Tiểu Sử Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hòa

Chủ nhật, 11/10/2020, 18:13 GMT+7
Tiểu Sử Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hòa

Tiểu Sử Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hòa

TIỂU SỬ
HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN HÒA 
(1945-2020)
vvv_2
 
I - THÂN THẾ:
Hòa thượng Thích Thiện Hòa thế danh Võ Văn Năm, sinh ngày 12 tháng 8 năm 1945 (Ất Dậu) tại ấp 1, xã Phú An, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang trong một gia đình trung nông, sùng kính Tam Bảo. Thân phụ Ngài là cụ ông Võ Văn Mười, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Chính. Ngài là con trai út trong gia đình có 5 anh chị em. 
II - XUẤT GIA TU HÀNH:
Thiếu thời Ngài hay theo mẹ đến chùa lễ Phật thăm anh. Nhân duyên với Tam Bảo buổi đầu chỉ có thế, nào ngờ câu kinh tiếng kệ đượm thắm tâm thiền học giác ngộ dần dần kết nụ. Năm 3 tuổi (1948 ) rủ bỏ trần duyên Ngài vào chùa Phước Long xuất gia tu học với ngài Chơn Diệu.
Sau khi xuất gia, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho đi học trường làng và rước thầy về chùa dạy chữ Nho để Ngài được tiếp cận chữ Hán và Tam Thiên Tự. Trải qua những năm đầu khai tâm học đạo, Ngài luôn siêng năng chấp tác hành điệu, hiếu học kinh, luật và quy cũ thiền môn.
Năm 19 tuổi (1963), Ngài được Hòa thượng Bổn Sư cho thọ giới Sa Di tại chùa Kim Tiên (huyện Cai Lậy) do Hòa thượng Như Ngọc làm Hòa thượng Đường đầu truyền giới. Từ đó Ngài tiếp tục trao dồi đức hạnh để tiến tu đạo nghiệp.
Năm 24 tuổi Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại Giới đàn chùa Phật Ấn ở Sài Gòn do Hòa thượng thượng Huệ hạ Chiếu làm Hòa thượng Đường đầu.
Sau khi đắc pháp Ngài nỗ lực tu hành, thúc liễm thân tâm, trao dồi giới đức. Nhận thấy Ngài có tư chất học Phật, những mong phát túc siêu phương nghiêm tầm giáo điển nên Hòa thượng Bổn Sư tiếp tục cho Ngài đến tham học với Hòa thượng Pháp Tịnh ở chùa Kỳ Viên (huyện Cái Bè).
Từ năm 1961 đến năm 1967 Ngài còn theo học đạo với Hòa thượng Pháp Dõng, Hòa thượng Pháp Tịnh, Hòa thượng Pháp Long, Hòa thượng Pháp Thoại. Tại chùa Kim Tiên, Ngài còn được chư Hòa thượng dạy cho biết cách bắt mạch và bốc thuốc trị bệnh cho bá tánh. Lúc này, Hòa thượng Pháp Thoại làm trụ trì chùa Kim Tiên đã cùng với Hòa thượng Pháp Tràng và ông Bảy Mè hướng dẫn Ngài tham gia hoạt động Cách mạng, góp phần giành độc lập cho đất nước.
III - HÀNH  ĐẠO VÀ HOẰNG PHÁP:
Từ năm 1963 cho đến năm 1975, Ngài đã có nhiều đóng góp cho Cách mạng, nhất là ở xã Phú An.
Sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, Từ năm 1997 đến năm 2001 Ngài được bầu làm thành viên Mặt trận Tổ quốc xã Phú An. Trong giai đoạn này, một mặt Ngài lo hoằng dương Phật pháp, cùng với tín đồ trùng tu lại ngôi chùa Phước Long cho Phật tử có nơi trở về tu học Phật pháp; Mặt khác, Ngài đã tích cực vận động Phật tử và nhân dân cùng tham gia vào các công tác từ thiện xã hội như: làm cầu nông thôn, cất nhà tình thương, phát quà cứu trợ người nghèo, ủng hộ thanh niên lên đường bảo vệ tổ quốc, giúp đỡ học sinh nghèo có điều kiện đến trường …. Góp phần cùng với chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, theo đúng với tinh thần “Phật pháp bất li thế gian giác”.
Năm 1985 đến năm 2010, Ngài được chư Tăng trong huyện thỉnh làm Đại diện Phật giáo liên xã Phú An và được thỉnh vào làm Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo huyện Cai Lậy. Trong những năm này, Ngài luôn được chư Tôn đức cử làm Chánh na, Thiền chủ tại các Khóa An cư Kiết hạ do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang tổ chức.
Với công hạnh tu tập và hành đạo, Hòa thượng được chư Tôn đức Hội đồng Chứng minh GHPGVN tấn phong lên hàng Giáo phẩm Thượng tọa năm 2002 và Giáo phẩm Hòa thượng năm 2012 trong kỳ Đại hội Phật giáo toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội.
Ngày 28/8/2014, Ngài được cung thỉnh lên hàng Giáo phẩm Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang; Chứng minh BTS Phật giáo huyện Cai Lậy cho đến nay.
Dù ở cương vị nào, Ngài đều coi là Phật sự và là một phương tiện để hoằng dương Phật pháp. Là một Tu sĩ Phật giáo hết lòng cống hiến cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, Ngài đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc vận động Tăng Ni, Phật tử thành lập Ban Đại diện Phật giáo huyện Cai Lậy trong thời kì mới thành lập Giáo hội, xây dựng và bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc phục vụ đất nước. Ngài còn là một bậc Tôn sư khả kính đã có nhiều công lao giáo dưỡng và dìu dắt môn đồ đệ tử trưởng thành, tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức.
Có thể nói, Hòa thượng Thích Thiện Hòa luôn là bóng cây đại thụ che mát cho Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh nhà. Hòa thượng thường xuyên tham dự và chứng minh các lễ hội cũng như sinh hoạt Phật sự trong tỉnh, góp phần xây dựng và phát triển Giáo hội ngày càng thêm trang nghiêm vững mạnh trong lòng dân tộc.
Với công đức cao dày đã hiến dâng cho đạo pháp và dân tộc, Ngài được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Ủy ban Nhân dân, UB MTTQVN huyện Cai Lậy, xã Phú An và nhiều Bằng Tuyên dương Công đức của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang trao tặng.
Ở vào độ tuổi ngoài thất tuần (76 tuổi), nhưng với trọng trách của người “Trụ Pháp vương gia; Trì Như Lai tạng”, Hòa thượng đã phát nguyện tận tâm trùng tu lại công trình chùa Phước Long đang bị xuống cấp bởi sự vô thường của dòng thời gian biến dịch. Lễ khởi công xây dựng vào ngày 12 tháng 2 năm Mậu Tuất (28/03/2018). Đây là lần trùng tu lớn kể từ năm 1969 cho đến ngày nay. Hòa thượng đã cho xây dựng lại ngôi Chánh điện, Tổ đường, Đông lan, Tây lan và rất nhiều hạng mục khác để phục vụ cho Phật tử và bá tánh thập phương trở về chiêm bái, tham dự các khóa tu học Phật pháp. Công trình trùng tu đang đến hồi viên mãn, ước nguyện tổ chức lễ Lạc thành tạ ơn Tam Bảo của Hòa thượng chưa được thực hiện thì Ngài đã hóa duyên ký tất, để lại cho GHPGVN tỉnh Tiền Giang, huyện Cai Lậy và môn đồ tứ chúng bao ngậm ngùi rơi lệ.
VI - THỜI KÌ VIÊN TỊCH:
Ngày 25/9/2020 (mùng 9 tháng 8 năm Canh Tý) Hòa thượng lâm bệnh nặng và được hàng đệ tử đưa vào nhập viện trị bệnh tích cực tại Bệnh viện Thống nhất TP.Hồ Chí Minh. Mặc dù cơn bạo bệnh hoành hành nhưng Ngài vẫn sáng suốt nhất niệm, nhớ kĩ và rất rõ các Phật sự còn dang dỡ, Ngài vẫn thường xuyên nhắn nhũ Tăng Ni, Phật tử đến thăm viếng phải đoàn kết một lòng phát huy truyền thống phụng đạo yêu nước của Phật giáo Việt Nam góp phần làm tốt đạo đẹp đời.
Hạnh nguyện hoằng dương Phật pháp và tế độ quần sanh của Ngài đã viên mãn, luật vô thường đã đưa Ngài về Tây phương kiến Phật vào hồi 13h45’ ngày 9/10/2020 (nhằm ngày 23 tháng 8 năm Canh Tý). Trụ thế 76 năm, hạ lạp 52 năm.
Hởi ơi:
“Bảy mươi sáu năm giữa cõi đời
Hạnh người Tu sĩ vẫn còn đây:
Trùng kiến Phước Long thêm rạng rỡ,
Chánh pháp truyền lưu Phú An này.
Thiền đường mấy chục năm gìn giữ,
Đạo pháp thừa đương vẹn ý Thầy.
Bổn nguyện viên thành về chốn cũ
Ta bà gửi lại “vết nhạn bay”.
Hóa thành cực lạc vui thính Phật,
Già lam gởi lại lớp sau xây.
Lời giã từ chung lo Phật sự,
Tông phong Tổ ấn mãi trùng quang."
Phụng vì Tân viên tịch, Phước Long đường thượng, Từ Lâm tế Gia phổ, Tứ thập Nhất thế húy Nhật Thiện, thượng Thiện hạ Hòa, hiệu Thông Hòa, tự Đắc Thành, Võ công Hòa thượng Giác linh chứng giám.
v4_12

Người viết : admin