H.Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Vĩnh Hưng

Thứ ba, 11/04/2023, 15:09 GMT+7
H.Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Vĩnh Hưng

H.Chợ Gạo: Lịch Sử Chùa Vĩnh Hưng

LỊCH SỬ CHÙA VĨNH HƯNG (CHÙA GÒ)

Chùa Vĩnh Hưng tọa lạc tại số 122 Ô 2, Khu II, thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang; hiện nay do Đại đức Thích Giác Thông trụ trì.
Nằm cô liêu trên một cái gò cao giữa vùng đồng bằng trù phú, vì vậy chùa Vĩnh Hưng còn có tên gọi khác là “Chùa Gò” hay “Chùa Cốc”.

Chùa Vĩnh Hưng được bà Bổn Ngộ (Lê Thị Liễu) phát tâm xây dựng vào năm 1972 bằng vật liệu cây lá để làm nơi thờ cúng tu tập, trấn an dân làng.
“Bảy hai khói lữa triền miên,
Bổn Ngộ lập tự tịnh yên dân làng.
Đến khi đất nước vinh quang,
Vĩnh Hưng điểm tự tâm linh tu trì”.

Năm 1973, dân làng đã đến thỉnh Thầy Thích Giác Thông về trụ trì chùa Vĩnh Hưng và hướng dẫn Phật tử tu tập cho đến ngày nay.

Theo thời gian, ngôi am tranh ngày nào đã xuống cấp, Thầy Thích Giác Thông đã từng bước trùng tu lại Chánh điện với kiến trúc bán kiên cố, mái lợp ngói âm dương, vách tường, nền lát gạch bông rất trang nghiêm.

Với phẩm hạnh chất phát, tâm nguyện “an bần thủ đạo”, nhưng Thầy Thích Giác Thông cũng đã mở đạo tràng Pháp Hoa cho Phật tử quanh vùng hữu duyên trở về tu tập vào ngày thứ bảy hàng tuần, số lượng Phật tử tham gia đạo tràng không đông nhưng rất thường xuyên và đều đặn.
Năm 2008, vì thấy tuổi đã cao, muốn dành thời gian cho việc công phu thiền định, Thầy Thích Giác Thông đã có đơn xin phép Ban Trị sự GHPGVN huyện Chợ Gạo cho Đại đức Thích Lệ Phước về phụ chăm lo Phật sự và hướng dẫn Phật tử tu học.

Đại đức Thích Lệ Phước là một tu sĩ trẻ năng nổ nên thời gian qua đã hết lòng phụng sự Tam Bảo. Được sự cho phép của Thầy trụ trì, năm 2009 Đại đức đã vận động trùng tu lại ngôi Chánh điện chùa Vĩnh Hưng rộng rãi hơn, đáp ứng nhu cầu tu học của Phật tử ngày càng đông.

Năm 2012 xây dựng lại Cổng chùa. Năm 2014, Đại đức tiếp tục xây dựng dãy nhà khách dành cho Phật tử có chổ nghỉ ngơi mỗi khi về tham dự khóa tu. Tiếp theo đó, năm 2016 xây dựng nhà Hậu Tổ; năm 2018 xây dựng lại nhà bếp. Bên cạnh đó Đại đức cũng kiến tạo lại sân kiểng của chùa, tự tay cắt tỉa, chăm sóc từng cây kiểng nhỏ xinh xắn nhưng không kém phần tinh tế hài hòa.

Đại đức cùng tích cực hướng dẫn Phật tử tham gia vào các phong trào an sinh xã hội tại địa phương để san sẻ nổi khổ niềm đau với các mãnh đời bất hạnh.
Tuy là ngôi chùa nhỏ nhưng với địa thế nằm trên gò cao nên khi có duyên đặt chân đến chùa Vĩnh Hưng chúng ta sẽ cảm nhận được sự thanh tịnh và vẽ đẹp chân thật của nó.
“Chùa xưa nằm ẩn trong sương khói,
Sư cụ ngồi chung với gió mây.”

Chùa Vĩnh Hưng được Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Gạo công nhận danh hiệu “Cơ sở Thờ tự Văn hóa” vào ngày 28 tháng 11 năm 2014.

Một số ảnh tư liệu:

Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang

 


Người viết : admin