Đồng (nay là xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây), cho xây dựng lại ngôi Chánh điện với kiến trúc hình Tứ trụ, vách tường, lợp ngói âm dương; nối liền với nhà Tổ là 2 dãy đông lang, tây lang, giữa có giếng trời, có không gian rộng cho tín đồ Phật tử về tu học. Hiện tại chùa Tân Trường còn lưu giữ 01 pho tượng Đức Trung Tôn nhỏ bằng gỗ đã ngoài 200 năm tuổi (rất cũ và không còn nguyên vẹn).

Dòng Tào Khê được trường lưu, ánh sáng phật Pháp được lan tỏa cũng nhờ vào sự kế thế khai lai của các bậc tòng lâm thạch trụ. Theo linh vị hiện còn, chùa Tân trường đã trãi qua các đời trụ trì như:
Từ Tế thượng Chánh tông Long Hòa đường thượng tứ thập thế húy Hải Hội thượng Chánh hạ Niệm đại lão tổ Hòa thượng Giác linh.
Từ Tế thượng Chánh tông Phước Trường đường thượng tứ thập nhứt thế húy Nhuận Đạt thượng Thiện hạ Quang giáo thọ Bổn sư Giác linh.
Từ Tế thượng Chánh tông Tân Trường Tự tứ thập nhị thế húy Trừng Ứng thượng Huệ hạ Ngọc Hòa thượng Giác linh (1895 – 1971).
Tân Trường đường thượng từ Tế thượng Chánh tông tứ thập tam thế húy Tâm Nhuận thượng Thiện hạ Văn Trương công Thượng tọa Giác linh (1929 – 1975).

Sau khi Thượng tọa Thiện Văn viên tịch, ngôi chùa được giao lại cho Sa di Quảng Đức (là đệ tử của Thượng tọa) kế thừa gìn giữ, tụng kinh bái sám. Khi Giáo hội Phật giáo được thành lập, Thầy Quảng Đức sinh hoạt cùng Giáo hội huyện nhà. Trước sứ mạng thiêng liêng hoằng dương chánh pháp, báo Phật ân đức, Sa di Quảng Đức nối gót Tổ thầy tuân thủ theo sự hướng dẫn của Ban Trị sự làm tốt trách nhiệm của người tu sĩ trong thời đại mới.

Năm 2005, được sự phát tâm của Phật tử từ TP.Hồ Chí Minh phát tâm cúng dường, được sự chỉ dạy của Hòa thượng trụ trì chùa Thiên Trường, Sa di Quảng Đức cho xây dựng mới mặt tiền ngôi chùa.


Năm 2009 do cơn bão số 9 gây ra nhiều thiệt hại, ngói lợp nóc Chánh điện và nhà Tổ đều bị rơi đổ. Được sự trợ duyên của chư Tôn đức và sự phát tâm của hàng Phật tử, thầy Trụ trì lợp lại nóc Chánh điện và nhà Tổ bằng chất liệu thiết rô. Đồng thời cho xây dựng khách đường bằng chất liệu bê tông cố không gian rộng rãi cho hàng Phật tử và bá tánh về lễ Phật có chổ dừng chân sinh hoạt Phật pháp.

Hiện nay ngôi Chánh điện chùa Tân Trường đã bị xuống cấp trầm trọng, vách tường bị nứt nhiều nơi, thầy trụ trì cho di dời tất cả tượng Phật, pháp khí xuống nhà Tổ thờ để an toàn khi tụng kinh bái sám trong những dịp tam nguơn tứ quí.
Phụng sự đạo pháp là thiết thực cúng dường chư Phật. Thầy trụ trì luôn hướng dẫn Phật tử tu học cũng như đồng hành cùng Ban Trị sự và chính quyền địa phương làm tốt công tác từ thiện xã hội bằng khả năng của chính mình.
“Nhựt Tân Đường còn lưu tích củ,
Người Miên Sư Lục ấy tiền nhân.
Sơ khai chùa cổ ân tế độ,
Sư sư tiếp nối ánh nhiên đăng.
Phước Trường khai ấn thuở Thiện Quang,
Trùng tu kiến tạo chốn đạo tràng.
Pháp Hoa ấn pháp an sanh chúng,
Tân Trường cửu trụ đến hôm nay
.”

Một số ảnh tư liệu:

Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang
 


Người viết : admin