H.Gò Công Tây: Lịch Sử Chùa Thiên Trường

Thứ hai, 26/07/2021, 16:30 GMT+7
H.Gò Công Tây: Lịch Sử Chùa Thiên Trường

H.Gò Công Tây: Lịch Sử Chùa Thiên Trường

LỊCH SỬ CHÙA THIÊN TRƯỜNG
(ấp Bình Trinh, xã Đồng Sơn, huyện Gò công Tây, tỉnh Tiền Giang)

Xưa kia tại phủ Tân Hòa, tỉnh Gia Định (một phần xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây hiện nay) dân cư đông đúc, cánh đồng mênh mông. Bên bờ sông Tra uốn lượn hiền hòa, có rừng lá chạy dài tới thôn Lợi An (chùa Thiên Trường hiện nay là cuối rừng lá). Tương truyền rằng, thuở đó có một vị du Tăng (Pháp hiệu Bửu Huệ), không biết từ đâu đến vùng Tân Hòa khất thực, dùng cơm xong trú ẩn trong rừng lá. Các vị Mục đồng ở thôn Bình Phục Nhì (nay là xã Bình Nhì) thả trâu đến rừng lá nghỉ ngơi và gặp vị Sư ở đó cất thảo am thờ các pho tượng Phật do các chú tự nặn.
Năm 1786 vị Sư đã khai phá rừng lá để xây dựng ngôi chùa với tên gọi là chùa Gia Lương. Vùng đất phủ Tân Hòa này là phủ lỵ thứ hai, nơi làm việc thời Pháp lúc bấy giờ. Chợ Dinh đông đúc người qua lại, đa phần là người có địa vị trong xã hội giàu có, nhiều đất ruộng, nhà cửa kiểu Tây đồ sộ như: bà Năm, bà Tám Huê, bà Chín Đào (đều là con gái của ông phủ Huỳnh Đình Khiêm). Các vị rất sùng tín đạo Phật, thường đến chùa Gia Lương lễ Phật và phát tâm cúng dường vài mươi mẫu ruộng để vị Tăng lo nhang khói cho Phật và trùng tu ngôi Chùa. 
Ánh sáng Phật pháp ở nơi đây được Hòa thượng Bửu Huệ (Tổ sư Khai sơn) khơi nguồn và truyền thừa qua nhiều thế hệ được lưu giữ cho đến ngày nay như: 

- Từ Lâm tế chánh tông, Thiên Trường đường thượng, tam thập thất thế, húy Chiếu Liễu, thượng Bửu hạ Huệ, đại lão Tổ sư khai sơn lập tự Hòa thượng Giác linh. (Bảo tháp còn lưu lại trong khuôn viên chùa)
- Từ Lâm tế chánh tong, Đức Lâm đường thượng tam thập bát thế, húy Minh Tịnh, thượng Bửu hạ Thanh, Đại lão Hòa thượng Giác linh.
- Từ Lâm tế chánh tong, Thiên Trường đường thượng, tam thập cửu thế, húy Như Châu, thượng Nguyệt hạ Hiện, Đại sư Giác linh. (Bảo tháp còn lưu lại trong khuôn viên chùa)
- Long Hòa đường thượng, tứ thập thế, húy Hải Hội, thượng Chánh hạ Niệm, Đại lão Hòa thượng Giác linh.
- Từ Lâm tế chánh tong, tứ thập nhứt thế, thượng Quả hạ Toàn, húy Tâm Trí, Nguyễn công Hòa thượng Giác linh. (1878 – 1948).
- Từ Lâm tế gia phổ, tứ thập thế, húy Hồng Danh, thượng Thiện hạ Dương, Nguyễn công Hòa thượng Giác linh. ( 1909 -1932). (Bảo tháp còn lưu lại trong khuôn viên chùa)
- Từ Lâm tế gia phổ, Thiên Trường đường thượng, tứ thập thế, húy Hồng Hiện, thượng Linh hạ Quang, Hòa thượng Giác linh.
Đến năm 1932, Hòa thượng húy Trừng Kế, thượng Pháp hạ Hoa, ở Tổ đình Thiên Thai (Bà Rịa) về trụ trì, đổi hiệu chùa Gia Lương thành Thiên Trường Tự cho đến ngày nay. 
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, các vị Hòa thượng đã tham gia phong trào Phật giáo cứu quốc, cụ thể như Hòa thượng Pháp Hoa làm Chủ tịch Phật giáo cứu quốc tỉnh Gò Công, đứng trong hàng ngủ Việt Minh. Ngài gom góp huê lợi ruộng đất của chùa được 1.700 giạ lúa đem giúp cho giải phóng quân, bộ đội vệ quốc đoàn. Năm 1949 Ngài chỉ thị cho đệ tử (ông Mười Ẩn) đem 19 bộ lư thau, 01 bộ lư đồng, 01 lư hương cắm nhang lớn bằng thau và 01 đại hồng chung hiến cho cách mạng đúc đạn để kéo dài cuộc trường chinh chống Pháp.
Năm 1956 Hòa thượng Tịnh Ngọc, húy Nhựt Khánh, đời thứ 41 dòng Lâm tế gia phổ được Phật tử tín đồ cung thỉnh về trụ trì hoằng dương chánh pháp, duy trì đến năm 1976 thì Ngài viên tịch. (Bảo tháp còn lưu lại trong khuôn viên chùa).
Trước khi Hòa thượng viên tịch đã truyền thừa lại ngôi chùa cho đệ tử là Đại đức Thích Trí Đạt hiệu Thiện Minh trụ trì. 

Trước năm 1975, Đại đức Trí Đạt (nay là Hòa thượng Trí Đạt - Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN huyện Gò Công Tây) là một Tăng sĩ được Hòa thượng ân sư cho tham học tại các trường Phật học và các bậc Tôn túc Trưởng lão tại Sài Gòn. Hòa thượng đã am hiểu giáo lý, có tài biện luận rất thông suốt và là vị giảng sư trong Đoàn Giảng sư trung ương lúc bấy giờ. Khi đất nước được thanh bình, Ngài trở về chốn Tổ, nối thạnh dòng thánh, tiếp bước ân sư phát huy ánh sáng chánh pháp, dòng Tào Khê được trường lưu trên đất khách Ta bà.
“Hoằng pháp vi gia vụ - Lợi sanh vi bổn hoài” là phương châm hành đạo của Hòa thượng. Hòa thượng luôn chuyên tu tụng kinh bái sám, lễ Phật, thiền định để thanh lọc thân tâm, dứt trừ phiền não. Hạnh đức của Hòa thượng được lan xa, nhiều vị Tăng Ni các nơi đến tham vấn, học hỏi nơi Ngài. Ngài còn tiếp Tăng độ chúng, nhiều Phật tử đến học hỏi giáo lý và thế phát xuất gia.
Song song với hạnh nguyện hoằng pháp, Hòa thượng còn bắt tay vào việc trùng hưng ngôi Tam bảo. “Tác Như Lai sứ - hành Như Lai sự” là trách nhiệm thiêng liêng của người Tăng sĩ. Hòa thượng luôn thực hành theo lời dạy của Hòa thượng Thiện Hoa “Nơi nào chúng sanh cần ta đến, nơi nào Đạo pháp cần chúng ta đi, chẳng kể gian lao, không từ khó nhọc” cho dù tuổi đã cao, không đầy đủ sức khỏe, với tâm nguyện độ sanh, sự phát tâm tu học của hàng Phật tử.

Hội đủ duyên lành, vào ngày 17 tháng 11 năm Mậu Tý (2008) Hòa thượng cùng hàng thiện nam tín nữ phát tâm xây dựng lại ngôi Đại hùng Phật điện được trang nghiêm, rộng rãi cho bá tánh thập phương về chiêm ngưỡng, lễ bái trong những dịp tam nguơn tứ quí. Ngôi Chánh điện được xây dựng với diện tích 255m2 (dài: 17 m, ngang:15m) với chất liệu bê tông cốt thép theo kiến trúc xây dựng thượng tầng hạ hiên, mái lợp tole thông thoáng được nối liền ngôi nhà Tổ cổ kính bằng Đông lang và Tây lang, giữa có giếng trời để lấy ánh sáng cho ngôi nhà Tổ.
Ngôi nhà Tổ cổ kính được Hòa thượng bảo tồn và duy trì theo kiến trúc 3 gian, 2 cháy, lợp ngói âm dương. Hiện nay chùa còn lưu giữ nhiều tượng Phật bằng gỗ cũ xưa, hoàng phi, liễn đối tạo vẽ linh thiêng nơi đất già lam cổ kính.
Năm 2012 với công đức và hạnh nguyện của mình, Hòa thượng được Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong lên ngôi Hòa thượng, và cũng trong nhiệm kỳ VII của Giáo hội cấp huyện, Hòa thượng được cung thỉnh vào ngôi Hòa thượng Chứng minh BTS đến ngày nay.

Năm 2015 Hòa thượng còn cho xây dựng ngôi Giảng đường Bửu Huệ (ghi lại công đức của Hòa thượng Tổ khai sơn) thật trang nghiêm, không gian thoáng mát cho hàng Phật tử về tu học một ngày an lạc. Hòa thượng hướng dẫn Phật tử tu Niệm Phật và thực hành theo hạnh nguyện của đức Từ phụ A Di Đà để lợi lạc cho tự thân, gia đình. Khóa tu Niệm Phật được Hòa thượng duy trì mãi đến ngày nay.
Để tạo không gian Phật pháp cho mọi người chiêm bái cũng như hiểu được cuộc đời đức Phật, các vị Thánh chúng, Hòa thượng cho xây dựng các hạng mục phụ thuộc như: bốn góc hồ sen, xây bốn hòn núi giả sơn thờ 04 vị Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Địa Tạng; khu vườn Lâm Tỳ Ni, vườn Lộc Uyển, Đức Phật thiền định, Đức Phật nhập Niết bàn, đài Di Lặc…Chỉnh trang vườn hoa kiểng xanh tươi, tạo vẽ mỹ quang cho cảnh già lam thiền vị, giúp cho Phật tử an vui khi buổi trưa hè nắng chói chan.
Thực thi lời Phật dạy vào đời sống tu học “Phục vụ chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”. Hòa thượng thường hướng dẫn hàng Phật tử chia sẻ cùng bà con nghèo những phần quà vào các dịp tết, các ngày rằm lớn để xoa dịu nỗi khó khăn. Đóng góp các công trình phúc lợi tại địa phương và hướng dẫn tín đồ làm tốt nội qui của Giáo hội, Pháp luật nhà nước, xứng đáng là người công dân có đạo.
Ngày nay, hình ảnh ngôi chùa, tiếng chuông mãi vang vọng trong lòng người dân vùng quê Đồng Sơn mến yêu này. 
Thật là:
“Bửu Huệ khai sơn ngôi chùa cổ.
Gia Lương tên gọi thuở ban sơ.
Mạch mạng trường lưu bao thế hệ.
Tứ chúng nương nhờ bóng Tăng thân.
Thiên Trường vĩnh cửu ân tế độ.
Pháp Hoa hòa thượng nhớ ơn sâu.
Thiện tín vãng lai nương giáo nghĩa.
Phật quang tỏa chiếu vạn đời sau.”

Một số ảnh tư liệu:

Ban Biên Tập Lịch Sử Tự Viện Tỉnh Tiền Giang


Người viết : admin