Thượng tọa Thích Nhuận Liên thuyết giảng đề tài “Chánh niệm trong cuộc sống hằng ngày” tại Khóa tu chùa Tân Long, huyện Châu Thành

Thứ bảy, 08/10/2022, 15:06 GMT+7
Thượng tọa Thích Nhuận Liên thuyết giảng đề tài “Chánh niệm trong cuộc sống hằng ngày” tại Khóa tu chùa Tân Long, huyện Châu Thành

Thượng tọa Thích Nhuận Liên thuyết giảng đề tài “Chánh niệm trong cuộc sống hằng ngày” tại Khóa tu chùa Tân Long, huyện Châu Thành

PGTG – Ngày 04/10/2022 (nhằm ngày 9/9 năm Nhâm Dần), tại Khóa tu “Một ngày Thiền tập” dành cho quý Phật tử tại chùa Tân Long (xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), Thượng tọa Thích Nhuận Liên – UV BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Phó trưởng Ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh Tiền Giang đã chia sẻ đề tài “Chánh niệm trong cuộc sống hằng ngày” đến với các khóa sinh.

Khóa tu “Một ngày Thiền tập” được Đại đức Thích Huệ Phát – Phó trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Trụ trì chùa Tân Long thành lập để hướng dẫn Phật tử tu tập và hành thiền Vipassana mỗi tháng hai kỳ vào ngày mùng 9 và 23 âm lịch. Chương trình tu học như sau: 7h00: ăn sáng; 7h30: Tụng kinh Tứ Niệm Xứ; 8h30: Tọa thiền; 9h30: Thiền hành 10h30 cúng ngọ Phật; 11h00: thọ trai; 12h00: chỉ tịnh; 13h00: Thức chúng; 13h30: Tụng kinh Vạn Phật; 14h30: Tọa thiền; 15h30: Nghe pháp; 16h30: Hoàn mãn.

Tại khóa tu lần này, Đại đức Trụ trì đã cung thỉnh Thượng tọa Thích Nhuận Liên – UV BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Phó trưởng Ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh Tiền Giang đến thuyết giảng Phật pháp cho quý Phật tử. Thượng tọa đã chia sẻ đề tài “Chánh niệm trong cuộc sống hằng ngày” để quý Phật tử nắm vững hơn việc quản trị tâm lý và cảm xúc của mình trong các mối giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống thường nhật; từ đó tạo ra những mối quan hệ thân thiện và có thêm nhiều niềm vui trong sinh hoạt đời thường, mang lại an lạc và hạnh phúc cho mình cùng tha nhân.

Chánh niệm (sati) là trí nhớ ghi nhận những gì đang xảy ra ngay trong hiện tại. Tỉnh giác (saṁpajañña) là sự hiểu biết rõ ràng. Trong thiền tập, tỉnh giác có nghĩa: thấy đề mục một cách rõ ràng và quân bình. Hai pháp này thường đi đôi với nhau và được gọi chung là Chánh niệm - Tỉnh giác (satisaṁpajañña).
Ý nghĩa là ghi nhận những hiện tượng thân tâm đang xảy ra ngay bây giờ, và thấy chúng một cách chính xác, trọn vẹn và biện biệt.
● Đặc tính của chánh niệm là chìm sâu vào đề mục chứ không hời hợt, bềnh bồng trên bề mặt.
● Công năng của chánh niệm là không xa rời đề mục, bám giữ đề mục.
● Biểu hiện của chánh niệm là đối diện với đề mục và bảo vệ tâm khỏi sự chi phối của phiền não.
● Nguyên nhân phát sinh chánh niệm là sự ghi nhận chính xác, tức thì và liên tục đề mục đang sanh khởi.

Như vậy, nhiệm vụ của thiền sinh là chánh niệm ghi nhận tất cả các đối tượng tốt cũng như xấu đang sanh khởi, nổi bật trong hiện tại một cách khách quan mà không lựa chọn, phân biệt hay phê phán.
Chánh niệm chỉ đơn thuần chấp nhận mọi thứ nó nhìn thấy được. Nếu chúng ta muốn tiến bộ trong sự chánh niệm, sự chấp nhận nhẫn nại là con đường duy nhất. Chánh niệm chỉ phát triển được bằng một cách duy nhất: thực hành liên tục sự chánh niệm, nỗ lực để có được chánh niệm, và điều đó có nghĩa là phải kiên nhẫn. Tiến trình này không thể bị ép buộc và vội vàng. Không ép và không thúc. Nó tiến theo trình tự và tốc độ của chính nó.

Khi đang ở trong trạng thái chánh niệm, bạn sẽ thấy được bản thân mình là gì, đích thực như-nó-là. Bạn thấy rõ hành vi ích kỷ của mình. Bạn thấy được sự khổ đau của mình. Và bạn thấy được những cách thức, đường lối mà chúng ta tạo ra đau khổ. Bạn thấy được bạn làm tổn tương người khác như thế nào. Bạn chọc thủng cái lớp tường được xây bằng những sự dối lừa mà bạn thường xuyên nói với chính mình; và sau lớp tường đó, bạn thấy rõ đích thực cái gì ở trong đó. Chánh niệm dẫn đến trí tuệ.

Quý Phật tử đã rất vui khi tham dự Khóa tu và được lắng nghe thời Pháp thoại vô cùng ý nghĩa này. Đây là cơ hội để các khóa sinh thực tập chánh niệm, biết nhìn vào tâm mình, thấy được những điều mình yêu ghét, từ đó hóa giải được những nỗi khổ niềm đau, tạo thêm nguồn an lạc trong cuộc sống thường nhật.

Thông tin Ban Hoằng pháp Phật giáo Tiền Giang


Người viết : admin