H.Gò Công Tây: Lịch Sử Chùa Bửu Hưng

Thứ tư, 21/12/2022, 20:08 GMT+7
H.Gò Công Tây: Lịch Sử Chùa Bửu Hưng

H.Gò Công Tây: Lịch Sử Chùa Bửu Hưng

LỊCH SỬ CHÙA BỬU HƯNG

Chùa Bửu Hưng tọa lạc tại ấp Phú Quới, xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang


 

“Mậu Thân kiến tạo đạo tràng.
Chùa quê tre lá dân làng dâng hương.
Ngày ngày lễ bái Thế Tôn.
Cầu xin Tam Bảo bình an xóm làng.”

Yên Luông là vùng đất cách xa thị tứ, dân làng sống bằng nghề canh tác lúa và trồng hoa màu. Năm Mậu Thân (1968), cuộc chiến tranh chống Mỹ diễn ra khốc liệt từ thị thành đến thôn quê, dân làng sống khổ cực về vật chất lẫn tinh thần. Hòa thượng Thiện Tôn tu hành theo tong Tịnh Độ đã đứng ra khai sáng, xây dựng ngôi chùa lấy tên hiệu Bửu Hưng Tự để làm chổ dựa tinh thần cho bá tánh thập phương. 

Ban sơ ngôi đạo tràng được xây dựng bằng vật liệu bán kiên cố cho Phật tử có nơi lễ bái và tu tập. Từ đó, ngôi đạo tràng được hình thành và phát triển tại vùng quê này. Hòa thượng hướng dẫn mọi người chăm lo sản xuất, sống chân thật, luôn giúp đỡ lẫn nhau trong các hoàn cảnh khó khăn, nhắc nhỡ mọi người biết tu thân, biết nhân quả, nghiệp báo, gia đình sống thuận hòa, hạnh phúc.
“Yên luông ngày ấy hôm nay,
Chùa xưa kiến tạo lợi tha muôn loài.
Thiện tín bá tánh vãng lai,
Tôn nghiêm đảnh lễ Như Lai hiện tiền.”

Đến năm 1974, Hòa thượng viên tịch để lại niềm thương tiếc cho Phật tử và bá tánh nơi đây. Để tôn vinh đức hạnh cao cả của bậc Thầy khả kính, Phật tử xây tháp tôn thờ trong khuôn viên chùa. 

Năm 1976 Hòa thượng Thích Bửu Hưng được Hội Phật giáo Tịnh Độ tông Việt Nam chính thức bổ nhiệm trụ trì chùa Bửu Hưng. Từ đó, với sứ mạng thiêng liêng mà Hội Phật giáo Tịnh Độ tông giao phó, Hòa thượng kế thừa sự nghiệp của Tổ thầy gìn giữ ngôi già lam và hướng dẫn Phật tử tu tập. Hòa thượng tánh tình rất hiền từ, giản dị, luôn sống lục hòa với bạn đồng tu, là gương sáng cho tín đồ Phật tử noi theo. 
Với đức hạnh bao dung, hết lòng vì Tam bảo, thương chúng sanh, vì vậy từ nhiệm kỳ II (1988) đến nhiệm kỳ VIII (2012- 2017) của Giáo hội, Hòa thượng tham gia vào Ban Đại diện Phật giáo huyện Gò Công Tây, trãi qua nhiều chức vụ mà Giáo hội giao phó như Thư ký Ban Đại diện, Thư ký Tài chánh đến cương vị Phó Thường trực Ban Đại diện; ở cương vị nào Hòa thượng đều làm tròn trách nhiệm của mình với Giáo hội. 
Đối với trách nhiệm của vị Trụ trì; Hòa thượng hết lòng vì ba ngôi Tam Bảo, gìn giữ và phát huy giá trị gia sản của Tổ thầy, luôn luôn hướng dẫn Phật tử tu học đúng chánh pháp theo Giáo lý Phật dạy và hành trì đúng theo Hiến chương, Nội qui Giáo hội, Pháp luật Nhà nước qui định. Ngoài sự hướng dẫn Phật tử tu trì, thực thi lời Phật dạy vào đời sống tu tập, Hòa thượng còn hướng dẫn Phật tử làm tốt công tác từ thiện xã hội, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. 

Trang nghiêm ngôi Tam Bảo là trang nghiêm Tịnh độ tại nhân gian. Vào năm 1991, Hòa thượng khởi xướng cùng bổn đạo Phật tử góp công, góp sức xây dựng lại ngôi Chánh điện bằng vật liệu bê tông cốt thép theo kiến trúc hình tứ trụ, thượng lầu hạ hiên, phong cách ngôi chùa Việt Nam, với diện tích 100 mét vuông (10m x 10m), để đạo tràng ngày càng khang trang thoáng mát cho Phật tử về tu học. Các năm sau Hòa thượng tiếp tục xây dựng thêm nhà Tổ, nhà khách, nhà bếp v.v., ngôi Già lam từ đây ngày càng phát triển. 
Ngoài những công tác Phật sự của Giáo hội, Hòa thượng còn tham gia vào Hội Nông dân Việt Nam, Hội chữ Thập đỏ, thành viên Mặt trận Tổ quốc xã Yên Luông qua nhiều nhiệm kỳ. 
Trong mọi công tác, dù việc đạo hay việc đời bất cứ ở đâu, với cương vị nào, Hòa thượng cũng xem đó là phương tiện để hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh, tốt đời đẹp đạo.
Trên bước đường phụng sự đạo pháp, phục vụ chúng sanh, Hòa thượng luôn làm bóng cây đại thọ cho hàng Tăng Ni, Phật tử. Thế rồi, thân tứ đại theo duyên tăng giảm, sau cơn bạo bệnh, Hòa thượng đã thuận thế vô thường thu thần viên tịch tại trú xứ chùa Bửu Hưng vào ngày 14 tháng 11 năm Quý Tỵ (nhằm ngày 16 tháng 12 năm 2013) trụ thế 65 năm, trãi qua 41 mùa an cư kiết hạ.


“Gương từ hạnh đức nối truyền,
Đại hùng Phật điện cảnh thiền trùng quang.
Bửu châu chiếu sáng muôn phương,
Hưng truyền Tịnh độ pháp môn cho đời.”

Năm 2014, Đại đức Thích Huệ Hạnh tiếp nối và bảo tồn giá trị ngôi nhà tâm linh mà Tổ thầy giao phó. Gánh nặng Phật sự trên đôi vai bé nhỏ mà sự trãi nghiệm Phật pháp chưa là bao. Đại đức đã đên nương theo Hòa thượng Thích Thiện Tâm, trụ trì chùa Phước Thành (chứng minh BTS Phật giáo huyện Gò Công Tây) làm Y chỉ sư trên bước đường tập sự hành đạo. 
Thực hiện di huấn của Tiền nhân: 
“Đạo pháp xương minh do Tăng già hoằng hóa, 
Thiền môn hưng thạnh do đàn việt phát tâm”. 

Vào năm 2016, Đại đức cùng tín đồ Phật tử trùng tu lại các hạng mục công trình nơi thờ tự được khang trang hơn, khuôn viên chùa được cải tạo lại thoáng mát, trồng cây kiểng hài hòa, tạo thêm nét đẹp văn hóa nơi thờ tự. Khuôn viên chùa được xây dựng hàng rào cách biệt với bên ngoài, phía trước Chánh điện gồm có cổng Tam quan, kế đến Tôn tượng Quán Âm lộ thiên an vị trong hồ bán nguyệt, bên trong Chánh điện thờ Tôn tượng Bổn sư Thích Ca, Tôn tượng Tam thế Phật, chất liệu được làm bằng xi măng, tả hữu Chánh điện có thờ Bồ tát Địa Tạng và Bồ tát Quán Âm. Đối diện Chánh điện thờ tôn tượng Hộ Pháp và Tiêu Diện Đại Sĩ. Ngôi Tổ đường thờ Tôn tượng Đạt Ma Tổ sư cùng di ảnh các đời trụ trì.

Ngôi phạm vũ ngày nay được khang trang thoáng mát, không gian rộng rãi, sạch đẹp cho hàng Phật tử tu học. Ngoài ra, Đại đức còn hướng dẫn Phật tử làm tốt chính sách an sinh xã hội theo sự chỉ đạo của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Gò Công Tây và chính quyền địa phương và có chương trình phóng sanh hàng tháng theo tinh thần từ bi của đạo Phật.
Hiện tại Đại đức Thích Huệ Hạnh là Ủy viên Ban Trị sự, Trưởng ban Kiểm soát Ban Trị sự GHPGVN huyện Gò Công Tây.
Ngôi chùa Bửu Hưng được Ủy ban Nhân dân huyện Gò Công Tây công nhận là cơ sở thờ tự văn hóa năm 2018.
Thật là: 
“Huệ khai tánh thể sáng ngời,
Hạnh lành sống mãi người người tôn vinh.”

Một số ảnh tư liêu:

Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang


Người viết : admin