Tiền Giang: Buổi thảo luận chuyên ngành Tăng sự tại khóa Kiết Đông năm 2023

Thứ năm, 21/12/2023, 13:16 GMT+7
Tiền Giang: Buổi thảo luận chuyên ngành Tăng sự tại khóa Kiết Đông năm 2023

Tiền Giang: Buổi thảo luận chuyên ngành Tăng sự tại khóa Kiết Đông năm 2023

PGTG - Sáng ngày 21/12/2023, ngày thứ 9 tại khóa Kiết đông lần thứ nhất do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang tổ chức, Thượng tọa Thích Quảng Lộc - UV HĐTS, Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang chủ trì buổi thảo luận chuyên đề về ngành Tăng sự với chư hành giả tham dự khóa Kiết Đông năm Quý Mão.

Khóa huân tu Kiết Đông lần thứ nhất (năm 2023) do BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang tổ chức tại chùa Vĩnh Tràng (ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho) từ ngày 01 đến ngày 10/11 năm Quý Mão, có 83 chư Tôn đức là Thành viên BTS GHPGVN tỉnh, chư Tôn đức là Chánh, Phó, Thư ký các Ban trực thuộc và BTS GHPGVN các huyện thị thành trong tỉnh tham dự.

Sáng nay theo lịch Ban Tổ chức đã thỉnh Hòa thượng Thích Huệ Thông - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Pháp chế Trung ương GHPGVN về chia sẻ chuyên đề ngành Pháp chế đến chư hành giả, nhưng vì Hòa thượng có duyên sự đặc biệt nên không về với khóa tu này được; vì vậy Ban Tổ chức có buổi trao đổi chuyên ngành hôm nay. Chư tôn đức hành giả có những điều gì trăn trở xin cứ nêu lên để được trao đổi, tìm phương pháp giải quyết tốt nhất.
Buổi trao đổi hôm nay cũng có TT.Thích Nhuận Đức - Phó trưởng BTS, Phó Thường trực kiêm Chánh Thư ký Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh; ĐĐ.Thích Huệ Phát - Phó trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh đồng Chủ tọa.
Phát biểu đề dẫn cho buổi làm việc, TT.Thích Quảng Lộc cho biết buổi làm việc nay chỉ xoay quanh thảo luận đến đời sống sinh hoạt của Tăng Ni chính thống, không bàn về các hoạt động của những người giả danh tu sĩ hay các vị tu hành không thuộc trong danh bộ Tăng Ni của Giáo hội quản lý. Đối tượng quản lý của BTS là chư Tăng Ni, tự viện trong Giáo hội.

Tại buổi trao đổi, chư Tôn đức lãnh đạo BTS Phật giáo các huyện, thị, thành có nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh vấn đề giải quyết chuyển đổi quyền sử dụng đất sang đất Tôn giáo tại các tự viện và nhân sự thành lập Ban Quản trị cơ sở tự viện.

- TT.Thích Đức Thắng – UVTT BTS GHPGVN tỉnh Trưởng BTS Phật giáo huyện Tân Phước đặt câu hỏi: Các tự viện có nhất Tăng nhất tự có thể mời chư huynh đệ trong môn phong về phụ giúp trong Ban Quản trị được không? Có quy định số tuổi của Phật tử khi tham gia Ban Quản trị không? Có thể mời chư Tăng Pháp lữ ngoài tỉnh về trong Ban Quản trị được không?

Về việc này, ĐĐ.Thích Huệ Phát trả lời: Hiến chương quy định về quản lý hành chánh thì Tăng Ni ngoài tỉnh không thuộc đối tượng BTS GHPGVN tỉnh nhà quản lý, BTS Phật giáo tỉnh chỉ quản lý chư Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh. 

- TT.Thích Minh Đạo – UV BTS GHPGVN tỉnh, Phó Thường trực BTS Phật giáo huyện Gò Công Đông hỏi: Một vị Tăng có thể vừa là Trưởng ban Quản trị (BQT) chùa này kiêm phó BQT chùa khác được không? - ĐĐ.Thích Huệ Phát trả lời, trong Hiến chương không quy định một người chỉ được trụ trì một chùa.
- HT.Thích Bửu Hòa – UVTT BTS, Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo tỉnh, Trưởng BTS Phật giáo huyện Gò Công Đông có Kiến nghị BTS GHPGVN tỉnh có biện pháp giúp cho các vị Tăng sĩ là người trong tỉnh nhưng xuất gia ở các tỉnh khác, nay trở về xin nhập danh bộ và sinh hoạt trong tỉnh.

- TT.Thích Giác Nguyên – Phó trưởng BTS GHPGVN tỉnh, Trưởng BTS Phật giáo TX.Gò Công hỏi: Những ngôi chùa gia tộc, còn vướn đến việc chuyển quyền sử dụng đất tôn giáo, BTS có biện pháp gì để quan tâm hỗ trợ cho các vị đó thành lập BQT không? Vị tu sĩ không ở chùa mà ở am cốc, BTS địa phương không ký cho thọ giới, các vị đó đi nhờ ở các tỉnh khác để thọ giới, hôm nay xin nhập danh bộ Tăng Ni vậy có chấp thuận không?

- TT.Thích Thiện Nguyện – UVTT BTS GHPGVN tỉnh, Trưởng BTS Phật giáo huyện Chợ Gạo hỏi: Vị Trưởng BTS Phật giáo huyện đã có danh bộ Tăng Ni tại một cơ sở tự viện vậy có thể đứng tên danh bộ Tăng Ni tại Trụ sở Văn phòng BTS Phật giáo huyện được không?

- ĐĐ.Thích Minh Thiền – UV BTS GHPGVN tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực BTS Phật giáo TX.Cai Lậy hỏi: Người trụ trì một ngôi chùa vắng hợp lệ nhiều lần, BTS có thư mời vẫn không đi thì phải làm sao? Vị trụ trì đã mất từ lâu, ngôi tự viện đó được người nhà quản lý và không chịu giao lại cho Giáo hội vậy phải làm sao? Vị trụ trì do bệnh duyên đi trị bệnh thời gian dài, cử người trong coi chùa nhưng không phải là Tăng Ni thuộc địa phương quản lý vậy phải làm sao?

- ĐĐ.Thích Phước Nhân – Phó trưởng BTS GHPGVN huyện Cai Lậy hỏi: Vị trụ trì thế phát cho các chú tiểu nhỏ có cần lập giấy tờ gì không, vì chưa đủ tư cách để làm giấy phát nguyện xuất gia?

- NT.Tịnh Nghiêm – Phó trưởng BTS, Trưởng PBNG tỉnh Tiền Giang hỏi: Vị tu sĩ ở huyện này được mời vào trong BQT chùa ở huyện khác có cần chuyển sinh hoạt tôn giáo về chùa đó không?

Với các câu hỏi trên: Về phía văn phòng BTS, ĐĐ.Thích Huệ Phát trả lời: sẽ giải quyết theo khung quy định và hướng dẫn của Hiến chương Giáo hội và Pháp luật Nhà nước quy định. Tùy vào từng trường hợp chư Tôn đức có văn bản đệ trình thì BTS sẽ căn cứ và có biện pháp giải quyết cụ thể.
Về phía Văn phòng Ban Tăng sự, TT.Thích Nhuận Đức cho rằng: Việc chư Tăng Ni mặc dù là người trong tỉnh nhưng xuất gia ở tỉnh khác, khi đề cử vào BQT hay các công tác khác của Giáo hội thì ngành Tăng sự phải xem xét tư cách từng cá nhân cụ thể, vì vậy không thể trả lời chung tại đây là được hay không được.

Thượng tọa cũng nhắc nhở chư Tôn đức Trụ trì các tự viện về quy trình sau khi tiếp nhận văn bản đồng thuận của BTS cho xuất gia nhập danh bộ, hay xuống danh bộ Tăng Ni đều phải gửi văn bản đồng thuận của BTS (bản photo) báo với chính quyền địa phương (cấp xã) để biết.

 

Với tư các là Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh, TT.Thích Quảng Lộc đã dành thời gian xâu kết lại các câu hỏi của chư Tôn đức và định hướng giải quyết. Thượng tọa cho rằng mọi công việc của ngành Tăng sự phải căn cứ trên cơ sở Hiến chương Giáo hội và Quy chế hoạt động của Ban Tăng sự Trung ương; đồng thời chư Tôn đức phải thể hiện lòng từ bi của người đệ tử Phật để giải quyết các sự việc hợp lý và tình người. Ở đây Thượng tọa cũng nhấn mạnh không được lạm dụng lòng từ bi quá mức để dẫn đến sự ngược lại với định hướng của Giáo hội và gây hiềm khích của cộng đồng.
+ Về các tự viện liên quan đến gia tộc quản lý, như trong kế hoạch thành lập BQT mà Thường trực BTS đưa ra, đây là các tự viện sẽ giải quyết trong giai đoạn 3; đến lúc đó chúng ta sẽ giải quyết từng tự viện một trên căn bản pháp lý và theo quy trình.
+ Vị Tăng Ni tại tự viện này được đến tham gia trong BQT tự viện khác nhưng chỉ là người trong tỉnh và chỉ làm phó ban, đồng thời không được đảm nhận quá 02 phó BQT tự viện.
+ Việc thành lập cơ sở trực thuộc là cần thiết để phương tiện hoằng pháp độ sinh, tuy nhiên phải dựa trên nền tảng Pháp luật Nhà nước cho phép. Vậy nên chư Tôn đức lãnh đạo Phật giáo tại địa phương phải có trách nhiệm rà soát lại các nơi tự phát để có hồ sơ đệ trình hướng dẫn giúp đỡ.
+ Việc hợp thức hoá tư cách Tu sĩ cho chư Tăng Ni trong tỉnh do đã xuất gia ngoài tỉnh, nay muốn trở về cộng sự với Phật giáo tỉnh nhà là cần thiết nhưng phải qua quá trình thẩm định lại tư cách cá nhân tu tập trước đây.
+ Các tự viện không tham gia công tác Giáo hội, không hội hợp thì xử lý theo hướng dẫn của Nội quy ban Tăng sự quy định.
+ Nếu trẻ em sơ sinh bỏ trước chùa thì thực hiện theo quy trình nhận nuôi. Nếu trẻ nhỏ được cha mẹ cho vào chùa tu hành điệu thì được nhận, nhưng chỉ dạy tu học mà không vội nhập hộ khẩu vào chùa, phải đợi đến khi các vị ấy đủ tư cách nhận thức và thật sự phát tâm xuất gia.
Trước khi kết thúc buổi thảo luận, TT.Thích Quảng Lộc kính chúc chư Tôn đức nhiều sức khỏe để hoàn thành các Phật sự sắp tới. Thượng tọa cho rằng buổi thảo luận hôm là định hướng chung, nếu trong quá trình thực hiện, địa phương nào còn gặp vướng mắc thì liên lạc trực tiếp với hai Văn phòng để được tư vấn, giúp đỡ.

XEM VIDEO BUỔI THẢO LUẬN TẠI ĐÂY

Ban TT-TT PGTG


Người viết : admin