Tiểu Sử Hòa Thượng Huệ Đăng (1794-1864) - Sơ Khai Tổ Đình Vĩnh Tràng

Thứ ba, 25/07/2023, 20:06 GMT+7
Tiểu Sử Hòa Thượng Huệ Đăng (1794-1864) - Sơ Khai Tổ Đình Vĩnh Tràng

Tiểu Sử Hòa Thượng Huệ Đăng (1794-1864) - Sơ Khai Tổ Đình Vĩnh Tràng

TIỂU SỬ HOÀ THƯỢNG HUỆ ĐĂNG

(1794-1864)

SƠ KHAI TỔ ĐÌNH VĨNH TRÀNG

Căn cứ vào long vị được thờ tại chùa Vĩnh Tràng, Hoà thượng Huệ Đăng thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 38, pháp hiệu Minh Liễu sinh năm Giáp Dần (1794) và viên tịch năm Giáp Tý (1864). Bên cạnh đó trên di chỉ hình ảnh tôn tượng được tạc tại trước bảo tháp Huệ Đăng có ghi: “Hoà thượng là người khai sơn tổ đình Vĩnh Trường vào năm Tự Đức thứ 2, vị trụ trì đầu tiên của tổ đình Vĩnh Trường từ năm (1849-1864)”. Ngài được sinh ra trong một gia đình thuần tín Tam Bảo.

Chưa thấy có sử liệu nào ghi lại ngày tháng năm Hoà thượng xuất gia lúc bao nhiêu tuổi, quê quán cũng như thân phụ và thân mẫu của Ngài. Chỉ biết Ngài là đệ tử Tổ đình Đức Lâm (hay còn gọi là chùa Bà Lớn) là ngôi chùa cổ được thành lập sớm nhất trên vùng đất Mỹ Tho (hiện nay toạ lạc ở ấp Mỹ Thanh, xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Hoà thượng Huệ Đăng cầu pháp với Hoà thượng Tiên Thiện Từ Lâm, thuộc đời thứ 38 thiền phái Lâm Tế. Hoà thượng Từ Lâm thế danh là Phạm Văn Ở, là một trong những vị Hoà thượng nổi tiếng được vua Minh Mạng phong Tăng cang, từng trụ trì chùa Sắc Tứ ở Gia Định là người khai sơn Tổ đình Bửu Lâm ở Mỹ Tho. Hiện nay tại chùa Vĩnh Tràng có long vị thờ Ngài. (Theo sách Chùa Bửu Lâm ở Tiền Giang của tác giả Cao Tự Thanh – Trương Ngọc Tường).

Rồi đến độ Tâm Bồ đề khai phát với chí nguyện:

“Phù xuất gia giả

Phát túc siêu phương

Tâm hình dị tục

Thiệu long thánh chủng

Chấn nhiếp ma quân

Dụng báo tứ ân

Bạt tế tam hữu.

Hoà thượng Huệ Đăng đã trở thành một vị xuất gia tu học tinh tấn, hết lòng tham cứu chuyên tinh giới luật nơi thiền môn, chính vì thế Ngài tinh thông kinh điển và hành trì miên mật. Với phong thái thanh thoát hội đủ quý tướng của vị Tỳ - kheo đệ tử Phật, do đó luôn được các tín đồ Phật tử kính trọng công hạnh và nương theo thực hành tu tập.

Vào đầu thế kỷ XIX, ngôi chùa Vĩnh Tràng được thành lập do ông bà Bùi Công Đạt là một vị quan dưới triều vua Minh Mạng từ năm (1820-1840), vì lòng mộ đạo kính tin Tam Bảo nên đã mua một mảnh đất rộng: “Của người bạn đồng liêu là ông tri huyện Tuyết, ở Làng Mỹ Phong, tổng Thạnh Phong, tỉnh Định Tường” để xây cất ngôi thảo am làm nơi thờ Phật, cho người dân xung quanh đến lễ bái đồng thời là nơi tu tập lúc tuổi về hưu; ngôi chùa nhỏ đã được dựng lên vào năm Canh Tý (1840), lúc bấy giờ chùa mang tên là “chùa Ông Huyện”, vẫn chưa có người trụ trì nên ông bà Huyện Đạt thỉnh Hoà thượng Huệ Đăng về trụ trì chùa.

 Ông Huyện Đạt có hai người con là Bùi Công Lập và Bùi Công Hiệu. Ông Hiệu khởi nghĩa chống Pháp và hy sinh ở Bình Định. Gia đình ông Bùi Công Đạt tuy ở Mỹ Tho nhưng gốc miền Trung, rất có uy tín với chùa Giác Lâm ở Gia Định (hiện nay toạ lạc tại phường 10, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) nên nhiều người đã lầm tưởng Hoà thượng Minh Liễu Huệ Đăng được rước từ chùa Giác Lâm về trụ trì chùa Vĩnh Tràng. Điểm lưu ý ở đây trong lịch sử chùa Giác Lâm không thấy nhắc đến tên Ngài (Hòa thượng Huệ Đăng) và cũng không có bài vị thờ Ngài.

Tuy nhiên, cũng có tư liệu cho rằng Hoà thượng Huệ Đăng đã được Hoà thượng Minh Khiêm Hoằng Ân giới thiệu Ngài từ chùa Giác Lâm về trụ trì chùa Vĩnh Tràng, đây là dựa trên cơ sở vào thế kỷ XVIII tại tổ đình Giác Lâm là trung tâm đào tạo Tăng tài dưới thời tổ Viên Quang, chính vì điều này nên các vị học Tăng nơi đây sau khoá học đã trở về các trú xứ trụ trì, hành đạo tại các chùa ở Nam Bộ trong đó có chùa Vĩnh Tràng, thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ. Có thể vì chi tiết này nên lịch sử đã ghi lại và căn cứ vào đây nên đồng thời cho rằng sự truyền thừa dòng kệ của Hoà thượng Huệ Đăng là đời thứ 35 thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ theo bài kệ truyền thừa của Ngài Đạo Mân - Mộc Trần như sau:

 

道本玄成佛祖先

明於杲日麗中天

靈源廣潤慈風溥

     照世真燈萬古縣

       “Đạo Bổn huyền thành Phật tổ tiên

Minh ư cảo nhật lệ trung thiên

Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ

Chiếu thế chơn đăng vạn cổ huyền.”

Nếu dựa theo cứ liệu trên thì Hoà thượng là Tăng chúng học pháp tại nơi đây và xin bài kệ truyền thừa này. Tuy vậy, nhưng theo di chỉ hiện vật là long vị tại chùa Vĩnh Tràng thì Hoà thượng Minh Liễu Huệ Đăng thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông theo dòng kệ truyền thừa của thiền sư Đạo Mân - Mộc Trần đời thứ 38.

Theo sử liệu ghi lại trong Nội san Đất Phật Định Tường ngoài việc thỉnh Hoà thượng Huệ Đăng về trụ trì cho ngôi thảo am bên cạnh đó là dạy chữ nghĩa đạo lý cho Lập người con trai của ông bà Tri Huyện trong thời gian gần 10 năm. Tuy nhiên, sau khi ông bà Huyện mất, người học trò này đã nuôi chí tung hoành bốn bể và ngôi thảo am bấy giờ chỉ còn mỗi Hoà thượng Huệ Đăng ở lại vun bồi trùng hưng ngôi Tam bảo. Với:

“Biển thệ từ bi lớn

Biển tuệ trí rộng sâu

Cho chúng sanh thoát khổ

Hòa vang ánh đạo mầu.

Từ đó với hạnh nguyện xây dựng và phát triển cho ngôi già lam, Hoà thượng Huệ Đăng chuyên tâm công phu, công quả bồi đắp ngôi Tam Bảo. Ban ngày cuốc đất gánh nước đắp chùa, ban đêm lo công phu bái sám. Vì mến mộ công hạnh và chí nguyện của Ngài, Phật tử quy tụ về chùa rất đông, kẻ góp công người góp của, họ luôn là những nhà ngoại hộ quan trọng từ vật chất đến tinh thần, trải qua thời gian ngôi chùa dần trở thành ngôi đại già lam mang tên “Vĩnh Trường Tự”, được xây dựng theo lối kiến trúc của chùa Giác Lâm ở Gia Định, nhưng to lớn hơn, với 178 cây cột, 2 sân thiên tỉnh, 5 lớp nhà, hoàn thành vào “Năm Tự Đức thứ 2 (1849)”. Theo di chỉ còn lưu lại trên mặt trước chùa bên phải từ ngoài nhìn vào có khắc dòng chữ “1849 戌年 建造 “1849 Mậu Tuất niên Huệ Đăng kiến tạo” (Năm Mậu Tuất 1849 ngài Huệ Đăng kiến tạo). Ngài luôn mong cho ngôi chùa trường tồn vững chải, sánh ngang trời đất được thể hiện qua hai câu đối:

永乆對山河
        長存齊天地

   “Vĩnh cửu đối sơn hà

Trường tồn tề thiên địa

Chùa Vĩnh Tràng xây dựng hoàn thành thì thực dân Pháp đánh chiếm Định Tường. Trong cơn binh lửa, chùa bị thiệt hại khá nặng nề. Đến năm Giáp Tý (1864) Hoà thượng Huệ Đăng viên tịch trụ thế 71 năm. Nhục thân của Ngài được tôn trí tại nơi Bảo tháp Huệ Đăng trong khuôn viên chùa Vĩnh Tràng. Với ân đức uy nghiêm, đạo tâm trác thế, trí huệ viên dung, tòng lâm thạch trụ, trong 71 năm trụ thế hành trạng và công phu tu tập của Ngài thật là tấm gương sáng cho đàn hậu học noi theo. Quả thật là:

Vì sao sáng giữa muôn ngàn tinh tú

Đại hải đăng siêu tuyệt giữa muôn đèn

Bậc Long Tượng kiệt xuất chốn thiền môn

Khó có được xuyên qua dòng lịch sử.

 

 

 

BAN TỔ CHỨC ĐẠI GIỚI ĐÀN HUỆ ĐĂNG


Người viết : admin